Chuyện đôi giày Nike 'made in Vietnam' và sự mờ nhạt của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu

Quỳnh Chi - 17:00, 13/05/2018

TheLEADERMột đôi giày Nike được sản xuất có giá bán hơn 100 USD, thậm chí 300 USD nhưng phần của người Việt Nam chỉ chưa đến 10 USD.

Chuyện đôi giày Nike 'made in Vietnam' và sự mờ nhạt của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu
Các doanh nghiệp Việt chỉ mới tham gia vào tầng thấp của chuỗi giá trị toàn cầu.

Là một trong những mẫu giày được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, thương hiệu giày Nike được biết đến như một biểu tượng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ ý tưởng thiết kế, công nghệ, thương hiệu cho đến các bộ phận của giày được thực hiện ở nhiều quốc gia khác nhau; khi đã có sản phẩm cuối cùng và đóng gói, chúng sẽ theo hệ thống phân phối đi khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên nhìn nhận một cách thực tế, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, một đôi giày Nike "made in Vietnam" có giá hơn 100 USD, thậm chí có đôi 300 USD thì phần của người Việt chỉ chưa đến 10 USD. 

Từ ví dụ này, ông Mại chỉ ra rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cao nhưng đóng góp lại chủ yếu đến từ khu vực FDI (chiếm hơn 70%), trong khi sự tham gia của các doanh nghiệp Việt còn rất mờ nhạt và hạn chế.

Đặc biệt, ngành dệt may và da giày Việt được đánh giá là có năng suất cao nhất trong số các nước xuất khẩu hai mặt hàng này, song các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chủ yếu tham gia vào tầng giá trị thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Chẳng hạn, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu tham gia vào phần cắt và may, theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói nên giá trị gia tăng còn thấp. Đặc biệt, ngành dệt may đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Một ví dụ khác cho thấy sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu còn mang ít giá trị là ngành công nghiệp xe máy. Việt Nam đã trở thành nước sản xuất xe máy quy mô lớn hàng đầu thế giới với 3,2 - 3,5 triệu chiếc/năm. 

Tuy nhiên, có tới 80% linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước nhưng phần lớn là do doanh nghiệp FDI thực hiện, các doanh nghiệp trong nước chỉ mới sản xuất được các phụ tùng bằng nhựa.

Chuyện đôi giày Nike 'made in Vietnam' và sự mờ nhạt của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu
GS.TSKH Nguyễn Mại

Hiện nay tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 97% trong tổng số gần 600 nghìn doanh nghiệp; gần 3% còn lại là các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn này đều xuất phát từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính điều này đã tạo niềm tin cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xét về mối quan hệ giữa các doanh nghiệp này thông qua mô hình chuỗi giá trị, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp lớn giữ vai trò đầu tàu và là động lực chính trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò hỗ trợ tạo giá trị gia tăng cho từng khâu.

Không hợp tác sẽ thua ngay trên sân nhà

Với sự tham gia mạnh mẽ và không ngừng gia tăng của các doanh nghiệp FDI tại thị trường Việt Nam, việc thúc đẩy các doanh nghiệp Việt đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các tầng giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu là điều cấp thiết. 

Theo ông Ngô Minh Hải, Phó chủ tịch Tập đoàn TH, một trong những điều quan trọng bây giờ là cần có sự hợp tác với các doanh nghiệp FDI để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu không sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà. 

Tuy nhiên, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nhận định, mối liên kết giữa các tập đoàn xuyên quốc gia với doanh nghiệp Việt Nam theo chuỗi cung ứng còn hạn chế; vẫn như đang đi trên hai đường thẳng song song mà chưa có sự bắt tay hợp tác để hai bên cùng có lợi.

Để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đưa ra các giải pháp có tính chiến lược và cách tiếp cận mới.

Theo GS. Nguyễn Mại, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chính sách như giảm chi phí đầu tư và kinh doanh, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cấu trúc lại hệ thống logistics, cải cách thủ tục hành chính… 

Đặc biệt, Chính phủ cần đưa ra các thể chế, chính sách phù hợp với từng loại doanh nghiệp để bởi lẽ mỗi loại hình doanh nghiệp đặt ra những đòi hỏi riêng về cơ chế, chính sách của Nhà nước; từ đó hỗ trợ làm tăng cả về số lượng lẫn chất lượng cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện chính sách khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước như đề ra các cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính đối với những doanh nghiệp FDI có nhiều doanh nghiệp trong nước làm nhà cung ứng cấp 1; áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 như đối với doanh nghiệp FDI.

Đối với các doanh nghiệp trong nước, ông Mại cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, xây dựng chiến lược kinh doanh, thương hiệu và từng bước tích tụ vốn để tăng năng lực sản xuất, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.