Vị thế tốt để nắm bắt cơ hội giữa 'bão' toàn cầu

Kiều Mai - 11:20, 01/10/2022

TheLEADERTheo chuyên gia, để phát huy hết tiềm năng tăng trưởng, Việt Nam cần thúc đẩy hiệu quả hợp tác giữa hai khối công và tư. Đặc biệt, các sáng kiến cần tập trung vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vị thế tốt để nắm bắt cơ hội

Sau khi được S&P nâng hạng, Việt Nam gần đây cũng được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức Ba2, và hiện chỉ kém mức đầu tư một bậc.

Trong khi đó, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) – thước đo sức khỏe của ngành sản xuất trong nền kinh tế – đạt 52,7 điểm trong tháng 8, chứng tỏ sự cải thiện vững vàng của khu vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh hiện đã được củng cố trong 11 tháng liên tiếp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP. Tổ chức này gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 lên 6,9%.

Việt Nam, quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, đang tham vọng muốn trở thành một nước phát triển, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Tầng lớp trung lưu cao dự kiến sẽ tăng trung bình 17% cho đến năm 2030.

Năm ngoái, Việt Nam cam kết đầy tham vọng sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi quyết sách phát triển, một phần trong tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mỗi ngành nghề, doanh nghiệp và cá nhân. Mọi hành động phải lấy tự nhiên và con người làm cốt lõi, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải.

a
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.

“Triết gia người La Mã Seneca từng nói “May mắn sẽ xuất hiện khi sự chuẩn bị sẵn sàng và thời cơ gặp nhau”. Việt Nam đã tự tạo ra “may mắn” cho mình để phục hồi vững chắc. Nền kinh tế lúc này đang có vị thế tốt để nắm bắt các khả năng”, ông Tim Evans nhấn mạnh tại Hội thảo Triển vọng thị trường 2022 của HSBC mới đây.

“Tôi đã từng thấy một bình luận trên LinkedIn, nói rằng “Mỹ được cho là vùng đất của cơ hội, nhưng Việt Nam có những con người tạo ra cơ hội, chính con người mới tạo nên sự khác biệt”. Tôi hoàn toàn đồng ý”.

“Điều đó được chứng minh qua cách người Việt Nam thoát khỏi Covid-19 và cùng nhau xây dựng lại nền kinh tế, cũng như vượt qua mọi thăng trầm, vượt qua mọi thử thách trong suốt lịch sử lẫy lừng của họ. Chúng tôi may mắn có mặt ở đây để chứng kiến, hỗ trợ và góp phần thúc đẩy câu chuyện thành công của Việt Nam”.

“Khi quỹ đạo tiếp tục, tất cả các lĩnh vực nên sẵn sàng để nắm bắt các cơ hội mới đang đến”, ông nhấn mạnh.

Chia sẻ đồng quan điểm tại hội thảo, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson tại Việt Nam, đánh giá sau khi những hậu quả nặng nề nhất của đại dịch qua đi, niềm hy vọng lớn lao đã được thắp lên ở Việt Nam, và triển vọng khá tích cực.

Động lực tạo nên điều này chính là lực lượng gần 60 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường có lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số.

Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này, ông phân tích.

Một loạt các dự án FDI tên tuổi đã được triển khai ở Việt Nam, đơn cử như Lego – một thành viên của EuroCham – đang đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương để xây dựng nhà máy. Trong tương lai, đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và là nhà máy thứ hai ở châu Á của Lego.

Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam, một phần do chiến lược Trung Quốc+1 và một phần bởi các hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã tham gia, thị trường xuất khẩu FDI sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, vị chủ tịch EuroCham dự báo.

Thúc đẩy hiệu quả hợp tác công - tư

Để thu hút các nhà đầu tư này, kích thích đầu tư tư nhân và đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế vững mạnh hơn, ông cho rằng hai khối công tư cần phối hợp hiệu quả hơn.

Theo đó, ông khuyến nghị trong một môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh, Việt Nam cần tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ. Để làm được điều đó, Việt Nam cần hết sức ưu tiên cải thiện khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và ưu đãi cho doanh nghiệp.

Tiếp theo, các nhà đầu tư cả hai khối công tư cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Ông Alain Cany lưu ý rằng quá trình triển khai những thay đổi lớn lao và phát triển năng lượng tái tạo đòi hỏi những khoản đầu tư không nhỏ. Do đó, Chính phủ Việt Nam sẽ cần kêu gọi sự hỗ trợ để thay đổi, và khối FDI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp công nghệ, chuyên môn và nguồn vốn.

Trong năm 2021 và 2022, hầu như không có nguồn vốn tư rót vào cơ sở hạ tầng công.

“Tôi khuyến khích mọi người hãy cùng chung tay đóng góp vào chương trình khí hậu của Chính phủ thông qua tài trợ vốn, triển khai các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng năng lượng sạch. Hãy cùng dẫn lối mở đường, chúng ta sẽ giúp thúc đẩy thay đổi diễn ra trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam”, ông đề xuất.

Mặc dù các thành viên EuroCham sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn vốn xanh, ông cho rằng tiềm năng vẫn bị hạn chế do những khó khăn trong pháp lý, tình trạng quan liêu và cơ sở hạ tầng mạng lưới chưa đủ đáp ứng.

Tình trạng đó cũng diễn ra ở các cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam, dù là cơ sở hạ tầng năng lượng hay giao thông. Theo kết quả khảo sát BCI, một lĩnh vực quan trọng Việt Nam cần cải thiện để thu hút thêm FDI là phát triển cơ sở hạ tầng. Về vấn đề vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chính phủ dự kiến sử dụng ngân sách nhà nước để đáp ứng 2/3 nhu cầu, phần còn lại kỳ vọng đến từ đầu tư tư nhân.

Vốn FDI đang sẵn có và có thể hỗ trợ. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư của chính phủ có hiệu lực vào đầu năm 2021, số lượng các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) trên thực tế đã giảm dần.

Trong năm 2021 và 2022, hầu như không có nguồn vốn tư rót vào cơ sở hạ tầng công. Lãnh đạo EuroCham cho rằng nguyên nhân là do hiện nay, khuôn khổ pháp lý của Chính phủ còn quá đơn giản, không xác định rõ quyền của nhà đầu tư, và không đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề lớn liên quan đến phương thức PPP. 

“Tôi hy vọng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục khai thông thủ tục hành chính, và xây dựng khung pháp lý toàn diện để các công ty FDI có thể đóng góp nhiều hơn”, ông khuyến nghị.

Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân tận dụng các điều kiện thuận lợi hiện tại và duy trì tiến trình số hóa của Việt Nam bằng cách tăng cường đầu tư cho phát triển số, và lồng ghép số hóa trong mô hình kinh doanh của quý vị. Về phía nhà nước, chính phủ phải khuyến khích đổi mới, số hóa các thủ tục, và điều chỉnh các quy định cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

“Để phát triển Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, bao gồm chuyển đổi xanh, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế số, vươn lên trên chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, hai khối công và tư phải phối hợp với nhau để nâng cao năng lực nguồn nhân lực của Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết”, ông nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông lưu ý rằng các sáng kiến hợp tác nên tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi tới 96% doanh nghiệp mới trong nước có quy mô vừa và nhỏ.