CEO Vinacacao: 'Công nghiệp 4.0 là cơ hội cuối cùng để chúng ta cất cánh'

Quỳnh Như - 08:30, 30/03/2018

TheLEADERDo độ trễ của chính sách, Việt Nam đã phải ngậm ngùi nhìn các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây trôi qua.

Ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cacao Việt Nam (Vinacacao) đã thẳng thắn chia sẻ như vậy tại tọa đàm “Doanh nhân trẻ và khát vọng toàn cầu” do CLB Doanh nhân 2030 tổ chức.

Là một trong những doanh nhân có tư duy toàn cầu hóa mãnh liệt nhất, giỏi ngoại ngữ, luôn tìm cách tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất, doanh nhân kỳ cựu này còn rất quan tâm tới việc đưa nông sản của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

CEO Vinacacao: Muốn vươn ra thế giới, doanh nhân phải xây dựng một chuẩn mực toàn cầu
Ông Trần Văn Liêng, CEO Vinacacao.

Với niềm tin và chiến lược tiếp cận thị trường thế giới đúng đắn, Vinacacao không chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn cả những sản phẩm đã tinh chế như chocolate (có 19 loại). 

Chocolate là sản phẩm dành cho giới thượng lưu có xuất xứ từ nước ngoài, nhưng chocolate của Vinacacao còn bổ sung thêm giá trị Việt bằng cách kết hợp với với các nông sản như mè, đậu phụng, dừa, hạt điều….

Hiện tại, các sản phẩm của Vinacacao đã có mặt trong hệ thống siêu thị Lotte Mart toàn cầu. Vinacacao cũng đang hợp tác với Starbucks để cùng xây dựng thương hiệu chocolate chung.

Khi xuất khẩu, đừng quá quan tâm tới việc chất lượng sản phẩm mình cao hay thấp, mà hãy nhìn xem tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường mình muốn nhắm tới như thế nào.

Không có chất lượng cao hay thấp, chất lượng là sự thừa nhận của thị trường và các đặc điểm hàng hóa mà người mua thừa nhận. Đơn giản, nếu bạn vào thị trường Nhật, hãy sản xuất ra sản phẩm phù hợp với những tiêu chuẩn mà người Nhật đặt ra.

Tương tự, các sản phẩm về thực phẩm hoặc dược phẩm muốn vào Mỹ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng mà Cơ quan quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra.

Dành lời khuyên cho các doanh nhân thế hệ sau, ông Liêng cho biết, muốn vươn ra thế giới, doanh nhân và các doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình một chuẩn mực toàn cầu.

"Để giúp doanh nghiệp vươn ra toàn cầu cần có 3 yếu tố: ngôn ngữ, sự cải thiện quan hệ với các nước và tận dụng triệt để cách mạng công nghiệp 4.0", ông Liêng đúc kết.

Theo ông Liêng, muốn giao thương với doanh nghiệp các nước, lãnh đạo và nhân viên của các công ty Việt Nam phải biết ngoại ngữ, ít nhất là tiếng Anh. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp cố gắng như thế nào, song quan hệ song phương của Việt Nam với các nước khác không tốt, thì cũng chẳng có thị trường để hoạt động. Chúng ta cứ xem cách ngành dệt may và cá ba sa vào Mỹ thì đủ biết.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ xóa dần biên giới giữa các quốc gia, tất cả mọi người đều được cạnh tranh công bằng, ai biết tận dụng tốt những công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng này sẽ là người chiến thắng.

"Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nắm chắc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vì đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể cất cánh làm 'con rồng' mới của châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Do độ trễ của chính sách, chúng ta đã phải ngậm ngùi nhìn các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây trôi qua. Lần này, chúng ta buộc phải chụp bằng được con thuyền thứ tư này", CEO Vinacacao nhấn mạnh.

Theo ông Liêng, vươn ra toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng các bạn trẻ đừng sợ hãi, vì nếu so với thế hệ trước như ông, người trẻ đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía như Nhà nước, hiệp hội, doanh nhân đi trước… trong suốt quá trình kinh doanh khởi nghiệp.