Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nền kinh tế 'cơ bản không tự do'

08:30, 06/02/2018

TheLEADERChỉ số tự do kinh tế của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, chỉ xếp thứ 35 trong số 43 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Báo cáo "Chỉ số tự do kinh tế 2018" được Quỹ Heritage ở Washington (Mỹ) công bố ngày 2/2 đánh giá chung rằng kinh tế thế giới phát triển ở mức độ tự do vừa phải và năm 2017 là năm thứ sáu liên tiếp chỉ số tự do kinh tế bình quân thế giới tiếp tục tăng.

Theo bảng xếp hạng, có 96 nền kinh tế đã tạo môi trường thể chế thuận lợi cho các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân. Dù vậy, vẫn còn 63 nền kinh tế được đánh giá là "cơ bản không tự do" (50 - 59,9 điểm) và 21 nền kinh tế thuộc hạng tự do kinh tế "bị áp chế" (dưới 50 điểm).

10 nền kinh tế thuộc top 10 lần lượt là Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, New Zealand, Thụy Sĩ, Úc, Ireland, Estonia, Anh, Canada và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). 

10 nền kinh tế đứng cuối bảng gồm CHDCND Triều Tiên, Venezuela, Cuba, Congo, Eritrea, Guinea Xích đạo, Zimbabwe, Bolivia, Algeria và Djibouti.

Theo bảng xếp hạng này, chỉ số tự do kinh tế năm 2018 của Việt Nam là 53,1 điểm, tăng thêm 0,7 điểm nhờ vào tình hình tài chính ổn định, tăng cường mục tiêu Chính phủ liêm chính và tính hiệu quả của bộ máy pháp luật đã bù lại cho những chỉ tiêu có điểm thấp hơn bao gồm tự do thương mại, quyền sở hữu trí tuệ và các chỉ số về tự do lao động.

Việt Nam xếp thứ 35 trong số 43 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và chỉ số của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới (61,1/100).

Theo đó, báo cáo nhận định, để tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay, Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, giảm quan liêu, gia tăng tính minh bạch trong khu vực kinh doanh và tài chính, giảm các khoản cho vay không hiệu quả của ngành ngân hàng, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và tăng cường sự công nhận quyền sở hữu tư nhân.

Việt Nam cũng cần tăng cường hiệu quả hoạt động thể chế, tinh giản bộ máy hành chính cồng kềnh và tăng cường hệ thống tư pháp. Những điều này sẽ giúp thúc đẩy tự do kinh tế ở Việt Nam.