Ai sở hữu những tác phẩm do AI tạo ra?

Hường Hoàng - 11:20, 30/09/2022

TheLEADERNếu lướt mạng xã hội trong vài tháng qua, rất có thể bạn đã thấy rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn bản hay meme… không phải được tạo ra bởi con người mà bởi AI (trí tuệ nhân tạo). Vậy theo luật, ai thật sự là chủ sở hữu của những tác phẩm này?

Khi những AI như Midjourney làm mưa làm gió trên không gian mạng, giới làm luật cũng đã dấy lên nhiều câu hỏi liên quan đến tính pháp lý của những tác phẩm được tạo ra bởi AI.

Không ai cả!

Mặc dù, theo luật sư Ryan Meyer (Luật sư tư vấn tại công ty luật Mỹ Dorsey & Whitney LLP), đây không phải là một vấn đề đơn giản và luật pháp vẫn chưa bắt kịp với những tiến bộ trong công nghệ AI, câu trả lời ở đây lại là ... không ai cả.

Luật sư Ryan là luật sư trong nhiều lĩnh vực sở hữu trí tuệ, như sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu và bí mật thương mại. Ông cũng có kinh nghiệm làm việc trong các vấn đề liên quan đến phần mềm, thiết bị cơ khí và điện tử, công nghệ mạng, công nghệ viễn thông và các lĩnh vực khác. Trả lời phỏng vấn tờ Little Black Book, Ryan đã có những nhận định về các tác động pháp lý nảy sinh từ những tác phẩm này.

Sự phức tạp trong tác phẩm nghệ thuật của con người và của AI đã làm cho những tác phẩm của AI càng trở nên thêm ấn tượng và nổi bật. Tác phẩm 'Theatre D'opera Spatial' của Jason Allen do AI Midjourney vẽ là một tác phẩm như thế.

Ai sở hữu những tác phẩm do AI tạo ra?
Bức tranh mang tên Theatre D’opera Spatial của Jason Allen vẽ bởi AI Midjourney

Luật sư Ryan nói: "Điều tuyệt vời nhất đối với tôi đó là tôi không thể nào phân biệt được sự khác nhau giữa tác phẩm nghệ thuật do AI và tác phẩm do con người tạo ra. " Điều này đã cho thấy công nghệ đã phát triển nhanh như thế nào. Hãy tự mình thử sử dụng những AI đầu tiên của công ty OpenAI như DALL-E cho đến phiên bản mới nhất DALL-E 2 hoặc thậm chí là Midjourney và so sánh những tác phẩm của chúng với nhau.

OpenAI đã phát triển mô hình GPT (mô hình tạo văn bản AI được viết bởi Alec Radford sau đó được phát triển tại OpenAI), để tạo ra phần mềm DALL-E vào năm 2018. Và chỉ bốn năm sau, AI này đã có khả năng tạo ra những hình ảnh theo vô số kiểu, vô số bố cục và thiết kế ra những tác phẩm mới lạ mà không cần được hướng dẫn rõ ràng.

AI này thậm chí được chứng minh là có khả năng vượt qua được bài kiểm tra Ma trận tiến bộ của Raven (một bài kiểm tra được sử dụng để đo trí thông minh của con người), cho thấy rằng DALL-E có cả những kiến ​​thức về địa lý và thời gian (hiểu biết về các địa điểm, và cách những địa điểm này thay đổi theo thời gian).

Nhưng khi bạn tạo ra một tác phẩm bằng AI, tại sao bạn lại không thể tuyên bố đó là tác phẩm của riêng mình, hay sử dụng nó cho mục đích thương mại hoặc ngăn cản người khác sử dụng nó? Ngoài việc điều này sẽ đe dọa đến sự tồn tại của khái niệm nghệ sĩ và khái niệm sáng tạo, luật sư Ryan cho rằng, những tác phẩm do AI tạo ra sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý mới.

“Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ đã từ chối cấp đăng ký bản quyền cho những tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra vì theo luật bản quyền hiện hành, chỉ tác giả là con người mới được bảo hộ bản quyền. Điều đó có nghĩa là, theo các quy tắc hiện hành, tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra không có chủ sở hữu”.

Những hệ quả pháp lí khó lường 

Tuy nhiên, theo luật hiện hành của Hoa Kỳ, bản thân chủ sở hữu công nghệ AI có thể chính là những người có nguy cơ bị kiện vi phạm bản quyền. Luật sư Ryan cho biết thêm: “AI không thể tạo ra nghệ thuật từ hư vô; mà thay vào đó, nó thường bắt chước, thậm chí sao chép và tái sử dụng những tác phẩm nghệ thuật của người khác để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới. Tác phẩm nghệ thuật mới đó có thể là một sản phẩm phái sinh trái phép, và đó là một hành vi vi phạm. Thêm vào đó, nếu AI lưu trữ bản sao của tác phẩm nghệ thuật đó, thì đó cũng là một hành vi vi phạm bản quyền.

Một vấn đề khác đó là dù tác phẩm nghệ thuật thuộc phạm vi điều chỉnh của luật bản quyền, nhưng công nghệ máy tính dùng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đó có thể được bảo hộ theo luật bằng sáng chế. Chúng ta có thể thấy rằng, luật bằng sáng chế bắt đầu được sử dụng theo những cách mới để bảo vệ AI và những phương pháp chúng sử dụng để tạo các tác phẩm nghệ thuật".

Mặc dù luật sở hữu trí tuệ ở các quốc gia có những điểm khác nhau, nhưng ông Ryan giải thích rằng, hầu hết các quốc gia đều là thành viên của 'Công ước Berne về Bảo hộ các Tác phẩm Văn học và Nghệ thuật'. Đây là công ước quy định về việc bảo vệ bản quyền thống nhất trên phạm vi toàn cầu.

Mặc dù một số quốc gia thành viên (như Hoa Kỳ) yêu cầu tác giả phải đăng ký bản quyền tác phẩm mới có thể thực thi quyền tác giả, thì ở hầu hết những quốc gia đã ký công ước, tác phẩm nghệ thuật sẽ được bảo vệ bản quyền tự động ngay khi tác giả tạo ra nó.

Tuy nhiên, luật sư Ryan nhấn mạnh rằng, ở Hoa Kỳ, “luật bản quyền không bảo vệ tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra, vì vậy cả người tạo tác phẩm và công ty AI đều không có bất kỳ quyền nào đối với hình ảnh đó”.

Mã nguồn của AI và công nghệ mà nó vận hành được bảo hộ bởi bản quyền, bằng sáng chế và bí mật thương mại, tuy nhiên những tiền lệ pháp lý được soạn thảo về nghệ thuật do AI tạo ra vẫn đang còn rất ít. Vì vậy, mặc dù luật bản quyền hiện đang yêu cầu tác giả của một tác phẩm nghệ thuật phải là con người, ông Ryan cho rằng, việc “bỏ mặc những tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra” như hiện tại chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định. Trong tương lai, những luật mới và quyết định của tòa án mới là căn cứ trực tiếp giúp chúng ta giải quyết vấn đề này.

Ai sở hữu những tác phẩm do AI tạo ra? 1
Ảnh được tạo bởi AI DALL-E

Cụ thể ở Mỹ, muốn thay đổi luật bản quyền, Thượng viện và Hạ viện phải thông qua dự luật, sau đó Tổng thống sẽ ký kết và đưa nó thành luật. Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào sự quan tâm của cả hai viện trong quốc hội, cũng như những rào cản thủ tục có thể xảy ra (ví dụ, tổng thống phủ quyết dự luật). Và do đó, quá trình này có thể kéo dài trong vài tuần hoặc nhiều năm. Ông Ryan cho biết: “Đối với một vấn đề phức tạp, có khả năng gây tranh cãi như thế này, chúng ta có thể phải đợi vài năm để luật pháp bắt kịp với công nghệ.

Ông cũng nói thêm, “Tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra đã đem đến nhiều hệ quả khó lường, và sẽ còn khó lường hơn nữa khi luật pháp phải phát triển để đuổi kịp nó. Những tiến bộ mới trong công nghệ thường đem đến những vấn đề pháp lý cực kỳ phức tạp và thậm chí có thể là những điều mà chúng ta không mong muốn.

Điều này có thể khiến cho việc tư vấn khách hàng về luật trở nên khó khăn hơn và đòi hỏi luật sư phải suy nghĩ một cách sáng tạo và có chiến lược hơn. Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề thú vị nhất, và chúng mang đến những cơ hội tuyệt vời để giúp khách hàng của chúng tôi nắm bắt những cơ hội mới”.

Trong tương lai, tác phẩm của AI liệu có chủ nhân?

Đối với những công ty mới và mạo hiểm trong và ngoài ngành quảng cáo đang bắt đầu nhảy vào cuộc đua AI, các nhà sáng tạo và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải xem xét các nguy cơ tiềm ẩn trước khi khám phá lĩnh vực đang phát triển chóng mặt này.

Luật sư Ryan giải thích: “Nếu ai đó sử dụng AI để tạo logo, những điều khoản sử dụng của một loại AI có thể khiến họ không thể sử dụng những logo do AI đó tạo ra. Thêm vào đó, những ai muốn sử dụng AI để thiết kế nhãn hiệu cũng nên xem lại các điều khoản sử dụng và tất cả những nghĩa vụ hợp đồng khác ngay từ thời điểm ban đầu”.

Ông cũng cho biết, việc AI thu thập thông tin để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật cũng là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là những phần mềm máy học chuyên sử dụng cơ sở dữ liệu hình ảnh của những nghệ sĩ khác. “Để có được một nhãn hiệu (thương mại) mạnh, ngoài việc doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu đó lần đầu trong thương mại, cần đảm bảo rằng nhãn hiệu đó phải có tính khác biệt.

Nếu một người sử dụng AI để tạo nhãn hiệu và nhãn hiệu đó chứa những yếu tố trong tác phẩm của nghệ sĩ khác, thì người đó có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về vi phạm bản quyền hoặc nhãn hiệu. Nhãn hiệu đó có thể là bản sao chép trái phép, sử dụng một phần của tác phẩm có bản quyền hoặc giống với nhãn hiệu của doanh nghiệp khác đến mức có thể gây ra nhầm lẫn".

Ông Ryan cũng cho biết thêm rằng, việc sử dụng những tác phẩm này để quảng cáo có thể gây ra những rủi ro tương đối lớn đối với doanh nghiệp, vì với hoạt động quảng cáo, doanh nghiệp sẽ cố gắng để khiến tác phẩm hay sản phẩm nghệ thuật tiếp cận được nhiều người nhất có thể.

Nếu một sản phẩm nghệ thuật dùng trong quảng cáo là tác phẩm sao chép hoặc là sản phẩm phái sinh của tác phẩm nghệ thuật của người khác, và tác phẩm đó được công chúng đón nhận nhiều hơn, chủ sở hữu ban đầu của tác phẩm nghệ thuật đó sẽ dễ dàng nhận thấy và đệ đơn kiện về hành vi vi phạm bản quyền. Khi độ phổ biến của tác phẩm cao hơn, thiệt hại sẽ trở nên lớn hơn.

Có lẽ trong vài năm nữa, những người chuyên sáng tác tranh nhờ AI có thể sẽ sở hữu được một tác phẩm nghệ thuật của riêng mình bởi vì theo ông Ryan, luật pháp vẫn đang cố gắng bắt kịp công nghệ, và một ngày nào đó luật mới hoặc bản sửa đổi của luật sở hữu trí tuệ có thể sẽ bảo vệ những nghệ sĩ liên quan đến AI.

Nhưng hiện tại, người dùng AI cần phải cảnh giác khi sử dụng những tác phẩm nghệ thuật tạo ra nhờ AI, đặc biệt nếu tác phẩm đó là tác phẩm phái sinh của những tác phẩm hiện có; hoặc nếu muốn sử dụng những tác phẩm này trước rất nhiều công chúng. Không chỉ vậy, những thiên tài sáng tạo ra công nghệ AI cũng cần phải đảm bảo rằng họ đang tuân thủ luật bản quyền một cách nghiêm ngặt để tránh xâm phạm những tác phẩm của những nghệ sĩ đương thời.

Theo Ryan, những điểm chưa rõ ràng về mặt pháp lý trong bối cảnh công nghệ đang phát triển sẽ khiến các thương hiệu và những nhà quảng cáo khó mà tưởng tượng ra những hậu quả pháp lý trong việc sử dụng tranh được tạo nhờ AI. Nhưng, ít nhất ở Mỹ, có vẻ như một tiền lệ đã bắt đầu được đặt ra: hoạt động cấp văn bằng bảo hộ bản quyền chỉ được thực hiện đối với những tác giả là con người.

Chưa biết điều luật này sẽ tồn tại trong bao lâu, nhưng hiện tại, các nghệ sĩ có thể yên tâm hơn khi biết rằng sự sáng tạo của con người chắc chắn rằng sẽ được bảo vệ, và luôn có chỗ đứng trong xã hội.