Về quê lập nghiệp: Hành trình ngược dòng của 8X Quảng Ngãi

An Hạ - 09:00, 17/07/2021

TheLEADERVề quê lập nghiệp là một hành trình đẹp, góp phần phát triển quê hương, tận dụng tối ưu các nguồn lực địa phương, và giảm bớt phần nào áp lực dân số cho các đô thị lớn.

Hành trình về quê lập nghiệp

“Không có bạn, Sài Gòn vẫn giàu. Có bạn về quê, quê nghèo sẽ bớt nghèo hơn…”.

Sinh ra và lớn lên tại làng chài Sa Huỳnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tuổi thơ của anh Trần Anh Tuấn (Tuấn Trần) gắn liền với những tháng ngày lơ xe đò cùng ba và gánh hàng rong của mẹ.

Với mong muốn đổi đời, anh Tuấn quyết tâm khăn gói vào TP.HCM học tập và theo đuổi khát vọng “người ở tỉnh”. Nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, anh làm việc tại TP.HCM một thời gian rồi cuối năm 2006 lại quyết định trở về quê để bắt đầu hành trình lập nghiệp.

Đúng thời điểm ấy, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất được khởi công xây dựng trên quê hương anh, và anh trở thành một trong những kỹ sư trẻ làm việc tại công trường nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam ở Quảng Ngãi.

Về quê lập nghiệp: Hành trình lội ngược dòng của 8X Quảng Ngãi 1
Anh Trần Anh Tuấn thuộc thế hệ 8X đời đầu tiên phong về quê lập nghiệp

Kể về câu chuyện lần đầu tiên khởi nghiệp, cảm xúc trong anh vẫn bồi hồi, anh nói: bao nhiêu năm xa quê ăn học cho đến khi trở về lập nghiệp, khát vọng phải làm được gì đó cho quê hương vẫn luôn đau đáu trong anh.

Anh nghĩ, cần phải có giải pháp về hạ tầng phục vụ an sinh xã hội như giáo dục, y tế, thể thao… thì mới thu hút được nhân tài hồi hương, thu hút nhà đầu tư, thay đổi suy nghĩ về lối mòn cứu trợ… có như thế thì tỉnh nhà mới phát triển.

Anh bắt đầu manh nha ý tưởng từ năm 2010 và đưa vào khai thác năm 2012. Khi ấy, trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi không có địa điểm cho người dân tập luyện thể thao và tổ chức các sự kiện giao lưu, học hỏi cho thanh thiếu niên; trẻ em cũng không được phổ cập bơi lội.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, song song với công việc chuyên môn của một kỹ sư dầu khí, anh gom góp tất cả số vốn có được, bắt đầu khởi nghiệp với dự án Trung tâm thể thao Trần Phú - Tuấn Minh Sport, một dự án mà ngay từ khi còn là ý tưởng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng và chính quyền địa phương.

Với quy mô gần 10.000m2, sau gần 10 năm đưa vào vận hành, đến nay Trung tâm thể thao Trần Phú không những trở thành trung tâm thể thao trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi mà còn là một công viên xanh, góp phần thu hút, phát triển phong trào rèn luyện thể chất; tạo cảm hứng cho các nhà đầu tư tham gia, nhân rộng mô hình, bổ sung hạ tầng thể thao trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Ngoài việc thực hiện chức năng chính của một trung tâm thể thao, Tuấn Minh Sport cũng đóng góp các ý tưởng và tham gia nhiều chương trình có ý nghĩa lớn với cộng đồng, nổi bật nhất là dự án bể bơi lắp ráp có chi phí tiết kiệm.

Chia sẻ về quá trình ra đời dự án bể bơi lắp ráp anh Tuấn cho biết, năm 2016 xảy vụ tai nạn đuối nước của các em nhỏ ở một vùng quê nghèo Quảng Ngãi. Trăn trở với nỗi đau ấy, ý tưởng làm hồ bơi lắp ráp hình thành ngay trong chuyến công tác của anh tại Hàn Quốc, khi anh nhìn thấy nhiều bể bơi mini tiện ích dành cho trẻ em của nước bạn.

Về nước, anh bay vào TP.HCM, làm việc với một công ty chuyên gia công các loại chất liệu tương tự; nhờ áp dụng thêm chuyên môn của bản thân từ ngành kỹ sư cơ khí chế tạo, hàng loạt bể bơi lắp ráp với chi phí tiết kiệm và hiệu quả từng bước ra đời.

Anh cho biết, một bể bơi lắp rắp có thể tích khoảng 100 mét khối, với diện tích 6x16 mét và chiều cao 1,2 mét; được lắp đặt, tháo dỡ rất dễ dàng. Mỗi bể bơi có thể phục vụ cùng lúc từ 30 - 40 em nhỏ, nếu phục vụ việc dạy bơi thì khoảng 20 em cùng lúc.

Sau khi dự án triển khai, đã có hơn 70 bể bơi lắp ráp được chuyển giao cho nhiều địa phương trên cả nước, từ Hà Giang, Bắc Kạn cho tới tận Cà Mau.

Về quê lập nghiệp: Hành trình lội ngược dòng của 8X Quảng Ngãi 2
Mô hình bể bơi lắp ráp của Tuấn Minh Sport được sử dụng hiệu quả với chi phí tiết kiệm, dự án đã giúp phổ cập bơi cho hơn 2.000 trẻ em địa phương

Cùng với sự ra đời của dự án bể bơi lắp ráp, Tuấn Minh Sport cũng phối hợp với UBND tỉnh, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tổ chức thành công chương trình “Bơi cùng Ánh Viên - Đồng hành cùng thanh thiếu niên phòng chống đuối nước” nhằm phát động phong trào dạy và học bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Anh tâm sự, dù chương trình đã tổ chức thành công và phổ cập bơi cho hơn 2.000 trẻ nhỏ, nhưng con số đó vẫn chưa đủ so với những gì các em cần. Bởi anh mong muốn nạn đuối nước sẽ không còn lấy đi sinh mạng của trẻ em Quảng Ngãi hay bất cứ trẻ nào trên khắp mọi miền đất nước.

Ba năm sau, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi, Tuấn Minh Sport một lần nữa lại tạo được dấu ấn khi đồng hành cùng UBND tỉnh tổ chức sự kiện mời Huấn luyện viên Park Hang Seo về Quảng Ngãi tham gia giao lưu với người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà.

Về quê lập nghiệp: Hành trình lội ngược dòng của 8X Quảng Ngãi 3
HLV Park Hang Seo về giao lưu cùng người hâm mộ bóng đá tỉnh Quảng Ngãi tháng 6/2019

Hỏi anh làm thế nào để có thể mời được Huấn luyện viên Park, anh Tuấn hào hứng nói: sự kiện này có quy mô lớn hơn, và độ “gõ cửa” cũng khó hơn nhiều so với sự kiện trước đó. Ý tưởng mời ông Park đến từ một buổi nói chuyện rất tình cờ giữa anh và giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Sau khi tìm hiểu, anh biết để mời được Huấn luyện viên Park là chuyện vô cùng khó, vì ông Park không phải là người hay tham gia các sự kiện như vậy. Hơn nữa, thời điểm tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chương trình chỉ cách thời điểm diễn gia trận chung kết giải King’s Cup vài ngày. Biết là khó nhưng anh và giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh vẫn rất quyết tâm.

Đầu tiên, anh và giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đến “gõ cửa” phó chủ tịch tỉnh, chủ tịch tỉnh, rồi đến bí thư tỉnh ủy. Sau đó, anh cùng lãnh đạo tỉnh bay ra Hà Nội “gõ cửa” phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, rồi nhờ người tác động đến thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…

“Gõ cửa” đã khó, có cơ hội trình bày và được chấp nhận đề xuất lại càng khó hơn. Bởi lý do gì để Huấn luyện viên Park về một địa phương không có đội bóng đá tỉnh trong giải V-League, nghèo phong trào, và du lịch cũng chưa phát triển như Quảng Ngãi?

Nhưng theo anh, những điều có vẻ như “yếu thế” ấy lại là lý do rất chính đáng để thuyết phục những người có sức ảnh hưởng như Huấn luyện viên Park đồng ý tham gia chương trình và truyền cảm hứng, phát động phong trào thể thao; cũng như kết nối, thu hút phát triển du lịch ở một tỉnh còn khó khăn như Quảng Ngãi.

Nghĩ là làm, anh đưa ra ý tưởng tổ chức giải bóng đá U11 cho trẻ em trong toàn tỉnh và cùng mọi người lên kế hoạch cho chương trình. Trước những trăn trở, tâm huyết và nỗ lực của anh cũng như sự quyết tâm, quyết liệt của ban lãnh đạo tỉnh, sự kiện được đánh giá cao về mục đích và ý nghĩa, Tuấn Minh Sport cùng ban lãnh đạo tỉnh đã thành công mời được Huấn luyện viên Park về Quảng Ngãi.

Liên tiếp những thành công trong việc tổ chức các sự kiện lớn nhỏ có ý nghĩa đối với tỉnh Quảng Ngãi và cộng đồng đã đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trên hành trình phát triển ‘đứa con tinh thần’ Tuấn Minh Sport cũng như hành trình lập nghiệp của cá nhân anh.

‘Bảng chữ cái’ thành công

Hiện tại, ngoài việc điều hành trung tâm thể thao tại thành phố Quảng Ngãi, anh Tuấn cũng giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT tại Vũ Phong Energy Group, tập đoàn chuyên về năng lượng tái tạo và đảm nhận vị trí Chuyên gia cố vấn hệ thống HSEQ tại Công ty CP Xây dựng 47 có trụ sở tại Quy Nhơn, Bình Định.

Suốt chặng đường gần 10 năm bôn ba nơi đất khách và hơn 10 năm lập nghiệp trên chính quê hương, bắt đầu từ những đam mê, khát vọng của một thời tuổi trẻ, những hỉ nộ ái ố từ ‘làm thuê chuyên nghiệp’ cho đến làm chủ, ở đó anh có những thành tựu, những vấp ngã, những bài học phải trả giá và cả những nỗi đau…

Về quê lập nghiệp: Hành trình lội ngược dòng của 8X Quảng Ngãi 4
Dù về quê lập nghiệp từ năm 2006, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, anh Tuấn vẫn duy trì kết nối và làm việc ở TP.HCM

Hai năm nay, anh sống giữa hai nơi, cứ hai tuần thì có một tuần ở TP.HCM, một tuần còn lại anh ở quê hoặc ở đâu đó khác. Anh nhận ra rất rõ, dù chọn sống và làm việc ở đâu thì cũng cần phải nỗ lực hết mình, cần kết nối, cần giao thương…

Đến thời điểm hiện tại, Tuấn Minh Sport vẫn mãi là câu chuyện khởi nghiệp thành công và có ý nghĩa nhất với anh. Nhưng những việc anh đã làm để có được thành công ấy, từ bước lên ý tưởng đến bước xây dựng và vận hành… tất cả đều không thể ghi chép, đóng gói rồi chuyển giao cho người khác.

Bởi thành công không có một mô hình hay công thức nhất định mà là một hành trình, và mỗi một con đường sẽ chỉ dẫn đến duy nhất một mục tiêu thành công. Anh cho rằng, ngoài tinh thần “Ra đi để trở về”, các bạn trẻ cũng cần phải trang bị những phẩm chất cần thiết - như một ‘bảng chữ cái’, để mỗi người có thể dùng nó viết nên câu chuyện thành công của riêng mình.

Trong thời buổi cuộc sống thành thị nhiều áp lực, bon chen, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trước nhiều sự lựa chọn cho tương lai thì “bỏ phố về quê” đang trở thành lựa chọn của một số doanh nhân trẻ. Nhưng câu chuyện khởi nghiệp, hay về quê lập nghiệp như thế nào thì không phải ai cũng hiểu thấu đáo.

Nhìn thấy nhiều thanh niên đang chật vật mưu sinh ở TP.HCM hay các đô thị lớn, anh nghĩ, người trẻ nên bước chân ra khỏi vùng an toàn ngay khi có thể, để học tập, để trưởng thành… và để bắt đầu hành trình lập nghiệp, dù ở bất cứ nơi đâu.

Về quê lập nghiệp: Hành trình lội ngược dòng của 8X Quảng Ngãi 4
“Về quê lập nghiệp” là câu chuyện trải lòng về hành trình lập thân, lập nghiệp của Trần Anh Tuấn, chàng kỹ sư bách khoa thế hệ 8X người Quảng Ngãi, sách dự kiến ra mắt tháng 8/2021

Triết lý ‘Đi để trở về’

Cuốn sách “Về quê lập nghiệp” của Trần Anh Tuấn xâu chuỗi các câu chuyện, những trải nghiệm về chặng đường lập thân, lập nghiệp của một người Việt trẻ thuộc thế hệ 8X đời đầu.

Dù mỗi người đều có hoàn cảnh xuất thân, khởi nghiệp, lập nghiệp khác nhau, nhưng dưới cách biểu đạt ngôn ngữ chân thực, gần gũi của người viết, bạn đọc sẽ thấy đâu đó hình ảnh quen thuộc của chính mình.

Nội dung sách là các bài học được đúc kết với nhiều gam màu, có hồng, có xám… nhưng không kém phần thú vị, hấp dẫn bởi những cung bậc cảm xúc đan xen. Và có lẽ, đối với một số người đọc thì sách không chỉ là hành trình khởi nghiệp mà còn là những bài học thành nhân, về hành trình xây dựng giá trị của một con người.

Trong phạm vi cuốn sách, tác giả gửi gắm đến bạn đọc ý nghĩa rộng hơn của từ “Quê”, không nhất thiết phải bó hẹp trong thôn xóm, làng xã, mà hiểu rộng hơn là tỉnh nhà. Với những bạn đang học tập, mưu sinh ở năm châu bốn bể thì quê có thể hiểu là đất nước Việt Nam.

“Về quê” được hiểu là có ra đi mới có trở về, ra đi để học tập, để trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, để kết nối và tích lũy… rồi về quê để sống, làm việc, và hơn thế nữa là về để cống hiến, phụng sự quê hương.

Theo nhà báo Quốc Vĩnh, công tác ở báo The Leader, hiện là Chủ tịch Hội Đồng hương và CLB Doanh nhân Quảng Ngãi tại TP.HCM, việc về quê lập nghiệp của doanh nhân Trần Anh Tuấn là một “cú lội ngược dòng đầy thách thức”.

Vì theo một khảo sát gần đây do Hội tổ chức với các sinh viên quê Quảng Ngãi vừa tốt nghiệp đại học tại TP.HCM thì hơn 95% ở lại TP.HCM để tìm việc làm do có nhiều cơ hội, nhiều sự chọn lựa trong cuộc mưu sinh.

Với tâm niệm “Viết vì quê hương cần bạn, và bạn cũng cần nơi đi để trở về”, cuốn sách không đơn thuần chỉ như một cuốn cẩm nang cho những người trẻ đang khao khát, trăn trở trên con đường khởi nghiệp; hay cho những ai đã và đang chuẩn bị cho hành trình về quê lập nghiệp…

Cuốn sách còn là một dự án cộng đồng đầy ý nghĩa của Trần Anh Tuấn với khát vọng truyền lửa, tiếp sức cho thanh niên muốn về quê lập nghiệp, đồng thời gây quỹ phổ cập bơi cho 10.000 trẻ em nghèo vùng lũ; vừa tạo động lực cho các bạn trẻ, vừa góp phần phát triển quê hương, làm giàu cho đất nước.