Việt Nam là ‘vùng an toàn kinh tế’ giữa bão toàn cầu

Phương Anh - 09:09, 11/10/2022

TheLEADERChuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital đánh giá những yếu tố nội tại vững chắc, cùng các chính sách mạnh mẽ, sẽ giúp Việt Nam phần nào thoát khỏi những điều kiện khó khăn mà thế giới có thể phải trải qua trong 1 – 2 năm tới.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, trong đánh giá mới đây nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam dựa vào thị trường nội địa, cùng quyết tâm duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định từ các nhà hoạch định chính sách, sẽ giúp Việt Nam trở thành “nơi trú ẩn an toàn” trong số các nền kinh tế mới nổi.

Lạm phát của Việt Nam dự báo vẫn sẽ ở mức dưới 4%, và VND sẽ mất giá khoảng 5% kể từ đầu năm – khá tích cực trong bối cảnh đồng USD tăng gần 20% và đồng Nhân dân tệ mất giá khoảng 10% trong cùng khoảng thời gian. Động thái tăng lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giúp bảo vệ giá trị của VND.

Mức lạm phát khiêm tốn phần nào phản ánh cách xử lý thận trọng của Chính phủ đối với Covid-19, khi không phải gánh một khoản nợ đáng kể để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh, và thậm chí đang có thặng dư ngân sách trong năm nay.

Cùng với đó, Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực nên mức lạm phát giá lương thực giữ được ở dưới 4%.

Không chỉ vậy, VND sụt giá khiêm tốn còn cho thấy hiệu quả trong nỗ lực giữ giá của Chính phủ. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới có chính sách lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát, khiến VND trở nên hấp dẫn cho người Việt Nam gửi tiết kiệm hơn là bán VND để mua USD.

Tại hội thảo cuối tháng trước của HSBC, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson tại Việt Nam, đánh giá, sau khi những hậu quả nặng nề nhất của đại dịch qua đi, niềm hy vọng lớn lao đã được thắp lên ở Việt Nam, và triển vọng khá tích cực.

Động lực tạo nên điều này chính là lực lượng gần 60 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường có lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số.

Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này, ông phân tích.

Một loạt các dự án FDI tên tuổi đã được triển khai ở Việt Nam, đơn cử như Lego – một thành viên của EuroCham – đang đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương để xây dựng nhà máy. Trong tương lai, đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và là nhà máy thứ hai ở châu Á của Lego.

Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam, một phần do chiến lược Trung Quốc +1 và một phần bởi các hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã tham gia, thị trường xuất khẩu FDI sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, vị chủ tịch EuroCham dự báo.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong cập nhật mới nhất dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi những tháng cuối năm, được hỗ trợ bởi những cân đối vĩ mô vững mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt, và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa.

Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế được ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh ảm đạm chung trên toàn cầu, 6,5% cho năm 2022 và 6,7% cho năm 2023.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, vị thế tài khóa vững chắc và nợ công thấp đã hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và lãi suất tăng lên.

Đầu tư tăng, lạm phát được kiểm soát và các điều kiện tài khóa và tiền tệ mở rộng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh phục hồi kinh tế đang diễn ra trong năm 2022.

Tăng trưởng GDP mạnh mẽ nhờ tiêu dùng nội địa

Sau dữ liệu tích cực của 9 tháng đầu năm nhờ tiêu dùng nội địa, VinaCapital đã nâng dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam từ 7,5% lên 8%.

Tiêu dùng chiếm 2/3 GDP của Việt Nam và doanh số bán lẻ thực tế (đã loại trừ tác động của lạm phát), đã tăng khoảng 16,8% so với cùng kỳ. Một phần trong tăng trưởng ấn tượng này đến từ hiệu ứng mức cơ bản thấp, khi quý III năm ngoái chứng kiến đóng cửa kéo dài, dẫn tới mức doanh thu bán lẻ sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiêu dùng nội địa tại Việt Nam cũng đã liên tục tăng trưởng kể từ đầu năm 2022.

Về sản xuất – lĩnh vực chiếm khoảng 20% GDP của Việt Nam, được dự báo sẽ tăng trưởng yếu trong năm nay, do nhu cầu thế giới suy yếu. Tín hiệu tích cực là sản lượng sản xuất 9 tháng đầu năm đã tăng 10,7%, nhờ sự dịch chuyển của các nhà máy từ Trung Quốc sang. Mức giải ngân FDI cũng khả quan, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, việc tăng tốc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã giúp tăng hoạt động xây dựng.

Ông Michael Kokalari cho rằng, nhu cầu nội địa của Việt Nam vào năm sau có thể sẽ chậm lại khi sự bùng nổ từ việc mở cửa kết thúc, và nhu cầu với các sản phẩm “Made in Vietnam” giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu bi quan.

Tuy nhiên, ông kỳ vọng gia tăng chi tiêu công cùng lượng khách quốc tế trở lại sẽ phần nào giúp bù đắp những thiếu hụt trên.