5 trụ cột thu hút đầu tư của Bạc Liêu

Nguyễn Cảnh - 10:52, 11/02/2022

TheLEADERChương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính là nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và thương mại dịch vụ, y tế chất lượng cao.

5 trụ cột thu hút đầu tư của Bạc Liêu
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, Bạc Liêu chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu. (ảnh minh họa)

Cụ thể, trong năm 2022, tỉnh Bạc Liêu định hướng thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột, gồm: Phát triển nông nghiệp (trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo); phát triển công nghiệp (trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí); du lịch; phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu trong mời gọi các dự án đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

Tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.

Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Bạc Liêu tập trung vào các nội dung: Nghiên cứu đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho xúc tiến đầu tư; Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư...

Để thực hiện tốt hoạt động thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh Bạc Liêu thực hiện dự án trên địa bàn, chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Bạc Liêu đã xác định giải pháp trọng tâm như: Tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.

Tập trung đẩy mạnh lập và bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm và quy hoạch xây dựng; phát triển nguồn nhân lực; thực hiện chính sách, cơ chế thích hợp để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh...

Bạc Liệu rất giàu tiềm năng trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời dựa trên các lợi thế chủ yếu: bờ biển dài hơn 56 km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, bình quân gần 7 m/s, thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.900 giờ/năm và địa hình tương đối bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần...

Có thể nói Bạc Liêu là tỉnh đi đầu của vùng ĐBSCL về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nói không với nhiệt điện gây ảnh hưởng môi trường sinh thái. Theo Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030, tổng công suất tiềm năng về điện gió của tỉnh lên đến 3.500 MW.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có nhà máy điện gió Bạc Liêu (quy mô công suất 99,2 MW, gồm 62 trụ turbine, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, đã phát điện lên lưới quốc gia gần 800 triệu kWh và đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 (công suất 142MW); các nhà máy điện gió Đông Hải 1, Đông Hải 2 và Hòa Bình 1 (công suất 50MW/Nhà máy); đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; Kosy Bạc Liêu 1,2,3 cùng với 17 dự án điện gió khác, với tổng công suất gần 3.000 MW đang trình bổ sung quy hoạch.

Bạc Liêu đã đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu.

Đặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Hiện nay dự án còn một số vướng mắc về thủ tục như: nhóm vấn đề về chuyển giá khí LNG sang giá bán điện, bao tiêu sản lượng điện, bảo đảm đường dây truyền tải, đấu nối; nhóm vấn đề về chuyển đổi ngoại tệ, bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho EVN và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng PPA...

Tỉnh cho biết sẽ tích cực phối hợp với nhà đầu tư làm việc với các bộ, ngành trung ương để sớm trình Thủ tướng xử lý các vấn đề còn vướng mắc, cố gắng hoàn tất thủ tục để khởi công trong quý II/2022 và hoàn thành giai đoạn 1 của dự án (800MW) trong năm 2024.