Cục trưởng Xúc tiến thương mại: “Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng M&A thế giới”

Kiều Mai - 08:41, 20/12/2017

TheLEADERTrong cuộc trao đổi ngắn với TheLEADER, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định Việt Nam không thể thoát ra khỏi xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) trên thế giới và điều này đặt ra yêu cầu thay đổi chính sách tích cực hơn tại Việt Nam.

Cục trưởng Xúc tiến thương mại: “Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng M&A thế giới”
Ông Vũ Bá Phú phát biểu tại hội thảo “Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức M&A”.

Theo ông Phú, xu hướng M&A trên thế giới không chỉ phát triển mới đây mà nó đã thông dụng tại nhiều thị trường. Một trong những lý do của sự phát triển đó là khuôn khổ pháp lý của các nước đã được hoàn thiện, bảo vệ được quyền và lợi ích của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư qua M&A cũng được rút ngắn, đơn giản hóa, nhanh gọn hơn so với các hình thức đầu tư trực tiếp.

Do đó, Việt Nam không thể thoát khỏi xu hướng này và muốn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông qua M&A, khuôn khổ pháp lý để phục vụ M&A cũng phải theo hướng chung của thế giới.

Điều này đồng nghĩa với việc các chính sách tại Việt Nam cần minh bạch hơn, hoàn thiện hơn và bảo vệ nhà đầu tư hơn.

Trao đổi với TheLEADER về tình hình đầu tư qua M&A cũng như các lĩnh vực tiềm năng nhất, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành nhiều thương vụ thông qua thị trường vốn.

Theo ông, một trong những lĩnh vực sôi động nhất có thể thấy là bất động sản, công nghiệp mà cụ thể mà rượu, bia, nước giải khát. Ví dụ như vừa mới đây, Sabeco (Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) đã có một phiên đấu giá rất thành công.

Ngoài ra, hiện nông nghiệp cũng là linh vực hấp dẫn nhà đầu tư nhờ vào các cơ chế khuyến khích từ chính phủ.

Phát biểu tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức M&A”, ông Vũ Bá Phú cho rằng, hiện các nguồn vốn trong nước đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường M&A với việc số lượng thương vụ của các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng.

Ông cũng cho biết rằng, hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu xây dựng một chiến lược dài hạn, trong đó M&A đã trở thành một công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược đó.

Thị trường M&A Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến nhiều thương vụ có yếu tố nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp, ví dụ như Tập đoàn SCG (tập đoàn xi-măng lớn nhất Thái Lan) và Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ của Hàn Quốc và Công ty Cầu Tre hay công ty Daesang và Công ty Thực phẩm Đức Việt.

Vị Cục trưởng cũng cho biết, Chính phủ luôn quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua M&A, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp cũng như quá trình thoái vốn nhà nước.

Năm 2016, hoạt động M&A tại Việt Nam ước tính đạt 5,82 tỷ USD, tăng gần 12%. Trong quý I/2017, tổng giá trị này đạt 1,1 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kì.

Trong số 530 thương vụ M&A năm 2016, ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ và công nghiệp (bao gồm cả vật liệu) chiếm tới 387 thương vụ với tổng giá trị 3,6 tỷ USD.

Các nhà đầu tư ngoại đang là những người dẫn dắt thị trường này, đứng đầu là Singapore, sau đó tới Nhật Bản, Hàn Quốc.