1.000 nhà vệ sinh cho em và tâm niệm phía sau của tập đoàn TH

Trần Anh - 13:41, 19/12/2022

TheLEADERĐóng góp 1.000 nhà vệ sinh chỉ là điểm khởi đầu trong kế hoạch của tập đoàn TH. Nhìn vào thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo có thể thấy, cả nước vẫn còn cần thêm hàng chục nghìn nhà vệ sinh nữa cần xây dựng. Tương tự đó là hàng trăm điểm trường, hàng nghìn bữa ăn, sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, sân chơi...cần được cung cấp. Đây là mục tiêu chỉ riêng nguồn lực tập đoàn TH không thể giải quyết được, mà cần tới sự tham gia, góp sức của doanh nghiệp và toàn xã hội.

Xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, điểm trường Phúc Long 3 của Trường Mầm non Thành Long nằm trên một quả đồi cách trường chính 5 cây số. Nằm trên địa bàn một huyện nghèo, điểm trường Phúc Long 3 trong tình cảnh vừa quá tải, vừa thiếu thốn cơ sở vật chất.

Cả điểm trường có tổng cộng gần 60 em trong độ tuổi mầm non, nhưng chỉ có 2 phòng học và 4 giáo viên. Trong đó, chỉ có 1 phòng học có nhà vệ sinh khép kín theo quy định mới của Bộ Giáo dục. Nhà vệ sinh còn lại nằm ở bên ngoài lớp, mua đông giá rét hoặc những ngày mưa không thể sử dụng.

“Những ngày như vậy, các cô chỉ có thể mang bô để các con đi vệ sinh ngay trong phòng học rồi đi đổ cho các con”, cô Hà Thị Ích, phó hiệu trưởng trường mâm non chia sẻ.

Cách đó không xa, trường tiểu học Thành Long (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Có gần 350 học sinh nhưng chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh với thiết kế nhiều bất tiện và đã xuống cấp do xây dựng từ lâu.

1.000 nhà vệ sinh cho em và tâm niệm phía sau của tập đoàn TH
Nhà vệ sinh của học sinh Trường Tiểu học Thành Long xuống cấp và chỉ có một lối lên xuống chung cho 350 học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, học sinh tiểu học chỉ có một tiết ra chơi giữa giờ nên các em đều có nhu cầu đi vệ sinh vào khoảng thời gian này. Trong khi đó nhà vệ sinh cũ xây dựng trên nền khá cao, vừa nhỏ vừa chật hẹp, lại chỉ có một lối lên xuống chung nên không đáp ứng được nhu cầu của học sinh.

“Theo quy định mới của Bộ Giáo dục, nhà trường được phép thu phí để duy trì công tác vệ sinh. Tuy nhiên, điểm trường chủ yếu là các em học sinh dân tộc Cao Lan, Tày… có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi không thể thu phí. Công tác vệ sinh tại đây do các thầy cô phân công nhau thực hiện. Nhà vệ sinh của các giáo viên thì được xây tạm bợ ngay bên cạnh, lợp tấm fibro ximăng. Các thầy cô phải trồng một bụi mây phía trước để che chắn, tạo sự kín đáo hơn. Vào mùa mưa gió, tấm lợp thường xuyên bị thổi bay”, cô Trang chia sẻ.

1.000 nhà vệ sinh cho em

Thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2021 cho thấy, cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, từ mầm non đến THPT, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố, 33% còn lại cần có hỗ trợ để nâng cấp, xây mới. Ở một số địa bàn còn nhiều khó khăn, nhà vệ sinh trường học đôi khi chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Học sinh có tâm lý e ngại thậm chí sợ đi vệ sinh vì bẩn hoặc thiếu kín đáo.

Lắng nghe những tâm tư đó, Lãnh đạo Chính phủ đã giao Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, với sự phối hợp cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án Itrithuc (Bộ KH&CN) khảo sát, hành động thông qua Chương trình "Điều ước cho em". Dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh trường học được đồng hành bởi Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt là một trong những hoạt động tiên phong hưởng ứng lời kêu gọi hành động để hiện thực hóa Chương trình Điều ước cho em ở lĩnh vực “Hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh”. Dự án có tổng trị giá 60 tỷ đồng, triển khai từ tháng 4/2021 sau lời kêu gọi của Chính phủ, với mục tiêu hỗ trợ sửa chữa, xây mới các nhà vệ sinh tiêu chuẩn ở các trường học thuộc khu vưc miền núi, vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn.

Ngày 17/12, Trung tâm tình nguyện Quốc gia (thuộc TƯ Đoàn) cùng tỉnh đoàn Tuyên Quang, chính quyền địa phương và 3 đơn vị đồng hành đã tổ chức Lễ khởi công 32 nhà vệ sinh cho em bao gồm 10 nhà vệ sinh ở Tuyên Quang, 20 nhà vệ sinh ở Lào Cai, 2 nhà vệ sinh ở Lai Châu. Trước đó, Quỹ vì tầm vóc Việt cùng Trung tâm tình nguyện quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trao tặng 93 nhà vệ sinh tại 5 tỉnh, thành trên cả nước.

1.000 nhà vệ sinh cho em và tâm niệm phía sau của tập đoàn TH 1
32 nhà vệ sinh trường học tiếp theo được khởi công ngày 17/12 bao gồm: 10 nhà vệ sinh ở Tuyên Quang, 20 nhà vệ sinh ở Lào Cai, 2 nhà vệ sinh ở Lai Châu. Trước đó, 93 nhà vệ sinh đã được xây dựng tại 5 tỉnh, thành trên cả nước

Để thực hiện hiệu quả, Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á - đơn vị tài trợ Dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh ủy quyền cho Quỹ Vì tầm vóc Việt điều phối việc giải ngân kinh phí triển khai dự án này thông qua Trung tâm Tình nguyện Quốc gia. Bên cạnh đó tổ chức đoàn thanh niên địa phương cũng sẽ đồng hành để cùng đóng góp ngày công xây dựng cho các dự án.

Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt do tập đoàn TH sáng lập chia sẻ, với tâm niệm thể lực và trí lực của thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước, bởi vậy nâng cao dinh dưỡng học đường, vệ sinh học đường nói riêng và sức khỏe học đường nói chung, là một trong các chương trình ưu tiên hàng đầu của Quỹ.

“Chúng tôi cũng hiểu rằng bên cạnh sự chăm lo của các thầy, cô giáo, thì cơ sở vật chất cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tôi mong rằng, công trình ngày hôm nay sẽ góp phần hỗ trợ các em chăm sóc bản thân tốt hơn và yên tâm học tập. Mong các em cũng sẽ gìn giữ công trình ý nghĩa này để công trình tiếp tục phục vụ cho các thế hệ tiếp theo”, bà Trang chia sẻ.

1.000 nhà vệ sinh cho em và tâm niệm phía sau của tập đoàn TH 2
Bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt chia sẻ: 'Các công trình nhà vệ sinh cho em sẽ đồng thời lan tỏa, thu hút sự tham gia của đông đảo các nguồn lực xã hội khác đầu tư đúng hướng cho trẻ em để có một môi trường học tập 'trường học thân thiện, học sinh khỏe mạnh.'

Lan tỏa tới cộng đồng

Với chương trình “Điều ước cho em”, 3 đơn vị đồng hành đã và đang triển khai hàng loạt nội dung như hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; Hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; Hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh.

Dự án 1.000 nhà vệ sinh cho em là hoạt động nằm trong chương trình này. Tuy nhiên, đóng góp 1.000 nhà vệ sinh chỉ là điểm khởi đầu trong kế hoạch của tập đoàn TH. Nhìn vào thống kê của Bộ Giáo dục có thể thấy, cả nước vẫn còn cần thêm hàng chục nghìn nhà vệ sinh nữa cần xây dựng. Tương tự đó là hàng trăm điểm trường, hàng nghìn bữa ăn, sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, sân chơi… cần được hỗ trợ.

Để hoàn thành mục tiêu này, không chỉ cần sự tham gia của một mình tập đoàn TH mà cần các doanh nghiệp khác cùng chung tay góp sức. Người đứng đầu Quỹ vì tầm vóc Việt kỳ vọng, nỗ lực của quỹ cùng tập đoàn TH, ngân hàng Bắc Á sẽ đồng thời lan tỏa, thu hút sự tham gia của đông đảo các nguồn lực xã hội khác đầu tư đúng hướng cho trẻ em để có một môi trường học tập “trường học thân thiện, học sinh khỏe mạnh”.

“Tôi biết rất nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng rất muốn tham gia đóng góp nguồn lực của mình vào các hoạt động xã hội hóa, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa nắm được cơ chế, kết hợp với Chính phủ, Bộ ban ngành làm sao để hoạt động thiết thực, hiệu quả nhất. Tập đoàn TH sẽ đóng vai trò tiên phong, mở ra con đường để các doanh nghiệp khác có thể cùng chung tay góp sức, lan tỏa khắp cộng đồng”, bà Trang chia sẻ.

1.000 nhà vệ sinh cho em và tâm niệm phía sau của tập đoàn TH 3

Đây cũng là định hướng của tập đoàn TH suốt những năm qua. Năm 2014, Tập đoàn TH phối hợp với Chính phủ khởi động Chương trình “Chung tay vì tầm vóc Việt”. Đây là hoạt động đầu tiên mang tầm quốc gia kêu gọi mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia vào Đề án Sữa học đường – một nội dung của Đề án 641 – Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030, phát triển mô hình Sữa học đường tại Nghệ An.

Mô hình sau này đã phát triển thành công vang dội, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác cùng tham gia góp sức. Điểm nhấn quan trọng đó là sữa tươi đưa vào trường học phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn, có nghiên cứu dinh dưỡng khoa học phù hợp với sự hấp thu của trẻ, góp phần giảm thiểu tình trạng đưa sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vào trường học.

Năm 2018, Tập đoàn TH tiếp tục tiên phong công bố Đề án Dinh dưỡng người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù, trong đó có trẻ em. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp công bố Đề án dinh dưỡng đồng hành thực hiện các chính sách về dinh dưỡng của Chính phủ. Hiện tại, TH đang đóng góp cho Chương trình Sức khỏe học đường (theo Quyết định 1660/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) với nhiều hoạt động hết sức thiết thực.

Một cách thầm lặng, bền bỉ, các hoạt động an sinh xã hội đã trở thành một trong những nhiệm vụ nhân văn mà TH tự nguyện thực hiện, kể từ ngày đầu thành lập đến nay, nhằm lan tỏa yêu thương, mang tới “hạnh phúc đích thực” cho mỗi hoàn cảnh khó khăn.

1.000 nhà vệ sinh cho em và tâm niệm phía sau của tập đoàn TH 4


Cùng chung tâm huyết với các hoạt động vì cộng đồng, trong suốt những năm qua, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á đã và đang đồng hành thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa nhằm lan tỏa hạnh phúc đích thực tới cộng đồng. Đó là hàng trăm ngàn bữa ăn cho trẻ em vùng cao, hàng ngàn suất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số; hàng trăm điểm trường, cây cầu và đường dân sinh cho các vùng khó khăn trên cả nước với kinh phí mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Thông qua Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, tập đoàn TH cũng đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, bảo trợ trực tiếp cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em được đến trường, học tập và trưởng thành. Có thể kể tới chương trình Sữa học đường; Dinh dưỡng học đường; Thể thao học đường… Hầu hết trong số này tập đoàn TH dóng vai trò nhà tài trợ chính với những cam kết mang tính lâu dài, bền vững.