Thêm một quốc gia Đông Nam Á muốn vào TPP

Đỗ Dung - 16:21, 02/05/2018

TheLEADERPhó thủ tướng Thái Lan mới đây trong cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản cho biết quốc gia này muốn tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP càng sớm càng tốt.

Thêm một quốc gia Đông Nam Á muốn vào TPP
Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản và Phó thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Takaki Kashiwabara/ Asian Nikkei

Trước đó Thái Lan cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới việc tham gia vào TPP nhưng có phần đắn đo khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đưa nước Mỹ ra khỏi hiệp định này vào năm ngoái.

Các bộ ngành tại Thái Lan hiện đang nghiên cứu những tác động đối với nền kinh tế địa phương và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu này kì vọng sẽ mở rộng thương mại sau khi tham gia Hiệp định.

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu của nước này sang các nước thành viên TPP đạt khoảng 70 tỷ USD năm 2017, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu từ Thái Lan sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị của nước này. Trong số 11 quốc gia còn lại trong TPP, hiện chỉ có Canada và Mexico chưa có thỏa thuận thương mại tự do với Thái Lan.

Nếu Thái Lan tham gia vào hiệp định này, đây sẽ là quốc gia Đông Nam Á thứ năm trở thành thành viên, cùng với Singapore, Malaysia, Việt Nam và Brunei. Việc tham gia của Thái Lan cũng sẽ tạo ra lực đẩy đối với các quốc gia xuất khẩu khác trong khu vực như Indonesia hay Philippines vào TPP, Asia Nikkei nhận định.

Theo Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản, người phụ trách đàm phán hiệp định TPP, việc thỏa thuận này được mở rộng sẽ giúp đưa Mỹ trở lại.

Đầu tháng này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ nhằm khuyến khích Mỹ trở lại đàm phán nhưng ông Trump cho biết ông sẽ chỉ cân nhắc TPP khi có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chính thức cho thành viên mới chỉ có thể diễn ra khi TPP có hiệu lực, dự kiến vào đầu năm 2019.

Từng là thỏa thuận mang bước đột phá thế kỉ dưới thời chính quyền Obama, TPP rơi vào cảnh bị bỏ rơi khi chính nước Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này khi ông Donald Trump, người gọi TPP là một “thỏa thuận khủng khiếp”, lên nắm quyền.

Cuối tháng 1/2018, ông Trump bất ngờ cho biết sẽ cân nhắc TPP. “Nếu chúng tôi có thể tạo ra một thỏa thuận tốt hơn, tôi sẽ tham gia vào TPP", ông Trump nói tại buổi phỏng vấn với CNBC trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới.

Cùng thời điểm đó, nước Anh bất ngờ cho biết quốc gia này đã có những cuộc hội đàm không chính thức về việc gia nhập khối thương mại khu vực Thái Bình Dương, đánh dấu nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu đầy táo bạo sau Brexit, theo Financial Times.

Giữa tháng 4 vừa qua, Indonesia cũng thể hiện thiện chí muốn gia nhập vào hiệp định này nhưng cho biết còn nhiều vấn đề ngăn cản tiến trình này diễn ra.

Chia sẻ với TheLEADER, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định TPP “rõ ràng là một cơ chế tốt khiến cho các nước khác mong muốn tham gia, chứng tỏ sức hút và vai trò của hiệp định này dù cho không có Mỹ”.