World Bank chỉ ra nhiều rủi ro với triển vọng kinh tế Việt Nam

Phương Anh - 15:44, 28/09/2022

TheLEADERTrong bối cảnh toàn cầu ảm đạm, nền kinh tế Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực, đòi hỏi các chính sách phải phát huy được năng lực các nguồn lực nội tại.

Trong đánh giá mới nhất, World Bank (Ngân hàng Thế giới) nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong năm nay, với dự báo tăng trưởng 7,2%.

Điều này phần lớn là do xuất phát từ thấp điểm sau khi thực hiện các biện pháp phong tỏa khiến kinh tế suy giảm năm ngoái, trước khi quay trở lại đà tăng trưởng trong trung hạn.

Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn (Mỹ, EU và Trung Quốc) ở mức trung bình.

Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên ngưỡng 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023, do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa lần hai, trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024.

Chi tiêu công dự kiến sẽ tăng nhanh trong nửa sau của năm 2022, và thâm hụt tài khóa của năm 2022 sẽ đạt 2,8% GDP, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo World Bank, thâm hụt được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,2% GDP nếu việc triển khai các chương trình hỗ trợ của năm 2022 – 2023 được đẩy mạnh.

World Bank chỉ ra nhiều rủi ro với triển vọng kinh tế Việt Nam
Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn. Ảnh: ILO.

Dù vậy, triển vọng kinh tế cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở phía trước.

Các rủi ro từ bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng và suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam, và sự gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về rủi ro trong nước, lạm phát cao hơn dự kiến, tình trạng thiếu lao động được ghi nhận trong các khu vực sản xuất, và rủi ro tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

Trong ngắn hạn, với bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phục hồi và lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ thích ứng đang được triển khai vẫn phù hợp, trong khi một lập trường tài khóa có tính hỗ trợ hơn sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ suy giảm đối với tăng trưởng.

“Điều này có nghĩa là cần sử dụng ngân sách và thực hiện chương trình hỗ trợ 2022 – 2023 hiệu quả hơn”, World Bank nhấn mạnh. Tài chính hộ gia đình vẫn còn bấp bênh, đặc biệt là các hộ nghèo cần tiếp tục được xã hội hỗ trợ.

Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng nhanh trên 4% và lạm phát cơ bản gia tăng, các cơ quan chức năng nên xem xét điều chỉnh lại chính sách tài khóa và tiền tệ.

Cùng với đó, rủi ro trong khu vực tài chính gia tăng đòi hỏi phải tăng cường giám sát, báo cáo và trích lập dự phòng nợ xấu, đồng thời cải thiện các cơ chế giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và khu vực ngân hàng.

Ở quy mô khu vực, World Bank cho rằng, trong thời gian tới, kết quả kinh tế trên khắp Đông Á - Thái Bình Dương có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu trên toàn cầu chững lại, nợ gia tăng, và tình trạng lệ thuộc vào các biện pháp xử lý kinh tế ngắn hạn nhằm chống đỡ giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô gần đây, GS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng rủi ro lớn nhất cuối năm nay và năm tới là nguy cơ về suy thoái kinh tế thế giới, kéo theo tăng trưởng chậm của Việt Nam, thậm chí nhiều khó khăn.

Trên thực tế, suy thoái kinh tế thế giới có thể nhìn thấy khá rõ, và điều này đang thu hẹp thị trường thế giới, dẫn đến Việt Nam là một nước xuất khẩu cũng bị bó hẹp thị trường.

Ông cho rằng, tác động này ảnh hưởng mạnh nhất đến khu vực FDI vì nhiều sản phẩm liên quan đến xuất khẩu. Còn với khu vực trong nước, tác động này có lẽ thấp hơn vì phần lớn các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước mang tính thiết yếu, và mức độ điều chỉnh không mạnh như sản phẩm của FDI.

World Bank chỉ ra nhiều rủi ro với triển vọng kinh tế Việt Nam 1
GS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân.

Chính vì thế, giai đoạn này có lẽ cần nới lỏng việc kiểm soát lạm phát và tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong nước, để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp này phục hồi, lấy lại đà phát triển, tạo ra vị thế, chỗ đứng. Điều này sẽ giúp Việt Nam giữ được thị trường nội địa nếu như nền kinh tế thế giới lạm phát kéo dài.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích cho rằng tổng thể tốt – rõ ràng là bài học rất quan trọng trong việc chống lạm phát, xác định rõ nguyên nhân chính là chi phí đẩy thì tập trung sử dụng công cụ tài khóa.

Theo ông, điều tốt hơn nữa là đầu tư công có thể “bơm máu” cho nền kinh tế, giảm tình trạng khát vốn, giảm gánh nặng cho phía ngân hàng, thị trường tài chính.

“Phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. Đây là bài học cực kỳ quan trọng. Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế”, ông nhấn mạnh.

Về tình thế tương lai, ông cho rằng, cần đánh giá tính bất định, bất trắc cao hơn nhiều, đặc biệt là ở khía cạnh nền kinh tế Trung Quốc khi thị trường bất động sản nước này không phục hồi được, tình hình hạn hán nhiều…

TS. Võ Trí Thành lưu ý rằng, cuối năm nay và năm sau, động lực cho xuất khẩu sẽ suy giảm đáng kể. Do đó, việc đa dạng hóa thị trường hay mở rộng thị trường sẽ là giải pháp quan trọng.

Về tiêu dùng, ông cho rằng, mức tiêu dùng năm tới sẽ không như năm nay, vì người tiêu dùng thắt chặt kinh tế một phần, và việc tiêu dùng kiểu "trả thù" cũng bớt dần, kéo theo du lịch cũng giảm đi. Như vậy, nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng từ du khách quốc tế. Do đó, các chính sách visa làm sao để thu hút được thêm du khách quốc tế là việc quan trọng.