Xây Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực

Quỳnh Chi - 17:57, 06/03/2022

TheLEADERĐến nay, dự thảo đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực đã cơ bản được hoàn thành.

Xây Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực
Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực

Cách đây gần một năm, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương để Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án xây dựng thành phố thành trung tâm tài chính quy mô khu vực theo mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Với sự đồng hành, tài trợ của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thái Bình Dương (IPPG) và các đơn vị tư vấn, đến nay, Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành dự thảo đề án.

Dự thảo đề án nêu rõ, Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện tốt như hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản, mức độ phát triển tài chính.

Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế cần có sự phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam và xu thế phát triển của quốc tế, cần có sự thận trọng trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn cũng như một phương án khả thi trong giai đoạn ban đầu. 

Đà Nẵng xác định, mô hình này tương tự mô hình thành công tại Singapore khi mới thành lập trung tâm tài chính.

Dự thảo đề án của Đà Nẵng gắn liền với các trụ cột du lịch thay vì dựa vào các trụ cột tài chính quốc gia và phát triển các sở giao dịch hàng hoá để phát triển thị trường hàng hoá, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp…

Cụ thể, các nhóm ngành nghề được chú trọng bao gồm: trung tâm tài chính offshore, trung tâm fintech, các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích vui chơi giải trí cao cấp. 

Về lộ trình phát triển, giai đoạn 2022 - 2024, Đà Nẵng ưu tiên thu hút lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để tranh thủ các nguồn lực quốc tế khả thi cho việc xây dựng và phát triển. Giai đoạn 2024 - 2030 tập trung hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính và triển khai các hoạt động trong một offshore. Giai đoạn sau 2030, khi thị trường trong nước đã thích ứng với các hoạt động tài chính mới, trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động.

Thành phố cũng xây dựng chính sách dành cho các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư thứ cấp, chính sách tiền tệ, ngân hàng, chính sách phát triển thị trường vốn, cơ chế huy động vốn, chính sách ngoại hối.

Hiện Đà Nẵng đã có quỹ đất sạch khoảng 6,17ha đã được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính quốc tế, phù hợp để thiết kế chức năng văn phòng đảm bảo đặc thù và yêu cầu quản lý. 

Thành phố cũng quy hoạch 62ha có thể hình thành trung tâm tài chính đủ tiêu chí về hạ tầng, môi trường. Mức độ chuyển đổi số của Đà Nẵng tốt, đội ngũ nhân lực có trình độ và khả năng ngoại ngữ.

Trung tâm này hướng đến thúc đẩy phát triển tài chính cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hỗ trợ hoạt động tài chính, đầu tư cho khu vực hành lang kinh tế Đông –Tây và một số quốc gia khu vực, hỗ trợ cho trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Đà Nẵng cũng nhìn nhận được nhiều nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển Trung tâm tài chính quy mô khu vực đặt tại Đà Nẵng. Một số thách thức có thể kể đến như việc lựa chọn mô hình, nội hàm, lộ trình phát triển đảm bảo khả năng cạnh tranh được với các trung tâm tài chính đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu đời trong khu vực và trên thế giới; các chính sách tài chính tiền tệ, các chính sách về thuế, thu hút đầu tư;…