Ngân hàng Thế giới cảnh báo ô nhiễm trong nông nghiệp ở Việt Nam

Quỳnh Chi - 08:00, 25/03/2018

TheLEADERMột nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam là một trong những nước trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có môi trường bị ảnh hưởng nặng nề từ sản xuất nông nghiệp.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo ô nhiễm trong nông nghiệp ở Việt Nam
Phun thuốc trừ sâu cho cây lúa.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 90% lượng nước thải sinh hoạt tại các đô thị của Việt Nam được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Tình trạng này khiến các sông hồ tại các đô thị đã và đang trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Tại các khu vực trồng trọt thâm canh, nông nghiệp đã trở thành nguyên nhân chính nếu không muốn nói là hàng đầu đối với ô nhiễm đất, không khí và nước. Hơn nữa, ô nhiễm trang trại thường lan truyền rộng và vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng ngay cả khi tình trạng này đang gia tăng.

“Tăng trưởng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an ninh lương thực và đưa hàng triệu người thoát nghèo đói ở khu vực Đông Á trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng đi kèm với cái giá cao, dẫn đến ô nhiễm đất, nước và không khí chưa từng có trong khu vực”, bà Laura Tuck, Phó chủ tịch về phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Bà Laura Tuck cho rằng, đầu tư vào việc ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm là quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích bền vững thu được từ phát triển trong nông nghiệp. Các chính sách và biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả có thể nâng cao lợi nhuận của nông nghiệp và khuyến khích sự phát triển của một ngành công nghiệp thực phẩm cạnh tranh trong khi nâng cao được sức khỏe con người và môi trường

Theo WB, hành động phòng chống ô nhiễm có thể tiếp sức cho các ưu tiên chính sách tầm quốc gia mới trong đó có tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng khẩu phần ăn hàng ngày, thu hút một thế hệ mới các nông dân và doanh nhân thực phẩm, và giảm phát thải khí nhà kính để chống lại biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh này, giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong nông nghiệp có thể được coi là cánh cổng dẫn đến thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững nói chung của các quốc gia.

Theo đó, cần có các phương án để khu vực công có thể cải thiện vấn đề này và hướng nguồn lực tới các ưu tiên xử lý ô nhiễm, bắt buộc và tạo động lực cho nông dân có quy mô sản xuất và năng lực khác nhau sản xuất theo các cách hiệu quả hơn;

Hỗ trợ đổi mới sáng tạo, học hỏi để kiểm soát được thách thức ô nhiễm và và cấu trúc lại khu vực nông nghiệp để tăng trưởng bền vững hơn. Việc hỗ trợ cho các nỗ lực kiểm soát ô nhiễm nông nghiệp ở khu vực Đông Á và trên khắp thế giới là một phần hoạt động của WB. 

Tại Việt Nam, nguồn tài chính của WB sẽ giúp nhân rộng các thực tiễn tốt và sáng tạo về nuôi trồng thủy sản giúp nâng cao năng suất tôm đồng thời giảm ô nhiễm nước cho khoảng 100.000 ha trong vòng 5 năm tới ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp nâng cao sinh kế và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Việt Nam đang nhân rộng việc áp dụng bể phân hủy khí sinh học (biogas) trong hoạt động chăn nuôi và thúc đẩy việc sử dụng phân bón và hóa chất nông nghiệp hợp lý hơn trong nhóm nông dân trồng lúa ở khu vực này.