Tranh luận trái chiều về đánh thuế với nhà ở trên 700 triệu đồng

An Chi - 08:20, 16/04/2018

TheLEADERTrước nhiều ý kiến của các chuyên gia và dư luận bức xúc với đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng do Bộ Tài chính vừa đưa ra mới đây, chia sẻ trên facebook cá nhân, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển lại có những góc nhìn ngược lại.

Tranh luận trái chiều về đánh thuế với nhà ở trên 700 triệu đồng
Đề xuất đánh thuế nhà ở của Bộ Tài chính đang vấp phải nhiều sự phản ứng.

Chưa phù hợp với thực tế của Việt Nam

Đề xuất đánh thuế với nhà ở trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), theo dự tính của Bộ Tài chính, thuế tài sản sẽ mang lại cho Nhà nước một nguồn thu lên lớn tới hàng chục ngàn tỷ đồng nếu được triển khai. 

Đây là sắc thuế đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, nếu áp dụng tại Việt Nam, sắc thuế này nhiều nguy cơ sẽ dẫn đến thuế chồng thuế và gây áp lực đến hoàn cảnh sống thực tế còn nhiều khó khăn của người dân.

Ông Đính cho rằng, giá nhà của Việt Nam hiện cao ngang bằng khá nhiều nước trên thế giới tuy nhiên thu nhập của người dân lại thấp hơn các nước khác rất nhiều. Khi tiếp cận với các sản phẩm nhà ở, người dân chủ yếu sử dụng bằng các nguồn đi vay, do đó, nếu áp dụng thuế tài sản với mức thuế quá cao sẽ gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và sự phát triển của thị trường bất động sản.

Trao đổi với TheLEADER trước đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dầu khí toàn cầu (GP Invest) cũng cho rằng, kiến nghị đánh thuế với nhà ở trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính nếu được triển khai sẽ ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, nhất là những người có thu nhập thấp.

Nếu thu thuế, có thể sẽ thu được thêm tiền ngân sách, tuy nhiên những hệ quả đối với nền kinh tế sẽ rất lớn. Thị trường bất động sản tất yếu sẽ chịu những tác động tiêu cực do mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và cả những người mua nhà ở thực, ông Hiệp cho hay.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tính minh bạch trong việc tăng thuế và chi tiêu ngân sách của Nhà nước là vấn đề chính khiến người dân luôn có những phản ứng tiêu cực trước những quyết định tăng thuế của Bộ Tài chính.

Bà Lan cho rằng: "Nếu vì bí ngân sách mà tăng thuế thêm thì cũng phải làm rõ cho người dân biết được tiền thuế đó được sử dụng như thế nào, có như vậy, người dân mới có thể yên tâm đóng thuế".

Đồng thời, Nhà nước cũng cần giảm chi, giải giải trình rõ ràng, công khai, minh bạch việc chi Ngân sách, không thể cứ mãi đẩy gánh nặng thuế phí cho người dân, đây là vấn đề bất công rất lớn, vị chuyên gia này cho hay.

"Cần chấp nhận thu thuế để bù đắp thiếu hụt ngân sách"?

Đi ngược lại với nhiều ý kiến của các chuyên gia và dư luận bức xúc với đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng do Bộ Tài chính vừa đưa ra mới đây, chia sẻ trên facebook cá nhân, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển lại có những góc nhìn ngược lại.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, thuế tài sản là thuế suất quan trọng, cần thiết phải triển khai và phù hợp với xã hội hiện đại. Người có tài sản trên trung bình phải nộp thuế để đáp ứng hoạt động của Nhà nước, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội.

Tranh luận trái chiều về đánh thuế tài sản đối với nhà ở trên 700 triệu
TS. Đinh Thế Hiển

"Những người nói thuế tài sản “tận thu” chính là đang “đi ngược tiến trình phát triển” của xã hội, không tìm hiểu kỹ loại thuế này có ý nghĩa và vai trò như thế nào đối với sự phát triển của đất nước".

Ông Hiển cho rằng, nếu ngân sách đang thiếu vì những yếu kém từ trước đó thì cần phải chấp nhận tăng thu trong một giai đoạn nhất định để vượt qua khó khăn. Phần “tăng thu thêm” cần được thu từ những người có tài sản cao hơn mức trung bình, chứ không phải thu cào bằng qua các thuế phí thông thường. 

"Phần tăng thu thuế thêm của những người có thu nhập trung bình sẽ rất nhỏ nhưng đối với những người có nhà to, biệt thự biển lớn giá vài chục tỷ thì sẽ là nguồn thu đáng kể cho ngân sách", vị chuyên gia này cho hay.

Đối với nhiều quan điểm cho rằng ngân sách thiếu hụt như hiện nay là do sự chi tiêu lãng phí cùng bộ máy quản lý cồng kềnh của các cơ quan Nhà nước, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, phải tách bạch hai vấn đề: Thuế thu có hợp lý hay không và chi ngân sách từ tiền thuế có minh bạch không?

"Nếu nói rằng thu thuế tài sản, nhưng khi đưa vào ngân sách Nhà nước lại tiêu xài hoang phí nên người dân không nộp thuế là đúng, thì các thuế trước đó như phí môi trường, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng không nộp vì cùng bản chất? Nếu ngân sách sử dụng sai, người dân hãy phản đối về phần chi sai đó chứ không nên vì thế mà không nộp thuế tài sản. Trong khi đây vốn là sắc thuế thu trên những người có tài sản cao hơn mức trung bình", ông Hiển nhấn mạnh.

Nếu khoản thuế nào đó cần trì hoản nộp thì đó phải là khoản thuế phí thu trên đa số người dân có thu nhập trung bình và nghèo chứ không phải là thuế thu trên người có tài sản khá giả trở nên.

Theo ông Hiển, nhận định như vậy để thấy được rằng, nếu vì không yên tâm với việc chi ngân sách mà người dân không nộp “loại thuế thu của người giàu” thì khá ngụy biện. Và nếu vậy, trước hết phải hoãn thuế thu trên người lao động, thuế TNCN và thay vào bằng thuế tài sản.

Thật ra, “con gà và trái trứng” là điều không ai đúng, ai sai. Nhưng nếu thuế tài sản thu là hợp lý, chỉ lo phần chi không đúng; thì người dân hãy thực hiện nộp thuế và tập trung giám sát phần chi, như mọi người đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường, ông Hiển cho hay.

Trong khi đó, thuế TNCN đã triển khai nhiều năm, nhiều người đã nộp thuế; đa số thuộc nhóm ăn lương của công ty. Vây sao một tài sản tích lũy lớn hơn nhiều, đã và sẽ đem lại nguồn thu đều đặn cho người sở hữu lại không được trích một phần nhỏ để đóng thuế tài sản.

"Những người đang ở nhà thuê nhận lương trên 20 triệu đồng/tháng đều phải nộp thuế TNCN sẽ thấy công bằng hay bất công khi người có căn nhà trị giá hàng tỷ đồng đã trừ 700 triệu miễn giảm không bị nộp thuế", ông Hiển đặt câu hỏi?

Vị chuyên gia này cho rằng, việc đánh thuế tài sản đối với căn nhà từ 700 triệu đồng trở lên là tương đối hợp lý.

Thứ nhất, theo ông Hiển: "Về mức miễn trừ là nhà ở có giá trị 700 triệu đồng. Giá trị này đối với TP. HCM, địa phương có nhà đắt nhất, nếu đã “hợp lý’, thì các nơi khác sẽ không bàn cãi".

Thứ hai, người có nhà đến 1 tỷ đồng theo cách tính của Nhà nước, có thể tương đương 2 – 2,5 tỷ đồng so với thị trường là thuộc nhóm trung bình khá trở nên. 

Dẫn lại lời của Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề xuất “phải phát triển căn hộ dưới 1 tỷ mới phù hợp với đa số người lao động của thành phố, ông Hiển cho rằng, như vậy, những căn hộ có giá trên 1 tỷ đã thuộc nhóm trung bình trở lên, sẽ nghĩ sao nếu người có thu nhập trung bình đã thuộc đối tượng chịu thuế TNCN với thuế suất cao hơn nhiều người có căn nhà trị giá trên 1 tỷ theo giá Nhà nước và họ đã được miễn trừ phần 1 tỷ - 700 triệu đồng?

Còn đối với việc tại sao không nên thu thuế căn nhà thứ hai, mà lại thu căn nhà thứ nhất, ông Hiển cho rằng, nếu thu thuế căn nhà thứ hai sẽ bất công với người có 3, 4 căn nhà nhỏ cấp 4 nhưng lại quá tốt cho người có một căn nhà to đùng, ở ngay trung tâm, xây 5 – 6 tầng cho thuê dạng phòng ở. 

Mặt khác, trong dự thảo đánh thuế tài sản, Bộ Tài chính đã quy định miễn trừ theo giá trị dưới 700 triệu đồng là thuận lợi hơn cho người dân so với việc miễn trừ theo phần diện tích để ở, ông Hiển cho hay.