Xuất khẩu nông nghiệp - tiềm năng lớn của Việt Nam

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - 08:15, 07/02/2020

TheLEADERĐất nước và con người Việt Nam kế thừa một tinh hoa nông nghiệp từ suốt mấy nghìn năm trước. Kết hợp với công nghệ hiện đại và quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có thể định vị một mũi nhọn đột phá kinh tế, tạo ra các sản phẩm và tập đoàn có quy mô tỷ đô bằng chiến lược trọng tâm là xuất khẩu nông nghiệp.

Xuất khẩu nông nghiệp - tiềm năng lớn của Việt Nam
Tập đoàn TH là một trong những ví dụ điển hình về xuất khẩu nông nghiệp

Xây dựng cường quốc nhờ xuất khẩu nông nghiệp

Ý nghĩa của kinh tế nông nghiệp, định hướng toàn diện theo giá trị mềm và kinh tế du lịch, có hàm súc ý nghĩa xã hội sâu sắc và là nền tảng của chỉ số hạnh phúc cao hơn so với kinh tế công nghiệp ‘thuần’ GDP. 

Về bản chất, kinh tế hướng nông sẽ có sự phân chia ‘giá trị xã hội’ hài hoà hơn so với kinh tế (thuần) công nghiệp, cả về giá trị kinh tế cho cộng đồng dân cư, giá trị về môi trường và văn hoá cộng đồng.

Sau nhiều năm tháng, khi con người đã mệt mỏi trong vòng xoáy của năng suất công nghiệp và những xa xỉ vật chất với những núi rác thải công nghiệp, nếu Việt Nam lo được cái ăn, cái mặc cho thế giới, bằng nông nghiệp, thì cũng đủ để trở thành một cường quốc. Mà cường quốc nông nghiệp mang lại ‘giá trị sống’ cao hơn nhiều so với cường quốc công nghiệp. 

Có thể thấy, với một cường quốc công nghiệp, thặng dư kinh tế chỉ tập trung vào vài phần trăm dân số. Trong khi đó, thặng dự kinh tế của một cường quốc nông nghiệp sẽ được chia đều, xuống tới huyện, xã, đó là điều mà chỉ số GDP không nói lên được. Phải có sự hài hoà giữa các chỉ số, giữa tăng trưởng công nghiệp và chỉ số về hạnh phúc, dựa vào nông nghiệp bền vững.

Nếu Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp thì người dân sẽ sống trong một môi trường có những giá trị cân bằng, từng hộ gia đình từ vùng cao đến miền biển và đồng bằng đều được hưởng lợi, đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của cả dân tộc. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải cân nhắc thực hiện xuất khẩu nông nghiệp khi những điều kiện trong nước không thể đáp ứng được tham vọng về một cường quốc nông nghiệp.

Xuất khẩu nông nghiệp khác với xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nhưng đích đến cuối cùng vẫn là tạo sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm chế biến từ chuỗi giá trị nông nghiệp. Tuy nhiên, phân đoạn sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam do bị hạn chế bởi diện tích nhỏ hẹp của đất nước nên việc xuất khẩu nông nghiệp sẽ cần phải tận dụng lợi thế về đất đai, thiên nhiên của những quốc gia, vùng đất chưa được khai thác một cách triệt để và đầy đủ đối với tiềm năng sẵn có.

Như vậy, một là quốc tế hoá chuỗi giá trị để chế biến sâu, hai là sẵn sàng xuất khẩu nông nghiệp nếu thiếu nguyên liệu, diện tích đất canh tác.

Trong tham luận được chuyên gia đưa ra tại Festival Lúa Gạo Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Hậu Giang năm 2009, lần đầu tiên khái niệm xuất khẩu nông nghiệp được giới thiệu vì chúng tôi nhận thấy trước được rằng, hạn chế về đất đai là một trong những điểm nghẽn trong ngành sản xuất nông nghiệp và các chuỗi giá trị liên quan của Việt Nam.

Trên thực tế, việc xuất khẩu nông nghiệp từ lâu cũng đã được nhiều người lên ý tưởng và thực hiện. Cũng vào thời gian Festival Lúa Gạo Việt Nam diễn ra, một trong những người có uy tín nhất trong ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện tại là giáo sư Võ Tòng Xuân đã được một số nước châu Phi mời sang để chuyển giao quy trình canh tác lúa nước. Đó là một trong những điển hình cho ‘xuất khẩu nông nghiệp’ sớm của nước ta.

Song song đó, những chiến lược ban đầu đến nay đã và đang được thực hiện rõ rệt bởi các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam, đơn cử như Vinamilk đã hợp tác với New Zealand hay TH Milk hợp tác với Nga trong việc tạo nguồn nguyên liệu nông nghiệp bò sữa, đó là các hình thức manh nha của xuất khẩu nông nghiệp.

Hoàng Anh Gia Lai cách đây hàng chục năm cũng đã có chiến lược khai thác đất nông nghiệp ở các tỉnh biên giới Lào, Campuchia và gần đây, khi hợp tác với Thaco thành lập Thadi thì đã hoàn thiện chuỗi sản xuất nông nghiệp trên bình diện quốc tế chứ không chỉ khoanh vùng trong diện tích đất hạn hẹp của Việt Nam. 

Điển hình chiến lược của Thadi là chuỗi giá trị quốc tế của cây chuối. Nhu cầu đầu ra lên đến hàng triệu tấn chuối mỗi năm đòi hỏi một quy mô diện tích đất canh tác hàng trăm nghìn hecta. 

Trong khi đó, không thể tìm thấy vùng đất rộng lớn và liền lạc ở trong nước để áp dụng các quy mô canh tác quy mô công nghiệp trong nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lớn đó. Chỉ có hợp tác quốc tế mới có thể thực hiện khả thi.

Trong khoảng 30-40 năm qua, ngoài cây lúa, đồng bằng Sông Cửu Long đã giúp Việt Nam trở thành một “cường quốc” về cá ba sa và tôm, đến nỗi bây giờ không còn dư địa và đã bắt đầu ảnh hưởng đến môi trường. Như vậy, việc trở thành cường quốc về nông nghiệp đòi hỏi một diện tích canh tác lớn và nếu Nhà nước chủ động mở rộng những hiệp ước quốc tế và đồng hành với các tập đoàn nông nghiệp thì có thể xuất khẩu nông nghiệp sang các quốc gia tiềm năng và thị trường toàn cầu.

Nông dân Việt có thể trở thành chuyên gia quốc tế

Trên thế giới, còn rất nhiều nhiều quốc gia có dư cơ sở đất đai nông nghiệp nhưng chưa biết cách khai thác hoặc thiếu một yếu tố nào đó như đầu ra hoặc bí quyết canh tác, bí quyết nông nghiệp hay quản lý. Mà nói đến bí quyết nông nghiệp như trồng lúa, các cây hoa màu, các cây công nghiệp thực phẩm như cà phê, chè, sầu riêng, hay nuôi tằm dệt lụa và nông nghiệp thuỷ sản thì hàng triệu người nông dân Việt đã được kế thừa suốt hàng nghìn năm.

Xuất khẩu nông nghiệp - tiềm năng lớn của Việt Nam
Nông dân Việt sở hữu nhiều bí quyết nông nghiệp suốt hàng nghìn năm nay

Xuất khẩu nông nghiệp cũng mang lại nguồn lợi lớn về tiềm năng lao động, xuất khẩu lao động trong xuất khẩu nông nghiệp. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng trăm nghìn lao động, trong đó gần một nửa là lao động chân tay. 

Trong khi đó, với bí quyết nắm sẵn trong tay, người nông dân Việt không cần ngoại ngữ cũng có thể trở thành chuyên gia nông nghiệp khi ra nước ngoài thay vì phải làm thuê bán sức lao động.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, không chỉ làm sản phẩm chế biến mà còn biết cách chế biến thành ẩm thực, tạo thành một chuỗi giá trị đa ngành, mỗi lĩnh vực đều có cơ hội đạt đến doanh thu tỷ đô. 

Những ngành từng gặp khó đã khẳng định thành công như con tôm, hạt cà phê, cá ba sa, lúa gạo, hay từ nông nghiệp dược liệu như nước súc miệng, dầu gội đầu thảo dược hay tinh dầu… đều có cơ hội chế biến sâu hơn nữa, giá trị cao hơn và hoàn chỉnh sản phẩm có thương hiệu quốc tế.

Chỉ cần cởi mở vấn đề hợp tác với các nước, nhất là các nước châu Phi và Bắc Á (Sibêri Nga, Mông Cổ, Kazaghstan…) để vừa giải quyết vấn đề lương thực cho châu Phi, vừa tạo cơ hội cho nông dân Việt. 

Tiến sỹ Trần Ngọc Dũng là chủ thương hiệu Nước mắm Tĩn kể lại, có những đoàn khách khi qua Việt Nam tìm đến nước mắm Tĩn đã nói rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu quy trình và thương hiệu nước mắm qua châu Phi vì người dân châu Phi chỉ cần hai thứ để cứu đói là gạo và nước mắm.

Trong đó, một đoàn của Bộ Nông nghiệp Senegal nói rằng “tôi cần các anh Việt Nam qua nước chúng tôi để xây dựng những xưởng làm nước mắm cung cấp cho người dân, chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện, kể cả nguồn nguyên liệu cá biển dồi dào nhưng chúng tôi chưa biết cách chế biến để làm ra một thức dùng ngon như thế”.

Ở Việt Nam, một nhóm chuyên gia đã kết nối với nhau, vừa có chung đam mê đi du lịch khám phá, vừa có ý thức sẵn sàng đi qua một quốc gia mới để hiện thực hoá việc xuất khẩu nông nghiệp. Các chuyên gia này không đặt điều kiện cao vì họ chỉ cần vé máy bay và những hỗ trợ tối thiểu để họ đi khám phá thế giới, chứ không phải làm để lấy nhiều tiền.

Sau cộng đồng chuyên gia còn là cộng đồng những người xuất khẩu lao động và sinh viên tốt nghiệp ở các nước, đặc biệt là du học sinh. Sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài cần các dự án để họ có thể đóng góp cho đất nước mà không nhất thiết phải về nước, họ sẽ chính là những người đại sứ thương mại nếu có cơ hội.

Tìm đất cho nông nghiệp Việt “vùng vẫy”

Nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng rất lớn và hiện hữu ở nhiều chuỗi giá trị. Ví dụ, một trong những sản phẩm đặc hữu của Việt Nam là nước mắm. 

Năm 2019 chứng kiến một cuộc chiến giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống. Nhiều năm về trước, nước mắm công nghiệp có vẻ lấn lướt nhưng trong hai năm gần đây, nước mắm truyền thống đã vươn dậy khẳng định được giá trị và đạt được sự ủng hộ của người tiêu dùng khi nhu cầu ngày càng tăng cao.

Không chỉ nói nước mắm ở thị trường Việt Nam mà cũng cần nói đến tương lai chiến lược, chuỗi giá trị của nước mắm Việt ở thị trường thế giới vì ẩm thực Việt Nam đến nay đã đạt được vị thế ngày càng cao, được hầu hết chuyên gia ẩm thực là các đầu bếp nổi tiếng thế giới như Anthony Bourdain, Bobby Chinn công nhận và tôn vinh.

Trong khi đó ở Mỹ lại chưa có nước mắm của Việt Nam. Khảo sát của chúng tôi ở vùng hạ Manhattan (Mỹ) cho thấy, tất cả nhà phân phối người Hoa và Việt đều chỉ có nước mắm ghi nhãn nước mắm Phú Quốc nhưng xuất xứ Hong Kong và Thái Lan. Đó là một điều đáng tiếc khi Uỷ ban châu Âu đã công nhận nước mắm Phú Quốc là một sản phẩm đặc hữu của Việt Nam. 

Chúng ta chỉ cần làm các động tác về mặt pháp lý và thúc đẩy xuất khẩu nước mắm truyền thống Phú Quốc và Phan Thiết qua Mỹ thì chắc chắn sẽ được ủng hộ.

Trong câu chuyện của nước mắm, Việt Nam cũng cần nhìn nhận về sự cần thiết của việc quốc tế hoá nguyên liệu làm nước mắm là con cá cơm, vấn đề này đã được chuyên gia và những người làm nước mắm ở Phan Thiết bàn đến. Trong khi giá thành của con cá cơm rất cao ở Việt Nam thì cá cơm ở ngư trường Philippine, Malaysia, Indonesia và cả Thái Lan đều rẻ và còn rất nhiều. 

Nói đến việc quốc tế hoá chuỗi giá trị nước mắm cũng chính là nói lên tinh thần xuất khẩu nông nghiệp, một phân đoạn nào đó làm ở một nơi có nguyên liệu rẻ.

Một ví dụ khác, những con tôm hùm ở vùng Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng mang giá trị đẳng cấp hàng đầu, ngon hơn cả tôm hùm Bắc Mỹ vốn dĩ đắt đỏ. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị tôm hùm cần nghiên cứu sâu thêm một bước nữa là khâu tôm đẻ trứng thay vì chỉ săn tôm hùm con như hiện nay trong khi các loại tôm nhỏ khác đã được hoàn thiện dây chuyền từ đẻ trứng và nuôi. 

Những doanh nghiệp lớn, vua tôm giống như anh Nguyễn Hoàng Anh của Công ty Nam Miền Trung đang hướng tới doanh nghiệp tỷ đô có thể khoanh vùng canh tác nông nghiệp ở các vùng nước sạch, cư dân thưa thớt, đất để trống ở các quốc gia khác. Đó là những cơ hội mang tính thách thức mà chúng tôi gửi gắm đến các nhà doanh nghiệp đang ở độ chín về năng lực và tư duy.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp uy tín đã có ý tưởng và ngấm ngầm thực hiện xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và tiến xa hơn là xuất khẩu nông nghiệp. 

Bầu Hiển là người làm chuỗi nông nghiệp quốc tế có rất nhiều chiến lược đã công bố và chưa công bố. 

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẵn sàng vào hợp tác như Tập đoàn Wilmar (Singapore) là công ty mẹ của Công ty Dầu thực vật Cái Lân là nhà chế biến đầu ăn, đi từ cây dầu cọ của Malaysia nhưng lại là cái tên đầu tiên chế biến dầu cám gạo trong khi cám tinh được bán ra với giá rất rẻ ở Việt Nam.

Ngoài ra, có những chuỗi giá trị đang bị bỏ phí. Tiêu biểu phải nhắc đến phụ phế phẩm của con cá ba sa. Sản lượng cá basa là 700-800 nghìn tấn mỗi năm, một phần ba trong số đó là phụ phế phẩm lại chủ yếu do nước ngoài thu mua với giá trẻ trong khi nếu biết tận dụng thì có thể làm ra các sản phẩm có giá trị cao, từ dầu ăn đến thuốc bổ dưỡng. Phải tìm hiểu xem nước ngoài thu mua về để làm gì để từ đó bắt chước chế biến và xuất khẩu sang cho họ, thu về được giá trị cao hơn.

Một sản phẩm tiêu biểu là sữa và các sản phẩm từ sữa. Nhận thức về sữa của người tiêu dùng Việt đang còn kém, nói đến sữa là họ nghĩ đến Vinamilk, và mặc nhiên là sữa bò. Trong khi đó, ở Mông Cổ, sữa bò chỉ là thứ phẩm dùng để làm phô mai và bánh sữa. Theo thứ tự về chất lượng thì ngon nhất là sữa ngựa, đến sữa dê, sữa bò Tây Tạng (bò Yak) rồi mới đến sữa bò. 

Hay ở thị trường Mỹ và Canada thì sữa và phô mai phải từ sữa dê mới ngon, mới là đặc sản. Không ở đâu xa, sữa dê và yogurt từ sữa dê ở Ba Vì hay Ninh Bình luôn được du khách và người qua đường tìm mua. 

Nói như vậy để khẳng định rằng, nếu ai đó làm sữa chua từ sữa dê thì có chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ trong hợp tác về chiến lược thị trường. Thế nhưng cũng cần nhìn nhận, đất nông nghiệp của Việt Nam quá ít và rời rạc để có thể có các trang trại dê hay bò sữa chất lượng.

Xuất khẩu nông nghiệp - tiềm năng lớn của Việt Nam 2
Trang trại bò sữa của Tập đoàn TH ở Nga

Đầu năm 2018, Tập đoàn TH đầu tư 2,7 tỷ USD vào dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao ở Liên bang Nga. 

Hoặc các doanh nghiệp có thể nghĩ đến ý tưởng hợp tác với Mông Cổ bởi quốc gia này có diện tích gấp 6 lần Việt Nam trong khi dân số chỉ khoảng 3,25 triệu người, chỉ bằng một tỉnh của Việt Nam. Rộng hơn là Kazakhstan với diện tích gấp tám lần Việt Nam trong khi dân số chỉ khoảng 16,6 triệu người.

Việt kiều ở một số quốc gia có cơ duyên có thể trở nên giàu có từ nông nghiệp. Nhiều sản vật của Việt Nam trồng được ở vùng nhiệt đới Florida (Mỹ) như xoài với diện tích trồng mỗi trang trại lên đến 500ha đất là chuyện bình thường, điều này cũng tương tự ở Úc. 

Làm gì thì có thể khó nhưng việc làm nông nghiệp đã nằm sẵn trong ghen của mỗi người việt, chỉ cần nắm bắt thêm công nghệ mới như tưới tiêu, chăm sóc organic theo chuẩn thế giới,...

Điều này cũng giống như người Nhật qua Việt Nam mua lại các mảnh đất làm nông nghiệp sạch, có nghĩa là họ xuất khẩu bí quyết nông nghiệp qua Việt Nam. Hay như người Hà Lan xuất khẩu bí quyết trồng hoa sang Việt Nam với sự hiện diện của Công ty Hasfarm ở Đà Lạt.

Tương tự như vậy, việc Việt Nam mang nông nghiệp ra nước ngoài cũng không có gì xa lạ. Những quốc gia có mối quan hệ tốt với Việt Nam đầy tiềm năng điển hình như miền viễn đông của Nga (Mông Cổ, Kazaghstan…) với hàng chục triệu hecta đất, dĩ nhiên là phải đáp ứng được yêu cầu về vấn đề khí hậu. 

Một số tập đoàn như T&T, TH Milk, Vinamilk, Masan và Thaco đã có các ý đồ xuất khẩu nông nghiệp là lĩnh vực mà người Việt đã làm chủ được, tuy nhiên cần lan toả và tạo hiệu ứng, nhất là đối với chính sách, chiến lược kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam đang phải cạnh tranh ở thế yếu trong nhiều lĩnh vực như công nghệ cao và công nghiệp ô tô.