'Sẽ nhập các giáo trình đào tạo tiên tiến về nước để không phải đi du học nữa'

Minh Anh - 11:24, 06/06/2018

TheLEADERBộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật Giáo dục đại học sửa đổi tới đây sẽ cụ thể hóa chủ trương này.

'Sẽ nhập các giáo trình đào tạo tiên tiến về nước để không phải đi du học nữa'
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, tâm điểm của giáo dục đại học trong thời gian tới là thực hiện tự chủ đại học, đây là một trong những điểm nghẽn khiến các trường không phát huy được sự chủ động sáng tạo đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Hiện Bộ Giáo dục và đào tạo đã có lộ trình để tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc tự chủ đại học, theo đó, bộ chỉ hoạch định chiến lược, các trường sẽ được tự quản và chịu trách nghiệm giải trình về chất lượng.

Thực hiện theo Nghị quyết 77 NQ/CP năm 2014 về thí điểm tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học, đến nay đã có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện tự chủ. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu có kết quả rất tốt, các cơ sở giáo dục được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm nguồn thu, được xã hội công nhận. 

Bộ trưởng khẳng định, xu hướng tự chủ đang rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, thời gian tới sẽ tiếp tục và nhân rộng hơn bằng nghị quyết tự chủ sẽ trình Chính phủ. 

Đồng thời, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiến dần tới cơ chế đảm bảo các trường công lập được tự chủ cao hơn về mọi mặt, hạn chế việc can thiệp hành chính của bộ, họ được quyền quyết định trong phạm vi của mình và chịu trách nghiệm giải trình về chất lượng trước xã hội. Trước mắt, bộ sẽ chọn ra 3 trường để thực hiện thí điểm việc này.

"Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là phải làm chắc chắn nhưng mạnh dạn không đợi chờ", ông Nhạ nhấn mạnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, giáo dục chất lượng cao, Bộ trưởng Nhạ cho biết, bộ đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục chất lượng cao. 

Theo đó, ngoài thu hút đầu tư về cơ sở vật chất còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học tập theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong nước, không phải đi du học. Tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này.

Về giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, theo bộ trưởng cốt lõi là phải nâng cao chất lượng đào tạo, do đó bộ sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng đào tạo, công bố công khai kết quả kiểm định, xếp hạng các trường để người học có thông tin lựa chọn cơ sở đào tạo ngay từ đầu vào và các trường phải nâng cao chất lượng và chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu ra.

Ông Nhạ cho biết, vừa rồi bộ đã ban hành quy chế cho một số ngành như công nghệ thông tin và du lịch, đào tạo gắn liền với thị trường lao động, qua đó, mở rộng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình khác nhau của quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; từng trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo. Các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước người học, “tránh tình trạng khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, nhưng khi học xong thì không có trách nhiệm gì”.

Về phía bộ, bộ sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát “mặc dù trường tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa muốn mở ngành nào thì mở mà phải gắn với thị trường và đảm bảo chất lượng”. Bộ trưởng khẳng định cần tăng cường hậu kiểm, không nặng về tiền kiểm như trước, đồng thời công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, dùng thông tin dư luận để điều chế lại các trường tuyển sinh cũng như đào tạo chất lượng không tốt. 

Về tiến độ đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, ông Nhạ cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần có thời gian thực hiện. Trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ cố gắng hoàn thiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ đại học; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo.