Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế có triển vọng tích cực năm 2023

Phương Anh - 20:12, 19/10/2022

TheLEADERDự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vượt 6% cả năm nay và năm sau, thúc đẩy bởi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, ông Mathias Cormann, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong Chương trình Đông Nam Á.

Ông bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển của Việt Nam hơn 30 năm qua. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có kết quả phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, và triển vọng tích cực năm 2023, trong khi các nền kinh tế khác gặp nhiều khó khăn do lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực...

Vị Tổng thư ký ấn tượng với chủ trương, đường lối, cách thức phát triển của Việt Nam, và nhận định rằng, thành quả phát triển trên cho thấy Việt Nam đã có chính sách, hướng đi đúng đắn, nhất là việc chuyển hướng từ "zero Covid" sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả.

Ông cho biết và cam kết OECD sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển, và sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phục hồi, cải cách kinh tế, hướng đến các mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Việt Nam là số ít nền kinh tế có triển vọng tích cực năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Mathias Cormann, Tổng thư ký OECD. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế cao cấp Việt Nam – OECD 2022, ông Mathias Coman nhận định triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tương đối mạnh, với dự báo tốc độ tăng GDP sẽ vượt 6% cả năm nay và năm sau.

Tăng trưởng sẽ được thúc đẩy bởi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi các doanh nghiệp trong OECD tìm đến Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do đó, trước những thách thức phía trước, Việt Nam cần đẩy mạnh các nỗ lực cải cách để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Vị tổng thư ký OECD cũng lưu ý trong bối cảnh khu vực và thế giới còn nhiều thách thức phức tạp như lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng lương thực, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các thách thức và cú sốc trong tương lai.

Theo đó, trước hết, Việt Nam cần thích ứng với điều kiện dân số già đi, và cải cách cơ cấu dân số để giảm tải áp lực với lực lượng lao động. Do đó, cần cải thiện hệ thống lương hưu, phúc lợi.

Không chỉ vậy, Việt Nam được hưởng lợi từ việc mở cửa thương mại, vì thế cần cải thiện hơn nữa, tự do hóa hơn nữa các thị trường dịch vụ. Cùng với đó là tập trung vào các lĩnh vực sáng sạo, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, tạo việc làm và nâng cao cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, đi cùng là những thách thức về bất bình đẳng giới, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đòi hỏi cần dung hòa và xử lý hiệu quả. Đây sẽ là những lĩnh vực mà OECD có thể hỗ trợ cho Việt Nam, ông Mathias Coman cho biết.

Ngoài ra, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại COP26 về chống biến đổi khí hậu. Do vậy, ngành nông nghiệp là một mũi nhọn cần tính đến, trong đó, cần thúc đẩy năng suất phù hợp với chi phí sản xuất bỏ ra để thích ứng biến đổi khí hậu.

Tại buổi tiếp đại diện OECD, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ các nền tảng xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh xây dựng ba trụ cột gồm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; phát triển dựa vào nguồn lực bên trong (con người, văn hóa, truyền thống…) là chiến lược, cơ bản, lâu dài, và quyết định, nguồn lực bên ngoài (nguồn vốn, công nghệ…) là quan trọng, đột phá.

Cùng với đó, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trên nền tảng ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển.

Bên cạnh đó, mọi chính sách đều hướng đến con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng hợp tác và tư vấn chính sách của OECD, sẵn sàng phối hợp với OECD cung cấp số liệu để có được các nghiên cứu, phân tích, phản ánh và tư vấn chính sách khách quan, đa chiều.

Thủ tướng đề nghị OECD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các động lực phát triển kinh tế như tiêu dùng, xuất khẩu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Cùng với đó, hỗ trợ Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng năng suất, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như nghiên cứu giải pháp giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…