Những lựa chọn khác biệt ở PAN Group

Trần Anh - 08:00, 28/04/2024

TheLEADERBất chấp những ý tưởng đổi mới có thể không mang lại hiệu quả ngắn hạn, cần tới đòn bẩy tài chính và có thể đẩy chi phí lãi vay tăng lên, ban lãnh đạo PAN Group tin rằng tập đoàn đang đi đúng hướng và tận dụng cơ hội trong gian khó.

Những lựa chọn khác biệt ở PAN Group
Đại hội cổ đông của PAN Group diễn ra hôm 26/4 tại Hà Nội. Ảnh: PAN Group

Sau năm 2023 lãi kỷ lục, năm nay PAN Group đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất gần 14.800 tỷ đồng và lãi sau thuế 882 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 8% so với năm trước. Kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) vừa diễn ra hôm qua (26/4).

Tại ĐHCĐ, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc PAN Group cũng công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 ấn tượng. Doanh thu hợp nhất quý I đạt 3.462 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất sau thế tăng 58% lên 168 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, ban lãnh đạo PAN Group cho biết kế hoạch 2024 vẫn có sự thận trọng nhất định trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Lạm phát và lãi suất ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và đơn đặt hàng phục hồi chưa rõ nét. Trong khi đó, thị trường nội địa cũng mới bước vào giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19.

"Trong kịch bản tích cực hơn, chúng tôi kỳ vọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa sẽ có những bước hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024 và có thể mang tới tăng trưởng cao hơn dự kiến cho các mảng kinh doanh của PAN Group”, đại diện công ty chia sẻ.

Xét từng lĩnh vực kinh doanh, kế hoạch đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu lớn nhất đối với mảng thực phẩm, với kỳ vọng tăng 17%, dựa trên sự hồi phục của thị trường và tín hiệu tích cực từ các sản phẩm mới, ở thị trường xuất khẩu. Mảng thủy sản đặt kế hoạch tăng nhẹ 5% so với năm ngoái do thị trường vẫn chưa thật sự tích cực, giá bán vẫn ở mức thấp.

Khác biệt xuyên suốt

Tại ĐHCĐ, khi được cổ đông hỏi PAN Group có đang “ôm đồm” quá nhiều mảng kinh doanh, Chủ tịch HĐQT PAN Group, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết tập đoàn sẽ không bỏ mảng kinh doanh nào vì đây đều là các mục tiêu quan trọng ngay từ khi thành lập.

Sau nhiều năm M&A các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nông ngiệp, PAN Group hiện có 3 mảng nông nghiệp, thuỷ sản và thực phẩm đóng gói. Đây đều là định hướng quan trọng để biến nông nghiệp trở thành mũi nhọn vươn tầm thế giới.

“Tập đoàn hỗ trợ tất cả các mảng kinh doanh bên dưới và không giẫm chân nhau. Mặc dù quản lý nhiều doanh nghiệp khác nhau nhưng kết quả kinh doanh và dòng tiền đều rất tốt”, ông Hưng cho hay.

Trên thực tế, từ khi PAN Group bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp, đã có không ít lần cổ đông tỏ ra hoài nghi với các quyết định của tập đoàn. Ngay cả trong nội bộ, việc thuyết phục được ban lãnh đạo công ty thành viên vốn quen với cách làm cũ chuyển sang phương pháp mới cũng không hề dễ dàng.

Chẳng hạn, thời điểm Vinarice – một thành viên của Vinaseed đầu tư nhà máy chế biến gạo công nghệ cao trị giá 350 tỷ đồng, công suất chế biến bảo quản 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm, nhiều cổ đông tỏ ra hoài nghi vì chi phí quá đắt và tính cần thiết cũng là một câu hỏi lớn. Nếu xây dựng phải tính đến khấu hao, chi phí lãi vay cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp.

Đề xuất xây dựng nhà máy gạo Vinarice theo chuẩn ESG vẫn được phê duyệt. Nhờ đáp ứng những tiêu chuẩn cao của các thị trường châu Âu, Mỹ, gạo từ nhà máy được xuất sang các thị trường này với giá 1.100 USD/tấn, cao gấp đôi so với giá thông thường.

Bất chấp những ý tưởng đổi mới cần tới đòn bẩy tài chính và có thể đẩy chi phí lãi vay tăng lên, ông Nguyễn Duy Hưng tin tưởng PAN Group đang đi đúng hướng.

“Cách làm của chúng tôi khác biệt nhưng xuyên suốt. Ai không tin thì đợi sang năm kiểm chứng kết quả chúng tôi làm”, ông Hưng nói và cho biết thêm tập đoàn luôn chỉ định những bước đi rõ ràng, luôn tìm được con đường đi và tận dụng cơ hội trong gian khó.

Ở chiều ngược lại, liên quan đến kế hoạch M&A trong thời gian tới, ông Hưng cho biết hiện tại PAN Group chưa nhìn thấy cơ hội trong thương vụ nào.

Về kế hoạch cổ tức, với tình hình lợi nhuận khả quan của năm 2023, PAN Group dự định sẽ trả cổ tức 5% bằng tiền mặt và sẽ nỗ lực duy trì tối thiểu mức này trong các năm tiếp theo. Đây là năm đầu PAN Group trả cổ tức tiền mặt và mục tiêu của tập đoàn là sẽ duy trì chính sách cổ tức tiền mặt và tăng dần tỷ lệ qua từng năm.

Phát triển “thuận thiên”

Những khoản đầu tư "khác biệt" đó cũng là cơ sở để PAN Group có thể xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp bối cảnh mới.

Là tập đoàn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, PAN Group chịu khá nhiều ảnh hưởng từ các biến động khách quan như giá lương thực tăng và biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed, một thành viên của PAN Group, đây là nguy cơ lớn đối với toàn ngành nông nghiệp, tập đoàn sẽ lựa chọn các giải pháp “sống thuận thiên” để thích ứng với những biến đổi này.

Công ty đã chủ động và nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với bộ giống lúa tôm, PAN Group đang có những bộ giống chịu hạn, chịu mặn. Biến đổi khí hậu không chỉ nhìn là thách thức, công ty cũng nhìn đây là cơ hội để doanh nghiệp thích ứng và phát triển.

Trong năm 2024, PAN Group còn mở rộng kinh doanh bộ giải pháp phát triển bền vững và triển khai rộng rãi trong chuỗi sản xuất, cung ứng. Từ năm 2025, các bước chuẩn bị sẽ được hiện thực hóa. Đây là sự chuẩn bị của PAN trước những biến động không thể lường trước.

“Chiến lược của PAN Group còn được sự hậu thuẫn từ Chính phủ. Mới đây, Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được nguồn vốn 600 tỷ USD cho các doanh nghiệp trong chuỗi. Nắm bắt cơ hội này, tập đoàn đang có những bước chuẩn bị để khai thác các cơ hội này”, chủ tịch Vinaseed cho biết.

Một thành viên khác của tập đoàn PAN là công ty thực phẩm Sao Ta còn tận dụng tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, để nuôi tôm trái vụ, biến nguy thành cơ.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta chia sẻ dù kết quả không thực sự đạt kỳ vọng song cũng mang lại những tín hiệu tích cực. Công ty thu được 5.000 tấn tôm, mang lại khoảng 50 tỷ đồng. Điều ấy cho thấy công ty vẫn đang tìm kiếm những giải pháp thích nghi và tận dụng từ thuận thiên để đạt hiệu quả kinh doanh tốt.

Lãnh đạo Sao Ta cho biết sẽ tiếp tục tập trung phát triển bền vững và đang có những cơ hội rất lớn như tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm cao nhất và đã thành công ở Anh, đang tiến tới đạt được ở thị trường Mỹ và Hàn Quốc.

Ông Trương Công Cứ, Tổng giám đốc Công ty CP Khử trùng Việt Nam nhìn nhận, thực tế ngành nông nghiệp từ xưa đến nay luôn bấp bênh, khi được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa.

“Tuy nhiên, với những thay đổi lớn trong tư duy sản xuất, những năm gần đây nông nghiệp xứng đáng trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nông nghiệp sẽ tận dụng tốt nền tảng có sẵn", ông Cứ chia sẻ.