8 giải pháp đột phá giải quyết tình trạng "được mùa mất giá" trong nông nghiệp

Minh Anh - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERBộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.

8 giải pháp đột phá giải quyết tình trạng "được mùa mất giá" trong nông nghiệp
Sáng 13/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn (ảnh Báo Chinhphu.vn)

Trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 13/6 về tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là vấn đề chung, sức sản xuất tiềm năng hiện nay của chúng ta rất lớn, nhưng khâu chế biến và tổ chức thị trường còn yếu. Cần tổ chức lại từng ngành hàng, đây là vấn đề cần thời gian dài để đầu tư phát triển, cũng như chấn chỉnh những bất cập...

Về câu chuyện "giải cứu thịt lợn", theo Bộ trưởng, có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, thời gian qua, sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh (cả về thịt, sữa, cá, trứng) dẫn tới sức cung vượt quá nhu cầu. Thứ hai, tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Mặt khác về tổ chức thị trường mới chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ lợn sữa, lợn thịt chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc...

"Tóm lại chúng ta mới chỉ làm được 1 phân khúc, còn 2 phân khúc khác chúng ta rất kém, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực này và đưa ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Về phát triển giống chất lượng cao, theo Bộ trưởng, thời gian qua nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trong đó có thành tựu về giống. Tuy nhiên, giống cây ăn quả hiện nay còn kém, giống rau là yếu,... chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Xác định thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới là xuất khẩu rau quả, thủy sản,... theo đó, thời gian tới các giống bản địa của Việt Nam (cây, con, dược liệu), giống tôm, giống rau, quả... cần được tập trung trong thời gian tới.

Về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ để phát triển 10 ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; đồng thời phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển các loại cây con đặc sản bản địa (Xoài Đồng Tháp, Vải Thanh Hà, Lợn Móng Cái...) phù hợp với đặc thù vùng miền để phục vụ du lịch (xuất khẩu tại chỗ),...

Bên cạnh đó, theo báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân và về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện chủ trương này.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 26/NQ-TW của Trung ương 7, Khóa X và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình và các khâu chế biến, phân phối với cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm địa phương; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành.

Thứ sáu, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường.

Thứ bảy, tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ trung ương đến địa phương.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, để tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế, cần triển khai đồng bộ cả 8 giải pháp trên, trong đó trọng tâm là phải (1) hoàn thiện cơ chế chính sách, (2) tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng KHCN và (3) đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (đổi mới mô hình tăng trưởng) để tạo “đột phá” trong cơ cấu lại nông nghiệp.