10 dự án lớn tại Bắc Giang gặp khó

Nguyễn Cảnh - 18:52, 29/12/2021

TheLEADERNăng lực tài chính nhà đầu tư hạn chế, khó khăn huy động vốn vay, trở ngại trong giải phóng mặt bằng là những nguyên nhân cơ bản khiến hàng loạt dự án lớn tại Bắc Giang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, khó khăn kéo dài.

10 dự án lớn tại Bắc Giang gặp khó
Từ năm 2019 tới nay, giá trị khối lượng thực hiện dự án nhiệt điện An Khánh vẫn dậm chân tại chỗ ở mức 3.729 tỷ đồng (đạt 16,5% tổng vốn đầu tư) (ảnh minh họa)

Điển hình cho vấn đề năng lực của nhà đầu tư hạn chế là 2 dự án nhà máy nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang (nhiệt điện An Khánh) và cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hợp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF.

Từ năm 2019 tới nay, giá trị khối lượng thực hiện dự án nhiệt điện An Khánh vẫn dậm chân tại chỗ ở mức 3.729 tỷ đồng (đạt 16,5% tổng vốn đầu tư). Khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là việc huy động nguồn vốn vay, nguyên nhân chủ yếu do năng lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế.

Ngoài ra, dự án còn gặp vướng mắc về việc hoàn thuế giá trị gia tăng, dù nhà đầu tư đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu tháo gỡ.

Cơ quan chức năng xác định trách nhiệm để xảy ra chậm tiến độ huy động vốn, chậm thực hiện dự án (hầu như không triển khai từ năm 2019 tới nay) thuộc về nhà đầu tư. 

Tới đầu tháng 12/2021, nhà đầu tư được yêu cầu hoàn thiện thủ tục thuê đất đối với phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng (GPMB) trong tháng 1/2022; hoàn thành huy động nguồn vốn vay với ngân hàng thương mại trong quý I/2022 để triển khai xây dựng hạng mục nhà máy chính của dự án từ tháng 3/2022.

Tương tự, từ quý IV/2019 tới nay, dự án cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hợp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF mới được đầu tư khoảng 626,9 tỷ đồng/2.146 tỷ đồng (chiếm 29,2%).

Bên cạnh năng lực tài chính hạn chế, việc nhà đầu tư phải thực hiện điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết dự án (do tuyến đường nối cảng Mỹ An-QL31-QL1 có đoạn tuyến chạy qua khu vực thực hiện dự án) cũng góp phần ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, dự án chậm tiến độ khởi công hạng mục công trình còn lại 17 tháng. Dù đã được UBND tỉnh cho phép gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng (đến tháng 7/2022), tuy nhiên nhà đầu tư chưa tiếp tục triển khai thực hiện. Trách nhiệm để xảy ra việc chậm tiến độ thực hiện dự án thuộc về Công ty CP Thiên Lâm Đạt.

Theo kế hoạch, tỉnh yêu cầu Công ty CP Thiên Lâm Đạt hoàn tất thủ tục vay vốn trong tháng 01/2022; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chi tiết CCN Mỹ An và thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công hoàn thành trong tháng 1/2022. Khởi công xây dựng các hạng mục công trình còn lại của dự án trước ngày 30/1/2022.

Đáng chú ý, tình trạng GPMB khó khăn (dẫn tới chậm thi công triển khai) đang diễn ra ở hàng loạt dự án khác thời gian vừa qua.

Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Phú đã GPMB đạt khoảng 203ha/207ha. Tính đến nay, dự án đã thu hút được 22 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có 13 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 266,4 triệu USD và 9 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 2.908 tỷ đồng; đã có 6/22 dự án đi vào hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, phần diện tích còn lại chưa được GPMB mặc dù không chiếm nhiều diện tích nhưng xen kẹt làm ảnh hưởng đến khoảng 35ha diện tích đất công nghiệp nên nhà đầu tư chưa thể thi công. Đồng thời, việc quản lý đất đai trên địa bàn các xã trước đây còn buông lỏng nên khi thực hiện thu hồi đất khó xác định nguồn gốc để chi trả bồi thường, phát sinh tranh cấp, kiện cáo. Công tác GPMB chậm, được xác định thuộc trách nhiệm của UBND huyện Hiệp Hòa.

Dự án hạ tầng, kho bãi trung tâm logistics quốc tế TP. Bắc Giang hiện đã hoàn thành GPMB; được UBND tỉnh cho thuê đất với diện tích 64,5/66,8ha; đã thi công xong đắp đất san nền, thi công hệ thống hạ tầng giao thông đạt 69%. Tổng vốn đầu tư thực hiện của dự án đến nay mới đạt khoảng 419 tỷ đồng, bằng 10% tổng vốn đầu tư (bằng 69,85% tổng vốn đầu tư đã huy động là khoảng 600 tỷ đồng).

Nguyên nhân của tình trạng này là hiện Công ty CP BOT Hà Nội – Bắc Giang chưa phối hợp bàn giao mặt bằng để thi công đấu nối từ dự án với QL1.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ hoàn thiện thủ tục thuê đất đối với phần diện tích còn lại trong tháng 1/2022 và đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục giai đoạn 1 để hoàn thành đi vào hoạt động từ tháng 5/2022. Được biết, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án hơn 4,1 nghìn tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn (từ tháng 9/2016 đến tháng 1/2025) do Công ty TNHH Logistics Quốc tế TP. Bắc Giang thực hiện.

Dự án kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh chậm tiến độ hoàn thành thủ tục thuê đất 24 tháng, chậm tiến độ hoàn thành giai đoạn I của dự án 18 tháng, chậm hoàn thành khởi công xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn II của dự án 17 tháng.

Nguyên nhân là GPMB gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì khu đất dự án được quy hoạch là đất năng lượng, không phù hợp với mục tiêu của dự án. Đồng thời dự án cũng sẽ không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai, do đó ảnh hưởng tới công tác thu hồi đất để triển khai dự án.

Sở Kế hoạch và đầu tư nhận định, trách nhiệm chủ yếu thuộc UBND huyện Việt Yên do trong quá trình cập nhật quy hoạch sử dụng đất đã cập nhật không chính xác loại đất phù hợp với dự án đã được chấp thuận.

Tình trạng GPMB dạng ‘xôi đỗ’ cũng được ghi nhận tại dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang. Đến nay, giá trị thực hiện năm 2021 đạt 91,6 tỷ đồng, lũy kế đạt hơn 131 tỷ đồng (chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Cơ quan chức năng cho biết, GPMB một số hạng mục còn chậm và chưa có tiến triển rõ rệt đặc biệt là việc di rời các công trình xây dựng trái phép và xử lý phần diện tích đất ở trong phạm vi sân golf Lục Nam; trách nhiệm này, thuộc về UBND huyện Lục Nam.

Cùng tình trạng, dự án sân golf Việt Yên (tổng vốn thực hiện năm 2021 khoảng 121 tỷ đồng, lũy kế đến nay đạt khoảng 148 tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư đăng ký) đang gặp khó khăn trong GPMB đối với 30 hộ dân thuộc xã Trung Sơn có đất nông nghiệp chưa đồng ý nhận tiền. 

Ngoài ra, đến nay chưa tổ chức xong việc di chuyển được tượng đá, lư hương (công trình đàn tế trời của Thiền viện Trúc Lâm Ích Minh) mặc dù đã thống nhất được phương án xử lý với Thiền viện Trúc Lâm Ích Minh. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh yêu cầu nhà đầu tư khởi công xây các hạng mục chính của dự án trong quý I/2022.

Một trường hợp khác, là dự án khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử. Dự án (đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2019, lũy kế giá trị thực hiện đến nay đạt 1.139 tỷ đồng - chiếm 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký) ghi nhận GPMB và bàn giao mặt bằng còn xôi đỗ và rất chậm so với tiến độ.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, sẽ hoàn thành GPMB toàn bộ diện tích dự án trong quý I/2022; yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục thuê đất đối với phần diện tích đã hoàn thành GPMB xong trước tháng 1/2022 và hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án trong tháng 1/2022.

Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang là Công ty CP Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang (thành viên của Tập đoàn An Khánh) được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý giao đầu tư dự án (tên cũ là nhà máy nhiệt điện Lục Nam) từ tháng 6/2016.

Tập đoàn An Khánh (An Khanh Group) trụ sở tại phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên. Đây là tập đoàn kinh doanh đa ngành, giá trị cốt lõi là nhiệt điện, khoáng sản, bất động sản. Công ty CP nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, do ông Ngô Quốc Hội làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc.

Khoảng một năm sau khi dự án được giao đầu tư, tại trụ sở ngân hàng ICBC chi nhánh Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận đồng tài trợ vốn trị giá 860 triệu USD đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang giữa Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) và Công ty CP nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang.

Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang có tổng vốn đầu tư khoảng 22.546 tỷ đồng; công suất 650MW, diện tích đất thực hiện khoảng 89,7ha, dự kiến hoàn thành năm 2023. Tính tới hết quý I vừa qua, giá trị khối lượng thực hiện theo báo cáo của nhà đầu tư đạt khoảng 3.700 tỷ đồng (16,5% tổng vốn đầu tư) không tăng từ năm 2019 trở lại đây.