Xây dựng trải nghiệm du khách ở điểm đến Yên Tử

Quỳnh Chi - 10:31, 14/09/2022

TheLEADERĐể có thể mang lại trải nghiệm đặc biệt cho du khách ở một điểm đến đặc thù tâm linh như Yên Tử, ban lãnh đạo Công ty Tùng Lâm Yên Tử xác định, trải nghiệm phải xuất phát từ đội ngũ nhân viên hạnh phúc và mang tinh thần thiền.

Xây dựng trải nghiệm du khách ở điểm đến Yên Tử
Sảnh đón tiếp Khu Tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử - Mgallery

Câu hỏi của vị du khách người Anh

Sau một vòng hướng dẫn vị du khách đến từ Vương quốc Anh tham quan Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, cô hướng dẫn viên tên Liên làm việc tại Công ty CP Phát triển Tùng Lâm - chủ đầu tư điểm đến Yên Tử, bất ngờ nhận được câu hỏi từ anh: “bạn phải trả bao nhiêu tiền để được làm việc ở đây”.

Vị du khách tỏ ra rất thích thú với không gian nơi đây, cho rằng nó mang lại rất nhiều giá trị cho bất kỳ ai dù chỉ một lần bước chân đến.

Nằm giữa núi rừng hùng vỹ của vùng đất được mệnh danh là “đệ nhất linh sơn” của Việt Nam, núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) gắn liền với tên tuổi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và lịch sử của ngọn núi linh thiêng từ hàng ngàn năm trước.

Toạ lạc tại chân non thiêng Yên Tử và kế thừa di sản của ngọn núi, Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm được Công ty Tùng Lâm đưa vào vận hành từ 2018 với các thành tố Legacy Yên Tử - MGallery, Làng Nương, Trục Tâm đạo… vừa là một không gian văn hóa mang âm hưởng thời Trần (thế kỷ 13), kết nối đạo và đời, xưa và nay, vừa tạo ra một quần thể nghỉ dưỡng đặc biệt.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Tùng Lâm cho biết trước đó đã mất rất nhiều công sức để tìm được đối tác trong mảng kiến trúc nhằm tạo một công trình mang dấu ấn của di sản.

Nhiều cuộc gặp với các chuyên gia khắp thế giới đã diễn ra nhưng cuối cùng, chỉ có “phù thuỷ kiến trúc” Bill Bensley mới giải được bài toán mà chủ đầu tư đặt ra. Đó phải là một công trình thể hiện được hồn Việt với các dấu ấn thời Trần, để người Việt đến không bị lạc lõng, họ cảm thấy như trở về nhà.

Điểm đến cung cấp một quần thể nghỉ dưỡng độc đáo để chăm sóc sức khỏe thân – tâm – trí cho con người, nơi tổ chức các sự kiện - hội nghị - hội thảo - team building, các hoạt động giáo dục - đào tạo - thực hành cho thanh thiếu niên, nơi tạo cảm hứng cho sáng tạo và giao lưu nghệ thuật…

Bà Hà cho biết, chính câu hỏi của vị du khách người Anh đã tác động đến người Tùng Lâm rất nhiều: “Đó là niềm tự hào của người Tùng Lâm. Chúng tôi không đi kiếm tiền thông thường mà đi phụng sự, chúng tôi được hưởng các giá trị ở nơi đất tổ và thực hiện trao truyền và lan toả các giá trị”.

Với một điểm đến đặc thù như Yên Tử, trải nghiệm của du khách chủ yếu là trải nghiệm về cảm xúc. Theo bà Hà, kiến trúc tổng thể và cảnh quan đã tạo được một cảm quan ban đầu nhưng trải nghiệm của du khách đa phần nằm ở các trải nghiệm dịch vụ do nhân viên mang đến.

“Chúng tôi phát triển con người hướng đến các giá trị chân thiện mỹ - chân thành trong con người và dịch vụ, con người hướng thiện, vẻ đẹp nội tâm đi từ bên trong, toát lên qua ánh mắt, nụ cười với tinh thần thiền của thiền phái Trúc Lâm”, CEO Tùng Lâm cho biết.

Xây dựng trải nghiệm du khách ở điểm đến Yên Tử
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm

Để làm được điều đó, việc tuyển dụng ngay từ ban đầu đã hướng đến các giá trị này. Trong quá trình làm việc, những người phù hợp sẽ ở lại, không phù hợp sẽ chủ động rời đi. Sự thanh lọc mang tính chất tự nhiên. Những nhân sự ở lại sẽ thấm nhuần văn hoá và được bồi đắp giá trị hàng ngày.

Tinh thần đó được xây dựng thông qua các chương trình đào tạo và đặc biệt là quá trình thực hành trong nếp sống hàng ngày để nhân viên hiểu, cảm nhận và lan toả hạnh phúc một cách tự nhiên.

Lan toả tinh thần thiền

Hai năm đại dịch diễn ra đã gây nên một cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu” với ngành du lịch và Tùng Lâm cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt là khi đưa công trình Khu Trung tâm văn hoá Trúc Lâm vào vận hành không lâu trước thời điểm Covid.

Trong suốt thời điểm Covid, Tùng Lâm tập trung tái cấu trúc bộ máy để vừa giảm thiểu chi phí nhưng cũng giữ được nhiều người lao động nhất có thể (khoảng trên 60%). Khi khách còn hạn chế do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty này quay trở lại bên trong, thực hiện đào tạo đội ngũ.

Họ thực hành tư duy phát triển sản phẩm để hướng đến các sản phẩm có chiều sâu thiên về chăm sóc thân, tâm và trí, giúp du khách có các trải nghiệm sâu sắc để cân bằng cuộc sống khi xung quanh có quá nhiều biến động. Cảnh quan được duy trì và cải tạo để khi du khách trở lại không thấy sự xuống cấp mà vẫn cảm nhận được sự tươi mới, nhiều sức sống và năng lượng.

“Chúng tôi làm mới dịch vụ và chính bản thân con người. Tâm của người lao động đặt vào từng cành cây ngọn cỏ, tâm truyền vào cảnh nên con người có năng lượng sẽ truyền được năng lượng đến không gian xung quanh”, bà Hà nói.

Xây dựng trải nghiệm du khách ở điểm đến Yên Tử 1
Quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm

Điều may mắn của điểm đến Yên Tử là một nơi thực hành tâm linh dành cho mọi đối tượng. Đó có thể là nơi để hành hương tâm linh, có thể là nơi để con người tĩnh tâm ở một nơi bình yên và tìm về với chính bản thân mình, cũng là một nơi để con người tìm kiếm sự cân bằng và tái tạo năng lượng sau quá nhiều xáo trộn. Cũng vì vậy mà ngay sau các đợt giãn cách, du khách đổ về với điểm đến này rất đông.

Yên Tử cũng không gặp vấn đề về tính thời vụ nhờ đa dạng về nhu cầu đối tượng du khách. Chẳng hạn, du khách có nhu cầu hành hương tâm linh vào mùa xuân và cuối năm cũng như một số dịp đặc biệt như lễ vu lan. Mùa hè là lúc đón các gia đình, hội nhóm. Mùa thu lại có dòng khách nghỉ dưỡng, hội họp, team-buidling hay các công ty tìm về họp bàn chiến lược, kế hoạch cho năm sắp tới.

Bà Hà cho biết, hiện nay, điểm đến Yên tử muốn thúc đẩy thu hút du khách đến từ thị trường phía Nam và các thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan... Thị trường Âu đang được xúc tiến nhưng dự kiến mất nhiều thời gian hơn.

Trong năm 2020, một công ty chuyên về tổ chức tiệc cưới của Ấn Độ đã “chấm” Yên Tử làm nơi tổ chức đám cưới cho một vị tỷ phú Ấn Độ diễn ra trong 3 ngày. Tuy nhiên vì dịch bệnh, kế hoạch buộc phải huỷ bỏ. Hiện nay, công ty này tiếp tục nghiên cứu cho một đám cưới khác cũng của một vị tỷ phú khác người Ấn Độ, diễn ra trong năm 2022.

Theo bà Hà, du khách miền Nam và khách nước ngoài đa phần có nhu cầu tĩnh dưỡng, cân bằng cuộc sống và tìm về hạnh phúc và tìm về với chính mình. Nhu cầu này phù hợp với các sản phẩm mới của Tùng Lâm tại điểm đến Yên Tử. Hơn nữa, kiến trúc và cảnh quan đặc biệt ở điểm đến này cũng làm thoả mãn mong muốn của du khách trong việc khám phá tinh hoa văn hoá Việt Nam, đặc biệt là văn hoá đạo phật với thiền phái Trúc Lâm.

Mới đây nhất, lần đầu tiên, Yên Tử xuất hiện độc lập tại gian hàng triển lãm “Yên Tử - Điểm đến mang đậm hồn Việt” với vai trò điểm đến trong sự kiện Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM (ITE HCMC 2022).

“Hiện chúng tôi đang phát triển để hướng tới 5 mục tiêu: trung tâm văn hoá lịch sử tâm linh là giá trị nền tảng; trung tâm chăm sóc sức khoẻ tâm - thân - trí; trung tâm MICE; trung tâm giáo dục, đào tạo và thực hành lối sống an lành; và trung tâm về sáng tạo nghệ thuật”, CEO Tùng Lâm cho biết.