4 đột phá phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu

Nguyễn Cảnh - 09:18, 06/03/2023

TheLEADERTheo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được xác định là trụ cột của vùng động lực, bệ đỡ ở vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ với nhiệm vụ khai thác hết tiềm năng, lợi thế, đóng góp nhiều hơn cho vùng, cho đất nước.

Nhiều nội dung quan trọng đã được ghi nhận tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra mới đây.

Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8/63 tỉnh, thành (năm 2020). Tuy nhiên, dư địa (vị trí địa lý, cửa ngõ quốc tế ra biển của cả Nam bộ, kết cấu hạ tầng, hệ thống cảng của tỉnh) chưa khai thác được đúng tiềm năng. 

Trong đó có vấn đề về kết cấu hạ tầng, giao thông kết nối còn kém; đường sắt chưa có, đường bộ quá tải; các ngành kinh tế hiện phụ thuộc phần lớn vào dầu khí, chưa có chuỗi giá trị, sản phẩm, ngành kinh tế mới. “Tiềm năng tốt nhưng khai thác chưa hết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển vùng động lực phía Nam, bao gồm Tp.HCM và các địa bàn cấp huyện dọc theo các trục quốc lộ (22, 13, 1, 51) qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; hạ tầng giao thông đang được chuẩn bị đầu tư, mở ra cơ hội, không gian mới, chuẩn bị đầu tư cao tốc, đường sắt. 

Do vậy, cần phải xác định vai trò, vị trí, sứ mệnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới, chắc chắn là trụ cột của vùng động lực, bệ đỡ ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Bí thư tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, quy hoạch là sự thiết kế của nền kinh tế, nếu không có bản quy hoạch tốt sẽ mất cơ hội, không khai thác được tiềm năng phát triển. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra mục tiêu phát triển là hướng đến một nền kinh tế xanh, hướng đến cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bền vững.

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 Quy hoạch xác định được các định hướng, tư duy đột phá để phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xứng đáng là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và của cả nước. Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, các điểm nhấn phát triển chủ yếu như: Hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; Hình thành Khu thương mại tự do và trung tâm logistics Cái Mép Hạ; Phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Phát triển các tổ hợp công nghiêp - đô thị - dịch vụ quy mô lớn tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hoá dầu, hạ nguồn hoá dầu, điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo…

Tiếp tục phát triển Côn Đảo hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo. Tạo lập môi trường sống an toàn, trong lành, có chất lượng cao; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, trung hoà cac-bon và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.

Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh tập trung thực hiện 4 đột phá phát triển.

Cụ thể gồm: Hoàn thành các tuyến giao thông kết nối vùng và liên vùng, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển để kết nối thuận lợi với quốc tế, bảo đảm cho Bà Rịa - Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia. Phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4 Tp.HCM, Cầu Phước An, Cảng hàng không Côn Đảo; thúc đẩy các thủ tục, triển khai đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

Hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng: Hoàn thành hệ thống đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu; hệ thống Metro kết nối các trung tâm đô thị (Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải), hệ thống MonoRail kết nối các đô thị du lịch ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu; sân bay chuyên dùng Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu) và sân bay chuyên dùng Đất Đỏ...