Quản lý dòng vốn đầu tư: Hai động thái mới của Trung Quốc

Hồ Mai - 15:07, 08/09/2017

TheLEADERChiến lược kép mà Trung Quốc đang thực hiện bao gồm cắt giảm đầu tư ra nước ngoài đồng thời khuyến khích các luồng vốn rót vào trong nước.

Quản lý dòng vốn đầu tư: Hai động thái mới của Trung Quốc
Trung Quốc đang tìm cách quản lý dòng vốn tốt hơn. Ảnh: Financial Times

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp nhằm thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư vào trong nước thông qua tạo điều kiện dễ dàng hơn cho nhiều lĩnh vực đầu tư, nới lỏng các quy định về hồi hương lợi nhuận và mở rộng việc cắt giảm thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành ưu tiên của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Trung Quốc lại đưa ra các biện pháp thắt chặt đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài với 3 cơ chế phân loại: bị cấm, hạn chế và khuyến khích. 

Theo đó, Trung Quốc sẽ cấm hoặc hạn chế các công ty trong nước thực hiện đầu tư ở các nước không chung đường biên giới trong các lĩnh vực bao gồm ngành công nghiệp trò chơi, bất động sản, khách sạn và giải trí; nhưng lại khuyến khích các khoản đầu tư ra nước ngoài liên quan đến sáng kiến ​​"Một vành đai, một con đường" và công nghiệp cao.

Financial Times cho rằng, những động thái này có vẻ mâu thuẫn nhưng trong thực tế đều phù hợp với các mục tiêu kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn của Trung Quốc. 

Mặc dù Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế trong thập kỷ qua, tuy nhiên nền kinh tế nước này đã mất đi một chút "hào quang".

Tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc sụt giảm trong năm ngoái, trong khi đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) lần đầu tiên vượt FDI vào năm 2015. 

Làn sóng tìm tiếm cơ hội tăng trưởng ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc đã thúc đẩy con số ODI ghi nhận mức cao kỷ lục 183 tỷ USD trong năm 2016, trong khi FDI chỉ bằng 2/3.

Vốn ODI (xanh đậm) và vốn FDI của Trung Quốc từ 2006 - 2016. Nguồn: JP Morgan/Financial Times

Tăng trưởng FDI "đáng thất vọng" của Trung Quốc xuất phát từ một số nguyên nhân. Trong đó, theo Financial Times, vấn đề thiếu lao động có tay nghề và tiền lương tăng khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng lựa chọn các giải pháp thay thế tại các thị trường rẻ hơn như Việt Nam và Indonesia. 

Ngoài ra, với tư cách là một thành viên không thuộc Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chính phủ Trung Quốc vẫn ưu tiên các doanh nghiệp trong nước hơn các công ty nước ngoài.

FDI sụt giảm sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Doanh số bán hàng, việc làm và chi tiêu được tạo ra nhờ hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp này cũng giúp hiện đại hoá ngành công nghiệp Trung Quốc thông qua nhập khẩu công nghệ mới và cải tiến các hoạt động kinh doanh một cách tốt nhất.

Để tránh bị ảnh hưởng, việc nới lỏng các hạn chế đối với khu vực FDI trở nên cần thiết. Do đó, chính phủ nước này đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế mới như sản xuất công nghệ cao và dịch vụ, đồng thời tìm kiếm kênh đầu tư lớn hơn đối với các khu vực này. 

Dịch vụ hiện chiếm tới hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc và sử dụng hơn 1/3 lực lượng lao động trong nước.

Mặt khác, sự gia tăng nhanh chóng của các khoản đầu tư ra nước ngoài cũng khiến các nhà chức trách lo ngại. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách quyết định hạn chế "cơn sốt" mua sắm tài sản ở nước ngoài, vốn đã đạt giá trị kỷ lục tới 246 tỷ USD trong năm 2016.

Quyết định này được xem là động thái mở rộng sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc với việc chuyển tiền ra khỏi nước và gây áp lực lên một số doanh nghiệp lớn nhất nước nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu dòng vốn” đã bắt đầu diễn ra mạnh mẽ ở Đại lục kể từ năm 2012.

Theo CNN, Tập đoàn Wanda của tỷ phú Trung Quốc Vương Kiện Lâm sau khi thâu tóm chuỗi rạp chiếu phim AMC lớn thứ hai của Mỹ, mua lại Legendary Entertainment, một hãng sản xuất phim của Hollywood, và nắm giữ cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atletico Madrid, mới đây đã phải lùi bước tham vọng về việc mở rộng đầu tư trong ngành giải trí do các hạn chế từ phía chính phủ.

Anbang, đơn vị từng đàm phán các thương vụ kinh doanh với Jared Kushner, con rể Tổng thống Mỹ, cũng phải chịu chung sự kiềm chế sau khi chủ tịch của tập đoàn bị bắt hồi tháng 6/2017.

Nợ công cao và dòng vốn chảy ra nước ngoài là những rủi ro kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt và số lượng các hợp đồng được tài trợ bằng vay nợ từ các nước khác ngày càng gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ nước này lo ngại.

Việc phân loại ODI thành ba nhóm riêng biệt cấm, hạn chế và khuyến khích phản ánh mong muốn của chính phủ Trung Quốc rằng những cá nhân, doanh nghiệp muốn đầu tư nước ngoài chỉ nên theo đuổi các khoản đầu tư dài hạn dựa trên cơ sở hợp lý chứ không phải là tìm cơ hội để đầu cơ.

Chiến lược kép nhằm thu hút nhiều hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào trong nước (FDI) và hạn chế vốn đầu tư chảy ra nước ngoài (ODI) có thể giúp Trung Quốc quản lý dòng vốn tốt hơn trong thời gian tới, Financial Times đánh giá.