Xử lý tranh chấp hợp đồng mùa Covid-19

Phương Linh - 08:31, 16/09/2020

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia, thực trạng vi phạm hợp đồng của các doanh nghiệp hiện nay đang diễn biến phức tạp chủ yếu là do cách hiểu không thống nhất giữa các bên về tình huống bất khả kháng do dịch Covid-19 gây ra.

Xử lý tranh chấp hợp đồng mùa Covid-19
Tuỳ theo mức độ phức tạp của tranh chấp, doanh nghiệp có thể tự giải quyết được hay buộc phải có sự tham gia của cơ quan có thẩm quyền

Dịch bệnh Covid-19 đang có những tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam và hoạt động của các doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, mất nguồn thu dẫn đến không thực hiện được các giao kết hợp đồng đã ký kết với đối tác.

Theo ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), thống kê từ tháng 1 đến tháng 9/2020, VIAC đã tiếp nhận và thụ lý khoảng trên 130 vụ tranh chấp. Hầu hết những vụ tranh chấp này đều liên quan đến việc các bên viện dẫn do ảnh hưởng của Covid-19.

Trong đó, các tranh chấp chủ yếu liên quan đến vi phạm nghĩa vụ thanh toán, bàn giao tài sản, bồi thường bảo hiểm và không giao kết hợp đồng.

Còn theo TS. Dương Anh Sơn, Trưởng khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. HCM), dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến việc ký kết, giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng và khả năng vi phạm của các doanh nghiệp.

Làn sóng thứ nhất của dịch Covid-19 đã gây hậu quả nặng nề đến kinh tế Việt Nam khiến, phần lớn doanh nghiệp bị tác động tiêu cực. Nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh không được thực hiện, chịu ảnh hưởng nặng nề như du lịch lữ hành, thuê mặt bằng kinh doanh, mua bán hàng hoá.

"Hoạt động của các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi thì làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ập đến. Với việc dịch bệnh tái diễn, số lượng giao dịch hợp đồng giữa các doanh nghiệp cũng chưa nhiều vì họ còn phải giải quyết hậu quả từ đợt dịch thứ nhất. Các doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc ký kết hợp đồng vì chưa biết dịch bệnh bao giờ sẽ kết thúc", ông Sơn nhìn nhận.

Cũng theo ông Sơn, thực trạng các doanh nghiệp vi phạm hợp đồng hiện nay là rất lớn, chủ yếu là đối với các hợp đồng ký trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Nguyên nhân đối với nhiều trường hợp là do dịch bệnh là tính huống bất khả kháng như hợp đồng dịch vụ dụ lịch, thuê phòng khách sạn. 

Bên cạnh đó, đối với nhiều trường hợp khác thì dịch bệnh chỉ là tình huống khó khăn đặc biệt khiến hoàn cảnh thay đổi, gây trở ngại cho ký kết hợp đồng ví dụ như hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, nhiều doanh nghiệp lại mặc định dịch Covid-19 là bất khả kháng và mặc nhiên không thực hiện giao kết hợp đồng. Chính điều này đã dẫn đến tranh chấp giữa các bên.

Trong khi đó, sự kiện được coi là bất khả kháng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải hội tụ 3 điều kiện. Thứ nhất, đó phải là yếu tố khách quan. Sự kiện này có thể là tự nhiên như: Thiên tai (lũ lụt, hạn hán, sóng thần), chiến tranh hay cũng thể là do con người gây ra.

Thứ hai, sự kiện này phải không lường trước được, xảy ra hoàn toàn độc lập không theo ý chí của các bên và các bên hoàn toàn không nghĩ nó có thể xảy ra. 

Thứ ba, hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc cơ quan chức năng đưa ra lệnh cách ly xã hội được coi là yếu tố khách quan và không thể lường trước được bởi đây là quyết định của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp. 

Trong sự kiện Covid-19, yếu tố thứ nhất và thứ hai là tương đối rõ ràng và không cần phải tranh cãi. Tuy nhiên, yếu tố thứ ba sẽ là điều làm nảy sinh tranh chấp pháp lý chủ yếu bởi các bên phải chứng minh được là không thể khắc phục được tình hình mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng của mình.

Chính vì vậy, theo ông Sơn, do cách hiểu không thống nhất giữa các bên mà phần lớn doanh nghiệp hiện khó có thể phân biệt giữa bất khả kháng và sự thay đổi hoàn cảnh một cách cơ bản dẫn đến đưa ra những quyết định không đúng trong việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Vậy nên, khó có thể đánh giá hành vi của họ có phải là vi phạm hợp đồng hay không.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ông Sơn cho rằng, trước khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp cần thoả thuận cụ thể các điều kiện, làm rõ tình huống được coi là thay đổi cơ bản hay bất khả kháng để tránh những mâu thuẫn khi thực hiện. 

Còn đối với các trường hợp đã nảy sinh tranh chấp, các bên nên chủ động thương lượng, điều chỉnh nội dung hợp đồng. Ví dụ như, bên cho thuê mặt bằng nên chủ động không lấy tiền thuê mặt bằng trong thời gian giãn cách xã hội, giảm tiền thuê một thời gian hợp lý, tour du lịch chủ động đề xuất trả lại tiền.

Trong trường hợp, các bên luôn đặt lợi ích của mình nên hàng đầu thì sẽ khó nhượng bộ, dẫn đến căng thẳng, xung đột tăng cao, khi đó tốt nhất là nên nhờ đến toà án để giải quyết tranh chấp đó.

Đồng quan điểm, TS. Đỗ Văn Đại, trọng tài viên VIAC cũng cho rằng, khi xảy ra tranh chấp do vi phạm hợp đồng, các doanh nghiệp nên cân nhắc xử lý dựa trên sự thiện chí. 

Hai bên doanh nghiệp ký kết hợp đồng nên xem xét xem có thể thương lượng chia sẻ một phần rủi ro với nhau hay không. Thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng có ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp hay không? Nếu không giải quyết được tranh chấp, doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động ổn định thời gian bao lâu?

Tùy theo mức độ phức tạp của tranh chấp, doanh nghiệp có thể tự giải quyết được hay buộc phải có sự tham gia của cơ quan có thẩm quyền như toà án, ông Đại cho hay.