Kinh tế Việt Nam đối mặt với 2 rủi ro ngắn hạn

Quỳnh Chi - 15:15, 26/05/2018

TheLEADERHiện nay, kinh tế của Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN+3 nói chung đang tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn cần một mô hình tăng trưởng mới để giải phóng tiềm năng, trong đó yếu tố công nghệ đóng vai trò quan trọng.

Kinh tế Việt Nam đối mặt với 2 rủi ro ngắn hạn
Ông Hoe Ee Khor, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô các nước ASEAN+3.

Theo ông Hoe Ee Khor, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô các nước ASEAN+3 (AMRO), tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), Nhật Bản và Hàn Quốc, dự báo sẽ duy trì ở mức 5,4% năm 2018 và 5,2% vào năm 2019 do tổng cầu bên ngoài cải thiện.

Đối với Việt Nam, đại diện AMRO nhận định nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong năm 2017, và triển vọng tăng trưởng ngắn hạn ở mức tích cực với GDP tăng trưởng mạnh gần 7,4% vào quý I/2018.

Tại hội thảo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3: tăng trưởng bền vững trong một thế giới đang biến chuyển, các chuyên gia đánh giá, việc áp dụng chiến lược “sản xuất nhằm xuất nhập khẩu” trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực cho Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung. 

Cụ thể, các nền kinh tế được hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hướng đến xuất khẩu để phát triển năng lực sản xuất.

Cùng với Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở ASEAN, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn FDI để xây dựng khu vực sản xuất cạnh tranh, giúp tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động và tiền lương, thúc đẩy xuất khẩu; từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) nhận định, chế tạo cho xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh tại Việt Nam. Cách đây 10 năm, sản xuất chế tạo cho xuất khẩu chỉ tăng trưởng 9 - 10%/năm nhưng nay đã tăng đến 30% chỉ trong quý đầu của năm và chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.

“Sự thành công này là do Việt Nam có nhiều lợi thế như nằm ở vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, gần Trung Quốc, tình hình nhân khẩu học tốt với hơn một nửa dân số ở độ tuổi dưới 35”, đại điện World Bank lý giải.

"Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, có các chương trình đầu tư vào nguồn vốn con người và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh", ông Sebastian cho biết thêm.

Công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm trong tương lai
Các chuyên gia nhận định có nhiều cơ hội để giải phóng tiềm năng khu vực ASEAN+3.

Mặc dù vậy, đại diện WB cho rằng, Việt Nam cũng như các nước trong ASEAN+3 đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong chiến lược “sản xuất nhằm xuất nhập khẩu”.

Cụ thể, xuất khẩu đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam song lại đang phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI, với tỷ lệ khoảng 90%. Trong khi đó, các hoạt động chế tạo của Việt Nam có giá trị thấp, hàm lượng nhập khẩu cao; mặc dù thuê nhiều công nhân nhưng giá trị gia tăng cho mỗi công nhân không nhiều.

Thêm vào đó, chiến lược “sản xuất nhằm xuất khẩu” của các nước ASEAN+3 được AMRO nhận định là đang đối mặt với những thách thức mới bởi những thay đổi hệ thống trong các chuỗi giá trị toàn cầu cho phép các nước sản xuất nguyên liệu đầu vào ngay tại thị trường sở tại, thay vì phải nhập khẩu các nguyên liệu này.

Các chuyên gia cũng nhận định hiện nay khu vực ASEAN+3 đối mặt với hai rủi ro ngắn hạn. Một là điều kiện tài chính toàn cầu có thể bị thắt chặt nhanh hơn dự báo do chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed); hai là leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu. 

Các rủi ro này nếu hiện thực hóa sẽ gây ra tác động bất lợi đối với khu vực dưới dạng các nguồn vốn bị rút khỏi khu vực, chi phí vay vốn tăng lên, hoạt động đầu tư và thương mại trong khu vực bị suy giảm.

Thay đổi về công nghệ để thúc khu vực dịch vụ trỗi dậy

Theo ông Hoe Ee Khor, thay đổi về mặt công nghệ và môi trường toàn cầu là yếu tố hết sức cần thiết trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển. Công nghệ vừa đặt ra thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội mới cho hoạt động sản xuất. 

Công nghệ làm cho các hoạt động sản xuất ngày càng sử dụng nhiều vốn và kỹ năng hơn nhân công lao động và hệ quả là khu vực sản xuất không còn là khu vực tạo ra nhiều cơ hội việc làm như trước.

Tuy nhiên, công nghệ cũng giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của khu vực dịch vụ với vai trò cỗ máy tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm trong tương lai.

Để tăng cường ổn định trong bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt trong thời gian tới, đại diện AMRO cho rằng các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tiếp tục củng cố không gian chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ. 

Chính sách tài khóa có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng, trong khi đó, chính sách an toàn vĩ mô có thể giúp duy trì ổn định thị trường tài chính.

Ngoài ra, các quốc gia trong đó có Việt Nam cần dịch chuyển nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường khả năng cạnh tranh; tăng giá trị gia tăng trên mỗi người lao động đồng thời đẩy mạnh kết nối cung ứng trong nước.

"Khu vực ASEAN+3 hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ tuy nhiên các nền kinh tế trong khu vực cần tăng cường kết nối, phát triển khu vực dịch vụ, xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng để đáp ứng với một thế giới đang biến chuyển", ông Hoe Ee Khor cho biết.