Bóng dáng người Nhật trong cuộc chiến xăng dầu ở Việt Nam

Quỳnh Như - 09:04, 28/05/2018

TheLEADERThị trường xăng dầu Việt Nam đang là cuộc chơi riêng của 2 “đại gia” Petrolimex và PVOil. Tuy nhiên, chuyện thắng thua của bộ đôi này không chỉ phụ thuộc vào họ mà còn vào 2 đồng minh đến từ Nhật.

Bóng dáng người Nhật trong cuộc chiến xăng dầu ở Việt Nam
Một trạm xăng dầu của PVOil.

Tính đến cuối năm 2017, Petrolimex chiếm hơn 48% thị phần xăng dầu Việt Nam với 2.400 cửa hàng trực thuộc (hiện đã tăng lên 2.500 cửa hàng) và 3.000 đại lý, PVOil chiếm 22% thị phần, có 540 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và 3.000 đại lý. Công ty Thanh Lễ (Thalexim) đứng thứ 3 chiếm 8% thị phần.

PV Oil luôn có tham vọng sẽ gia tăng thị phần xăng dầu từ 22% ở thời điểm hiện tại lên 35% trong vòng 5 năm tới, thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A). Trong khi Petrolimex chủ trương giữ vững thị phần ở mức trên dưới 50% và đẩy mạnh mở rộng các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. 

PVOil muốn giành thị phần từ tay Petrolimex còn Petrolimex tất nhiên không muốn điều đó xảy ra. Cuộc chiến “vương quyền này” đã kéo dài từ rất lâu và ngày càng khốc liệt hơn với sự xuất hiện của 2 doanh nghiệp đến từ Nhật là Nippon Oil cùng Idemitsu Kosan.

Cuộc chiến đầu tiên

Tháng 10/2017, cây xăng dầu Nhật Bản đầu tiên mang thương hiệu IQ8 được khai trương tại Hà Nội Với cung cách phục vụ chuẩn Nhật – thực hiện đúng phương châm “khách hàng là thượng đế”, cả chủ lẫn nhân viên đều cúi gập người chào khách, luôn miệng nói cảm ơn, IQ8 đã tạo hiệu ứng truyền thông rất tốt.

Ở thời điểm đó, Petrolimex được dư luận đem ra so sánh với IQ8 và bị chê về cung cách phục vụ. Ngay sau đó, chiến dịch “người Việt dùng hàng Việt” được Petrolimex phát động không những không mang lại hiệu quả như mong đợi mà còn dấy lên làn sóng phản đối khá dữ dội của truyền thông và dư luận.

IQ8 là sản phẩm của sự hợp tác giữa công ty Nhật Idemitsu Kosan và công ty Kuwait International Petrolium (Q8). IQ8 cũng là một trong những đại lý của PVOil. Điều đáng chú ý là lãnh đạo của PVOil đã xuất hiện trong ngày khai trương cây xăng IQ8 đầu tiên. Ngoài ra, bộ đôi Q8 - Idemitsu Kosanm, mỗi người đang sở hữu 35,1% cổ phần công ty hoá lọc dầu Nghi Sơn, trị giá 6 tỷ USD.

Còn lý do vì sao Idemitsu Kosan chọn mua xăng dầu từ PVOil thay vì Petrolimex cũng thật dễ hiểu. Idemitsu hiện là doanh nghiệp chuyên về xăng dầu lớn thứ hai Nhật Bản, sau Nippon Oil.

Năm 2016, Nippon Oil đã bỏ ra 4.000 tỷ đồng để mua 8% cổ phần của Petrolimex. Mục tiêu trong tương lai của họ là sẽ sở hữu 20% cổ phần tại Petrolimex. Năm 2014, Petrolimex cũng đã ký hợp đồng chiến lược với Nippon Oil, mở đường cho doanh nghiệp FDI này tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu cũng như phát triển nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong.

Cuộc chiến thứ hai

Sở dĩ, Petrolimex có ưu thế vượt trội ở thị trường nội địa, ngoài việc các cửa hàng của Petrolimex ở các vị trí chiến lược là các khu dân cư đông đúc, diện tích mỗi cửa hàng lớn và đặc biệt là uy tín, giá trị thương hiệu cao; còn nhờ sự hỗ trợ của Nippon Oil trong việc lập kế hoạch chiến lược, tư vấn kỹ thuật hậu cần để tiết kiệm tối đa chi phí.

Trong năm đầu tiên hợp tác với Nippon Oil, Petrolimex đã thắng lớn khi doanh thu đạt 123.098 tỷ đồng, 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 68% cùng kỳ năm trước. Mảng kinh doanh xăng dầu chiếm khoảng 68% tổng doanh thu. 4 tháng đầu năm 2018, trong khi PVOil quay cuồng với việc IPO và chưa có thêm cửa hàng nào, thì Petrolimex đã kịp khai trương thêm 100 cửa hàng.

Tất nhiên, PVOil cũng nhận ra được sự trợ giúp có tính chất quyết định của đối tác Nippon Oil với thành tựu của Petrolimex trong vài năm gần đây.

Bóng dáng người Nhật trong cuộc chiến xăng dầu ở Việt Nam

Idemitsu không chỉ muốn trở thành đại lý của PVOil mà còn là cổ đông chiến lược.

Nên, khi thấy Idemitsu Kosan hiện là một trong 4 cái tên muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOil, ngoài SK đến từ Hàn Quốc và 2 tổ chức nội địa là Sacom và Sovico, PVOil đã rất vui mừng.

Ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOil tin rằng, sau khi trở thành công ty cổ phần trong thời gian tới cùng sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược như Idemitsu, PVOil sẽ có những bước phát triển nhảy vọt. Như sẽ không bỏ lỡ những cơ hội giống dưới đây.

Trong sự kiện Gặp gỡ các nhà đầu tư và cổ đông cách đây vài ngày, khi có đại biểu chất vấn: “Tại sao sản lượng ngành và của Petrolimex năm 2017 hay quý I/2018 đều tăng 8% mà PVOil chỉ tăng 4%?”, ông Cao Hoài Dương nói rằng: “Tôi không tin các con số đó”.

Theo ông Dương, con số tăng trưởng 8% là rất cao, bởi lẽ tăng trưởng sản lượng hiện tại của thị trường chung chỉ trung bình vào khoảng 3,5% đến 4%, giống như của PVOil. Bởi, nếu anh này tăng, tức là giành thị phần của anh khác, mà ông không thấy ai tiết lộ là mình bị tụt thị phần cả.

Trong năm 2017, PVOil đã làm tất cả những gì có thể để tăng sản lượng, nhưng vẫn không thể hơn con số 4%.

Mọi chuyện không được suôn sẻ cho lắm với PVOil trong công tác nâng cao sản lượng. Họ chỉ mở được thêm 40 cửa hàng. “Do PVOil hiện vẫn là công ty nhà nước, nên chúng tôi gặp rất nhiều vướng mắc về thủ tục, cơ chế trong việc M&A, khiến quá trình tăng trưởng không như mong đợi”, ông Dương giải thích.

Ông Dương ví dụ, trong năm 2017, PVOil đã không thể mua lại 17 cây xăng của Công ty Thương mại Cà Mau bởi họ không thể thuyết phục được cấp trên của mình là các cơ quan nhà nước rằng: dù hiện tại 17 cây xăng đó chưa mang lại lợi nhuận, nhưng trong tương lai sẽ khác. Hơn nữa, vì quá trình làm các thủ tục báo cáo thuyết phục quá lâu, lỡ thời cơ tốt, khiến PVOil đành ngậm ngùi nhìn nó rơi vào tay đối thủ khác.

Có thể thấy, Idemitsu đang muốn thông qua PVOil để so găng trực tiếp với Nippon Oil tại thị trường xăng dầu Việt Nam. Sau tháng 7 tới, khi bán nốt gần 45% cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược, cuộc chiến giữa Petrolimex – Nippon Oil cùng PVOil – Idemitsu Kosan còn hấp dẫn hơn nữa.