Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu 3 tồn tại trong 10 năm hội nhập WTO

Đặng Hoa - 05:36, 21/12/2017

TheLEADERBộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng những tồn tại của hội nhập kinh tế quốc tế chính là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng, Chính phủ kiên định hơn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu 3 tồn tại trong 10 năm hội nhập WTO
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Đánh giá về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2007-2017, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hội nhập kinh tế có ảnh hưởng không nhỏ đối với thể chế kinh tế nói chung và phương thức điều hành kinh tế - xã hội nói riêng. 

Hiện nay, Việt Nam đã có 3 đối tác chiến lược toàn diện, 15 đối tác chiến lược và 12 đối tác toàn diện - hầu hết đều được thiết lập trong giai đoạn 2007-2017. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và thực hiện 16 FTA song phương, đa phương và nhiều bên với 58 đối tác. 

Tiếng nói và vị thế của Việt Nam được coi trọng, ghi nhận ở không ít tổ chức, diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, UNESCO, APEC.

Trong những năm đầu sau khi gia nhập WTO, những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế - như mất cân đối đầu tư - tiết kiệm, thâm hụt thương mại, khả năng cạnh tranh chậm cải thiện,... bộc lộ rõ nét hơn dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế. 

Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng, Chính phủ kiên định hơn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Do đó, dù mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 6,04%/năm trong giai đoạn 2007-2017 (thấp hơn so với 7,51%/năm trong 2000-2006), song chất lượng và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế ngày một vững chắc hơn. Dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,7% - một trong bước phục hồi ấn tượng nhất trong nhiều năm qua. 

Trong những năm kinh tế thế giới hứng chịu khủng hoảng tài chính và suy thoái, nền kinh tế đã cho thấy sức chống chịu và đạt mức tăng trưởng thuộc diện cao so với mặt bằng thế giới. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy vai trò của khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. 

Việt Nam đã gia nhập nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình ngay từ năm 2008, và có mức GDP bình quân đầu người khoảng 2.215 USD vào năm 2016 – cao hơn 2,8 lần so với năm 2006.

Bộ trưởng Công thương nêu 3 tồn tại của hội nhập kinh tế
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế 10 năm qua của Việt Nam đã đạt được nhiều chỉ số quan trọng.

Tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao tính chủ động và toàn diện của quá trình hội nhập của Việt Nam, lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm nền tảng then chốt, tạo ra những tiền đề và động lực mới thông qua quá trình cải cách để mang lại những đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo hướng bền vững.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh,tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế 10 năm qua đã đạt được nhiều chỉ số quan trọng cả về thể chế kinh tế, thương mại dịch vụ, đầu tư...

Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động và tăng trưởng của các ngành kinh tế mũi nhọn, tiếp tục tạo nên vai trò then chốt của nền kinh tế trong nước đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân. Các yếu tố này đều chịu tác động rất lớn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, môi trường kinh doanh ngày một cạnh tranh hơn và được quốc tế công nhận. Việt Nam tăng 9 bậc trong năm 2016 và tăng 14 bậc trong năm 2017 (lên thứ 68/190) theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. 

Xuất khẩu hàng hóa luôn giữ xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân ước đạt 16,6%/năm. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp (đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) đã tận dụng cơ hội từ các FTA và sự phục hồi kinh tế thế giới để đạt tăng trưởng xuất khẩu tới 21,5%. 

Kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2017 đã bằng 4 lần so với năm 2007. Trong khi đó, tốc độ nhập khẩu trung bình đạt 15,1%/năm trong giai đoạn 2007-2017, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 (21,1%/năm).

Do vậy, cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nhập siêu so với GDP giảm liên tục từ mức 20% trong các năm 2007-2008 xuống còn 8,2% năm 2011, sau đó chuyển sang thặng dư trong khoảng từ 0,1-1,2% GDP trong các năm 2012 - 2017. Kết quả này có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 (thâm hụt thương mại trung bình khoảng 8% GDP).

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng mạnh kể từ năm 2007, bổ sung một lượng vốn khá lớn cho nền kinh tế. Giai đoạn từ đầu năm 2007 đến tháng 11/2017 có hơn 18 nghìn dự án FDI được cấp phép mới, tương đương 2,2 lần số dự án trong cả giai đoạn 1988 - 2006. 

Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm từ năm 2007 đến nay đạt 296,4 tỷ USD, bằng 3,8 lần so với giai đoạn trước WTO. Những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu cũng đều là những đối tác thương mại chủ chốt trong các FTA khu vực, trong đó có Hàn Quốc (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư), Nhật Bản (15,5%), và Singapore (13,2%).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 34,75% năm 2007 lên 49% cuối năm 2014. Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thực hiện chính sách xã hội ở nhiều mục tiêu, đặc biệt về giảm nghèo, giảm trên 3/4 tỷ lệ nghèo, thu nhập bình quân nhân khẩu của hộ nghèo tăng, các đối tượng xã hội được bảo trợ ngày càng tốt hơn. 

Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra những tồn tại của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2007-2017.

Thứ nhất, các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong một chiến lược tổng thể. Một số chương trình, hoạt động chậm được cụ thể hóa, hoặc cụ thể hóa mà không tính đến chiều cạnh tương ứng của hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, trong khi đẩy mạnh quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế thì việc điều chỉnh chính sách trong không ít trường hợp còn chậm hoặc mang tính đối phó, chưa đồng bộ.

Thứ ba, khả năng nhận định, đánh giá và dự báo về xu thế và diễn tiến hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao, kết quả còn rất hạn chế.

Các hạn chế trên theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xuất phát từ một số nguyên nhân chính gồm: Nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các thỏa ước hội nhập nói riêng còn chưa cụ thể, nhất quán, đặc biệt là ở địa phương; 

Một số chủ trương, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế chưa được lồng ghép chặt chẽ vào kế hoạch hành động của Bộ, ngành, địa phương, dẫn tới thiếu quan tâm và/hoặc điều phối thiếu hiệu quả;

Sự phối hợp trong quá trình triển khai công tác hội nhập giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ. Nguồn lực (tài chính, nhân lực) cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cần nhìn nhận và đánh giá lại vai trò và phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ và vai trò điều hành của mình. Trong đó, Bộ Công thương với tư cách là phó trưởng ban và là thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ công thương sẽ xây dựng một chương trình hành động cho năm 2018 và các kế hoạch dài hạn để tổ chức thực hiện. Trước hết là trong khuôn khổ của ban chỉ đạo liên ngành với sự phối hợp giữa Bộ công thương và các Bộ ngành.

Đồng thời, chương trình hành động phải mang tính toàn diện để không chỉ đảm bảo điều kiện cần là vai trò của nhà nước mà còn có điều kiện đủ là sự hưởng ứng và tương tác giữa chính phủ với xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, để cộng đồng doanh nghiệp là chủ thể thực sự của tiến trình hội nhập.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quyết tâm của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế trong việc phối hợp với Ban chỉ đạo của chính phủ về hợp tác trong các lĩnh vực khác để tổ chức đưa các nội dung của chương trình hội nhập kinh tế quốc tế vào các chương trình hoạt động điều hành cụ thể của Chính phủ trong năm 2018 và nghị quyết 01 mà chính phủ đang dự thảo xây dựng cho năm tới.

Bộ trưởng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng như cần phải phối hợp đồng bộ hơn nữa, nâng cao hiệu quả trong công tác điều phối chung của chính phủ.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương cũng như Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức các chương trình, hoạt động theo hướng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế với mục tiêu hướng tới cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới người dân để đảm bảo hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và chiến lược phát triển bền vững, dài hạn của quốc gia.