BOT Cai Lậy: Cần chuyển trạm thu phí vào đường tránh

Thu Phương - 10:53, 08/12/2017

TheLEADERTrong ba phương án giải quyết thực trạng tại BOT Cai Lậy của Bộ Giao thông vận tải, Luật sư Trương Thanh Đức đồng tình với phương án 2 - di dời trạm thu phí về tuyến đường tránh và cho kéo dài thời gian thu phí của nhà đầu tư.

BOT Cai Lậy: Cần chuyển trạm thu phí vào đường tránh
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO

Vụ việc tại BOT Cai Lậy đã gây lên nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng bản chất mối quan hệ giữa BOT Cai Lậy với bên còn lại (những đối tượng bị thu phí) là mối quan hệ dân sự giữa một bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ phải trả phí. Nhưng mối quan hệ này phải là sự trao đổi ngang giá và đồng thuận, chứ không phải là mối quan hệ người sử dụng dịch vụ bị áp đặt. Với quyết định của Bộ Giao thông vận tải cho nhà đầu tư BOT đặt trạm thu phí đã khiến BOT Cai Lậy có ưu thế áp đặt việc bên còn lại phải trả phí. Quan trọng hơn, vị trí đặt trạm thu phí và mức phí thu so với thực chất dịch vụ người dùng được cung cấp là bất hợp lý.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Ủy viên Ban chấp hành Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, để góp thêm ý kiến, giải pháp cho vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông có nhận định như thế nào về tính pháp lý của trạm thu phí BOT Cai Lậy?

Luật sư Trương Thanh Đức: BOT Cai Lậy cũng giống như rất nhiều câu chuyện đầu tư khác của Việt Nam, đúng quy trình, đúng quy định pháp luật nhưng chỉ là trên hình thức, còn về bản chất thì có sai sót.

Trên thực tế, đây chỉ là hình thức áp dụng thẩm quyền theo đúng quy định, thủ tục bộ đồng ý, bộ lấy ý kiến uỷ ban, uỷ ban đồng ý, uỷ ban lấy ý kiến Hội đồng nhân dân... Tất cả đều đồng ý thì tiến hành thực hiện. Do đó, đối với vụ việc này, người dân khó khởi kiện được chủ đầu tư và Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn như vậy thì những yếu kém trong quản lý, những lãng phí thất thoát cũng đều đúng quy trình cả!

Ở đây, cái sai cơ bản là sai nguyên lý. Người dân đã đóng thuế cho Nhà nước, thậm chí tuyến đường đã có từ lâu, nếu sửa đường thì có thể lấy tiền từ quỹ ngân sách nhà nước hoặc thu phí trải lại mặt đường chứ không thể thu theo giá đầu tư. Như vậy là giá chồng giá, người dân phải chi phí cao, chịu thiệt.

Trong trường hợp tại dự án BOT Cai Lậy lại hoàn toàn ngược lại. Đường đã có rồi, nếu không đầu tư sẽ không thể thu phí được nên nhà đầu tư đã bằng mọi cách đầu tư thêm 300 tỷ tráng lại mặt đường quốc lộ 1 nối với đường tránh mới đầu tư xong để thu phí cả hai tuyến đường với người dân. Đây là cái sai cơ bản về công lý, lẽ phải.

Vừa qua Bộ Giao thông vận tải có đưa ra ba phương án cho BOT Cai Lậy, ông nhận định gì về các giải pháp này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Trong 3 phương án của Bộ Giao thông vận tải, tôi đồng tình với phương án 2 - di dời trạm thu phí về tuyến tránh bởi vị trí đặt trạm tại quốc lộ 1 là hoàn toàn không đúng.

Tất nhiên, sẽ cần có phương án đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư. Ở đây có hai cách, Nhà nước có thể chi trả ngay phần vốn đầu tư mặt đường quốc lộ 1, hoặc cho kéo dài thời gian thu phí tại tuyến đường tránh. 

Nếu trước đây Cai Lậy cho thu phí 10 năm thì khi dời trạm thu phí vào đường tránh có thể cho thu phí lên 30 năm để nhà đầu tư hoàn vốn.

Còn về ý kiến của Bộ Giao thông vận tải cho rằng, kịch bản này là phá vỡ phương án tài chính của dự án, rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng thì tôi cho rằng: ở đây các cơ quan quản lý đã làm sai thì cần sửa sai và chấp nhận thiệt hại, chứ không thể đòi hỏi có một phương án hài hoà cho cả hai phía hoặc đẩy phần thiệt cho người dân được.

Về lâu dài, theo ông cần có giải pháp gì để không xuất hiện các dự án BOT gây bức xúc cho người dân như tại Cai Lậy?

Luật sư Trương Thanh Đức: Để các dự án BOT thực sự có hiệu quả, đầu tiên là phải hướng tới sự công khai minh bạch. Trước hết cần làm đúng chất lượng, giá thành, chi phí hợp lý, đấu thầu chặt chẽ, công khai minh bạch, lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính triển khai dự án... Ngoài ra, cần xem lại nguyên tắc đảm bảo cho nhà đầu tư. 

Về vấn đề thất thoát, tham nhũng, phải nhìn thẳng vào một thực tế là nhà đầu tư dù lãi rất nhiều nhưng họ cũng phải rải các chi phí “bôi trơn” không ít mà theo thông tin tôi biết phải đến hơn 1/3 số đó. Đây mới chính là chỗ tiêu cực nhất, là lỗi hệ thống, không thể đổ hết lỗi cho nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng khốn khổ, thậm chí còn “chết oan” vì dự án.

Do đó, nếu quản lý chặt vấn đề tiêu cực, làm đúng theo quy định pháp luật thì hình thức BOT sẽ tiếp tục phát triển và có hiệu quả. 

Xin cảm ơn ông!