Gọi vốn khởi nghiệp kinh doanh: Tắc đầu vào, bí đầu ra

Ngọc Hải - 08:10, 08/09/2017

TheLEADERThủ tục hành chính nhiêu khê, khó khăn trong thoái vốn cũng như sự thụ động và kỹ năng kinh doanh yếu của những người lãnh đạo là những nhân tố cản trở dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam.

Gọi vốn khởi nghiệp kinh doanh: Tắc đầu vào, bí đầu ra
Các diễn giả chia sẻ tại buổi nói chuyện về khởi nghiệp. Ảnh Ngọc Hải/TL

Có tới 1,5 tỷ USD đổ vào các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á trong năm ngoái nhưng 80% số tiền đó đổ vào Indonesia và Singapore và chưa đầy 100 triệu USD chảy vào Việt Nam. Trong khi một số doanh nghiệp trong khu vực gọi vốn được hàng trăm triệu USD thì tại Việt Nam, hoạ hoằn mới có công ty thu hút được vài chục triệu USD, còn phần lớn là các khoản đầu tư nhỏ lẻ.

Lý giải vấn đề này tại buổi nói chuyện về “Toàn cảnh gọi vốn Đông Nam Á và câu chuyện Việt Nam” do VPBank kết hợp với UP Co-working Space tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent tại Việt Nam, chỉ ra một loạt nhân tố cản trở dòng vốn chảy vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam.

Theo quy luật thì nguồn vốn sẽ chảy từ Mỹ, Nhật Bản trước hết sang Trung Quốc và Ấn Độ rồi mới tới Đông Nam Á. Nhưng khi tới Đông Nam Á, dòng vốn chọn những nền kinh tế lớn nhất nên Indonesia và Thái Lan được ưu tiên hơn là Việt Nam.

Về chủ quan, thủ tục hành chính rườm rà là nguyên nhân chính. Theo ông Dũng, chỉ những nhà đầu tư hết sức kiên nhẫn thì mới đầu tư vào Việt Nam vì thủ tục giải ngân khoản đầu tư 50.000USD hay 100 triệu USD là như nhau.

Ông Dũng tiết lộ, ở Singapore chỉ cần một tuần là giải quyết xong thủ tục, ở Thái Lan khoảng một tháng nhưng ở Việt Nam có thể mất tới một năm.

Luật pháp Việt Nam quy định việc giải quyết thủ tục đầu tư khá nhanh, nhưng để hoàn thiện được bộ hồ sơ đầu tư thì lại mất rất nhiều thời gian. Cụ thể, nhà đầu tư phải cung cấp đầy đủ thông tin hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, giấy đăng ký kinh doanh…, sau đó dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và công chứng.

Nhưng theo quy định, tất cả các nhà đầu tư phải ký vào hồ sơ, trong khi các nhà đầu tư ở các nước khác nhau và Việt Nam không chấp nhận chữ ký điện tử, nên có thể phải chờ vài tháng mới thu thập đủ chữ ký các bên liên quan.

Ngoài ra, hệ thống giấy phép con rất nhiều, một lĩnh vực phải xin ý kiến của nhiều bộ ngành khác nhau. Mặc dù Thủ tướng mới yêu cầu xoá bỏ gần 2.000 giấy phép nhưng vẫn còn hàng nghìn giấy phép khác, khiến cho việc giải ngân vốn cho các công ty khởi nghiệp rất chậm.

Bên cạnh đó, ông Dũng chỉ thẳng một điểm yếu của các công ty khởi nghiệp Việt Nam là mức độ cọ xát rất thấp. “Start-up Việt Nam rất bảo thủ, đóng thông tin và thụ động trong việc tiếp cận nhà đầu tư. Chính vì thế, việc gọi vốn nhỏ đã khó thì gọi vốn lớn càng khó hơn và họ khó có thể thuyết phục nhà đầu tư quốc tế rót vốn vào Việt Nam,” ông Dũng khẳng định.

Công thức 3L + 2T

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Hoài Nam, Đồng sáng lập UP Co-Working Space thừa nhận, điểm yếu của các lãnh đạo công ty khởi nghiệp là thiếu sự cọ xát nên không có kinh nghiệm thuyết phục các nhà đầu tư. Cách tốt nhất để khắc phục yếu điểm này là đặt văn phòng tại các không gian khởi nghiệp chung để tăng tính cọ xát và chia sẻ kỹ năng với đồng nghiệp.

Ông Nam chỉ ra một thực tế, mặc dù trình độ công nghệ của các công ty Việt Nam không thua kém gì các nước khác, có nhiều kỹ sư tốt nhưng các start-up thường loay hoay và không lớn mạnh được. Bản thân ông từng tham gia đầu tư vào 14 công ty Việt Nam thì đã có 8 công ty “chết”.

Theo ông Nam, mặc dù Việt Nam có nền tảng kỹ thuật tốt, nhưng những lãnh đạo công ty lại chưa có đủ độ sâu và kỹ năng kinh doanh bắt kịp với đội ngũ kỹ thuật. Vì thế, có rất ít công ty khởi nghiệp thành công, ngoại trừ VNG đều giỏi cả kỹ thuật và thương mại.

Hầu như các doanh nhân khởi nghiệp đều kêu khó tiếp cận vốn nhưng ông Nam kể rằng, khi các nhà đầu tư ngồi lại với nhau với câu hỏi thường trực là “có công ty nào để đầu tư không?” thì lại có rất ít câu trả lời.

Vấn đề ở chỗ, các startup khó tiếp cận vốn vì chất lượng thấp, và cơ hội chỉ đến với startup nào có sự khác biệt, tạo ra bước đột phá, có đội ngũ tốt và khả năng thực hiện công việc tốt. “Các startup nên đặt câu hỏi ngược lại là thực sự có thiếu tiền để tiếp cận hay không hay chỉ thiếu với chính mình,” ông Nam chia sẻ.

Ông Dũng cho biết, khi làm việc với startup, vấn đề đầu tiên mà nhà đầu tư quan tâm không phải là tài chính, mà họ sẽ đặt câu hỏi về nhu cầu sử dụng sản phẩm và các giải pháp thực hiện. Tiếp theo là tìm hiểu người sáng lập, và những tiêu chí mà CyberAgent đặt ra đối với một người sáng lập là phải có 3L và 2T.

3L là liều lĩnh trên cơ sở có hiểu biết và dám làm, làm liền thay vì “chém gó” và linh hoạt, tức là nói phải có người tiếp thu chứ không phải “cứng đầu”.

2T là tốc độ, tức là ưu tiên phải xử lý ngay những việc gì. Những sản phẩm công nghệ thường nhanh lỗi thời nên thay vì làm 6 tháng thì chỉ cần xử lý 2 tháng là xong.

Chữ T tiếp theo là tập trung vào những giá trị cốt lõi, mang lại giá trị cho người dùng chứ không thể phân bổ nguồn lực một lúc làm nhiều thứ.

Nan giải chuyện thoái vốn

Cả ông Nam và ông Dũng đều cho biết, một trong những nhân tố nhà đầu tư sẽ xem xét ngay từ khi quyết định có rót vốn cho start-up hay không là khả năng thoái vốn. “Không thoái vốn được có nghĩa là đầu tư không thành công,” ông Nam nhận xét.

Theo ông Nam, không chỉ khó tìm công ty khởi nghiệp để rót vốn mà các lựa chọn để thoái vốn ở Việt Nam cũng không có nhiều. Có ba cách thoái vốn là IPO, mua bán sáp nhập và bán lại cho quỹ đầu tư nước ngoài, thì cả ba cách này đều khó.

Thứ nhất, để một start-up có thể IPO được thì rất lâu, vì mới khởi nghiệp thì khó có thể có lãi mấy năm liền để đủ điều kiện IPO. Trên thực tế cũng chưa có công ty công nghệ nào thành công nhất có thể thực hiện IPO.

Thứ hai, cơ hội mua bán sáp nhập cũng rất hẹp. Đây không chỉ là vấn đề kinh doanh mà còn là vấn đề văn hoá. Các “đại gia” thường nghĩ có thể làm được mọi thứ nên họ không muốn mua công ty nhỏ. Thay vào đó, họ nghĩ công ty nhỏ làm được thì họ cũng làm được.

Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Dũng cho rằng, những người thành công ở Việt Nam đều đã tương đối lớn tuổi và không hiểu nhiều về công nghệ nên họ chỉ đầu tư vào những gì sờ thấy được, còn người trẻ thì lại không có tiền đầu tư.

“Cửa” thoái vốn thứ ba là bán lại cho công ty hoặc quỹ đầu tư khác. Nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại dè dặt vì môi trường kinh doanh. Thêm nữa, đối với pháp nhân nhận chuyển nhượng thì vấn đề thuế chưa rõ, họ phải đóng thuế chuyển nhượng vốn 20% hay thuế chuyển nhượng chứng khoán 0,1%?

Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài mua thì họ phải nắm 51%, tức là trở thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Không có nhiều nhà sáng lập sẵn sàng bán trên 51%, mà họ có bán thì thủ tục chuyển đổi sang công ty nước ngoài cũng khó khăn.