Vững chãi vượt bão

11:45, 06/02/2023

TheLEADERNăm 2023 được dự đoán là một năm khó khăn với nền kinh tế nói chung. Vậy, trong khó khăn đó, các doanh nghiệp nên tư duy thế nào? Nên thận trọng hay vẫn từng bước ra biển lớn? Những lúc khó khăn như thế này chính là lúc các doanh nghiệp cần nhìn lại để xem những người đã thành công vượt qua khó khăn trong quá khứ như thế nào và chuẩn bị gì cho tương lai.

Vững chãi vượt bão
Ông Đào Đức Thuận, chuyên gia chiến lược marketing của Owen Việt Nam (Ảnh: Advertising Việt Nam)

Trên cơ sở đó, trong chương trình Táo Marcom 2023, ông Đào Đức Thuận, chuyên gia chiến lược marketing của Owen Việt Nam đã đề xuất một số phương án chiến lược giúp doanh nghiệp vượt qua những ngày “giông tố” phía trước.

Cơ sở và tư duy chiến lược

Để vượt qua khó khăn, tổ chức kinh doanh có thể chọn phát triển bằng cách tối ưu những lĩnh vực đã biết, tiếp cận vào lĩnh vực chưa biết đã xác định hoặc mạo hiểm dấn thân vào những lĩnh vực chưa biết và chưa xác định.

Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng thị trường của chúng ta chính là vũ trụ. Trong vũ trụ đó, lĩnh vực chúng ta đã biết và đã xác định được là Trái Đất. Dải Ngân Hà là nơi chúng ta đã xác định rồi và chưa biết được một cách rõ ràng.

Trong khi đó, vũ trụ - thị trường thì rất rộng lớn, vậy lĩnh vực chúng ta chưa xác định được và chưa biết có thể ở đâu đó trong một thiên hà nào đó ngoài kia. Để tiếp cận được điều đó, bắt buộc các doanh nghiệp phải bắt đầu một hành trình khám phá.

“Trong lịch sử của loài người, chắc chắn không ít lần loài người đã phải đối phó với những bất định, khó khăn. Năm 2023 là một năm dự đoán có nhiều điều bất định, và rồi con người ta sẽ lại đi tìm những vùng đất mới”, ông Đào Đức Thuận bày tỏ.

Nếu ví việc tìm một thị trường mới như hành trình chinh phục vùng đất mới, có thể nói Ấn Độ là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong quá khứ. Trong nhiều thế kỷ, Ấn Độ được biết đến là một vùng đất có rất nhiều vàng, gia vị và thuốc thang, đầy hấp dẫn với các quốc gia châu Âu. Vì vậy, nhiều quốc gia đã tìm đường đến đây bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Người Bồ Đào Nha có cách tiếp cận từng bước. Họ lần lượt đi qua các vùng miền của châu Phi. Mỗi ngày họ đi sâu thêm một chút, và họ đến được nơi. Với cách tiếp cận này thì tốc độ sẽ rất chậm, đầu tư sẽ rất nhiều, rủi ro không lớn lắm, nhưng giá trị mang lại là dự đoán được.

Cách tiếp cận thứ hai là cách tiếp cận của người Tây Ban Nha. Christopher Columbus đã có cách tiếp cận nhảy vọt. Ông đầu tư trung bình, làm liều với tinh thần được ăn cả, ngã về không. Với cách tiếp cận này, họ đi nhanh, rủi ro cao và hồi thu là tất cả hoặc không có gì. Đây là tinh thần nhiều startups thường nắm giữ.

Ông Thuận nhấn mạnh: “Còn một cách tiếp cận khác mà tôi muốn nhấn mạnh - cách tiếp cận của người Phoenician. Đây là cách tiếp cận rất khôn ngoan. Từ phương Đông, họ dần dần đi ra biển Địa Trung Hải. Mỗi ngày, đi đến đâu, họ lại vào xâm chiếm và giao du với những người, những vùng họ chưa biết, họ lấy đó làm nhà”.

“Thêm vào đó, họ luôn đi theo mô thức cố định là đi những thành phố gần biển. Đi theo hướng này thì họ sẽ an toàn, buôn bán dễ dàng và cứ thế lấn ra. Với cách tiếp cận này thì người Phoenician, với tốc độ vừa, đầu tư vừa và rủi ro tương đối thấp và hồi thu vừa. Tức là với cách tiếp cận này, đến đâu thì họ kiếm tiền đến đó, đến đâu người ta chắc chắn đến đó”, ông Thuận cho biết thêm.

Trên cơ sở đó, theo ông Thuận, cần nhớ rằng khi doanh nghiệp càng có kinh nghiệm vững chắc trong các dạng thức (đã định hình), thì càng dễ dàng khám phá những điều chưa biết. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng không cần phải đầu tư nhiều như Columbus hay bước từng bước một như người Bồ Đào Nha, mà thay vào đó có thể chỉ cần một số hàng hóa để bắt đầu kinh doanh, cũng như tìm một cách đi để có thể ở trong vùng an toàn của mình và rời khỏi nó cùng một lúc.

Masan và chiến lược marketing tiến bước

Tại Việt Nam, một trong những doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh vững chắc nhưng không ngừng mở rộng như vậy là Masan. Chỉ sau 26 năm, với cách thức tiếp cận đó, từ một doanh nghiệp kinh doanh nước mắm, Masan đã trở thành một tập đoàn công nghệ quy mô lớn với sứ mệnh phục vụ cho 100 triệu người Việt Nam.

Có thể nói, Masan đang ở trong giai đoạn 5.0. Vào giai đoạn 1.0, Masan chỉ thay đổi cách tiêu dùng nhu yếu phẩm của người dân Việt Nam. Đến thời kỳ 2.0, Masan làm thay đổi cách tiêu thụ của người dân, Masan 3.0 thay đổi cách mua sắm, bắt đầu có e-commerce. Thời kỳ 4.0, Masan làm thay đổi lối sống của người Việt bằng cách cho ra đời một hệ sinh thái, mà mỗi điểm tiếp xúc của nó là điểm tiếp xúc đến đời sống của người dân. Và vào thời kỳ 5.0, Masan đang thay đổi cách sống và cách kinh doanh của người Việt Nam, dựa vào công nghệ.

Vậy, Masan đã có chiến lược gì? Những mô thức nào trong 26 năm qua đã giúp Masan làm được điều đó?

Trước tiên, Masan bắt đầu bằng tư duy “consumer of things” – “tất cả hướng đến người tiêu dùng”, lấy người tiêu dùng làm trung tâm và xoay tất cả các giải pháp xung quanh người tiêu dùng. COT được khái niệm hóa bởi một hệ sinh thái Consumer-Tech, trong đó giá trị được phân phối thông qua mô hình trung tâm thương mại mini Masan Ưinlife.

Sau đó, Masan lại phát triển point of life (…), tạo ra các điểm bán, tạo ra các điểm tương tác, tận dụng những lợi thế công nghệ, tập trung vào đổi mới, thử nghiệm và trải nghiệm, để tương tác, giữ chân người tiêu dùng, tạo ra lối mòn để phục vụ cho triết lí consumer of things của chính mình.

Trong 25 năm qua, Masan liên tục thực hiện M&A để mở rộng công suất nhằm làm được những điều mình chưa có và thu hút vốn từ nước ngoài nhằm tăng cường nghĩa vụ tài chính. Mô thức mà họ luôn làm 25 năm qua là M&A, mua thương hiệu cà phê, mua bách hóa, mua Meat Deli, mua Vissan... và họ đang tiếp tục M&A sang những lĩnh vực khác nữa.

Cùng với M&A, Masan đang thu hút rất nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài. Trong năm 2021, 2,1 tỷ đô là nguồn vốn mà khối ngoại đã đầu tư vào Masan nhằm xây dựng hệ sinh thái để phục vụ cho 100 triệu người Việt Nam.

Để thực hiện triết lý "Point-Of-Life", Masan tập trung vào xây dựng thương hiệu, trải nghiệm khách hàng, đổi mới, lấy khách hàng làm trung tâm và nâng cao công suất. Trong hành trình đó, Masan đã liên tục đưa ra một lộ trình để tận dụng lợi thế công nghệ, từ xây dựng, mở rộng công nghệ cho đến kiến tạo hệ sinh thái.

Cho đến thời điểm hiện tại, hệ sinh thái công nghệ tiêu dùng của Masan đã đạt được những thành công nổi bật. Sau 25 năm, từ một công ty trong lĩnh vực nước mắm, nước tương, giờ đây Masan đã trở thành một tập đoàn công nghệ với doanh thu 88.000 tỷ, 34.000 nhân viên. 

Một chiến lược đúng đắn luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động marketing nói riêng và lĩnh vực kinh doanh nói chung. Trong thời kỳ giông bão, doanh nghiệp cần chọn cho mình một con đường và một cách đi thật sự vững vàng, từ đó biến nghịch cảnh thành cơ hội, đưa doanh nghiệp tiến bước.