Xuất khẩu gạo: 'Nghị định 109 không phải thay đổi nữa mà nên bỏ luôn đi'

Ngọc Trung - 08:10, 16/04/2018

TheLEADERPGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng Nghị định 109 không phải thay đổi nữa mà nên bỏ đi bởi tư duy xây nên nghị định này là tư duy bao cấp, tư duy phi thị trường.

Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh sản xuất lúa gạo với sự chi phối của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) gặp phải không ít ý kiến phản đối khi nghị định này được cho là tạo ra rào cản và sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Ban hành từ năm 2010 với ba năm vận động để thay đổi nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa có kết quả nào được tạo ra.

Trước tình hình đó, trong trao đổi với TheLEADER, PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng “không nên mất công vận động để thay đổi và sửa nữa mà rất đơn giản, hủy bỏ nó đi” bởi “chúng ta không thể giải quyết được những vấn đề bằng tư duy đã tạo ra chính những vấn đề đó”.

Xuất khẩu gạo: 'Không phải thay đổi gì Nghị định 109 mà nên bỏ luôn đi'
PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn

Theo ông Khải, tư duy tạo ra Nghị định 109 là tư duy phi thị trường và hiện tại, “chúng ta lại loay hoay sửa nó cũng bằng chính những tư duy ấy”. VFA xuất hiện trong bối cảnh doanh nghiệp quốc doanh gần như là duy nhất nhưng hiện nay, kinh tế tư nhân đang trở thành một động lực với việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp mạnh mẽ. Thành phần kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành động lực bởi sự năng động và bởi chính quyền lợi.

PGS.TS Vũ Trọng Khải đánh giá rằng dù có nhiều ưu thế, các doanh nghiệp lớn cũng tồn tại nhiều nhược điểm khi lực quán tính lớn sẽ rất khó thay đổi và cùng với đó, chuỗi quản trị dài dễ sinh ra quan liêu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ lại có những lợi thế khác khi có tính linh động, dễ luồn lách vào những thị trường ngách. Những thị trường này “tưởng nhỏ nhưng cộng lại rất lớn, có thể tạo công ăn việc làm cho cả một chuỗi bắt đầu từ xuất khẩu cho đến chế biến, bảo quản, sản xuất, làm logistc, cung cấp đầu vào”, ông Khải chia sẻ.

Không chỉ vướng phải rào cản từ Nghị định 109 mà việc xuất khẩu lúa gạo hiện còn gặp phải khó khăn trong vấn đề niềm tin. 

Chuyên gia Vũ Trọng Khải cho rằng: “Nông dân không tin nhà cung cấp vật tư, những người mua hàng không tin hàng của nông dân là hàng sạch. Nông dân không tin doanh nghiệp, doanh nghiệp không tin nông dân dẫn tới tình trạng bể kèo trong hợp đồng. Nếu bây giờ đưa tất cả vào trong cùng một hiệp hội thì họ sẽ hiểu nhau, gây dựng niềm tin sẽ tạo ra được chuỗi cung ứng. Dòng suối nhỏ chảy vào sông lớn rồi sẽ ra biển cả”.

Cũng chia sẻ với TheLEADER về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tấn Anh, người từng là chuyên gia của UNESCO, đánh giá Nghị định 109 là trái với quy luật khi “bắt một ông nông dân đi kí hợp đồng quốc tế và bắt một ông làm thương mại quốc tế xuống làm ruộng”.

Bên cạnh đó, Nghị định 109 cũng đặt bí mật kinh doanh của doanh nghiệp trong sự chi phối của cơ quan quản lý trong khi đây được xem là điều rất quan trọng trong mối quan hệ giữa khách hàng với khách hàng. 

“Vai trò của VFA theo Nghị định 109 trong nhận thông báo, nhận đăng kí xuất khẩu rõ ràng tạo ra vấn đề lộ thông tin của nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu bởi họ có những bí mật kinh doanh, điều kiện ràng buộc riêng”, ông Tấn Anh chia sẻ thêm.