Ba bài học từ Đài Loan

Nguyễn Văn Mỹ * - 20:40, 18/02/2020

TheLEADERVới Việt Nam, Đài Loan rất gần gũi và nghĩa tình. Không chỉ nằm trong top đầu đầu tư vào Việt Nam, tiếng Việt là ngoại ngữ được dạy trong các trường phổ thông. Đài truyền hình Đài Loan có chương trình phát sóng bằng tiếng Việt.

Cha ông mình từng dạy “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Có người còn khẳng định “Cuộc sống là những chuyến đi. Còn đi là còn sống, còn sống là còn đi”. Đi để trải nghiệm, học hỏi, làm giàu thêm vốn sống, kể cả những thất bại của thiên hạ. 

Du lịch đã trở thành hoạt động thường xuyên của con người. Chuyến nào cũng phải qua đêm, thường thì 4 – 7 ngày, có khi sàng khôn học được cả gánh.

Ba bài học từ Đài Loan
Bãi xe đạp công cộng để người dân trung chuyển ra trạm xe công cộng và ngược lại. Ảnh Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Với Việt Nam, Đài Loan rất gần gũi và nghĩa tình. Không chỉ nằm trong top đầu đầu tư vào Việt Nam, tiếng Việt là ngoại ngữ được dạy trong các trường phổ thông. Đài truyền hình Đài Loan có chương trình phát sóng bằng tiếng Việt. Nếu người Hoa ở đại lục có phần xấu xí, người Hoa ở Hồng Kông và Singapore hơi sang chảnh, người Đài Loan khác hẳn. Họ tiếp thu tính kỷ luật và tự trọng của người Nhật, kế thừa tính khoa học và thực tiễn của người Mỹ, kết hợp với truyền thống dân tộc. 

Là thị trường du lịch trọng điểm của khách Việt, Đài Loan tạo ấn tượng mạnh bởi nhiều sự khác biệt lý thú.

Lần đầu đến Đài Loan, nhiều người phát hiện ra, xe gắn máy ở xứ sở này chạy đầy đường, chỉ thua Việt Nam. Lượng xe hơi có phần khiêm tốn so với danh xưng là một trong bốn con rồng của châu Á. Buổi tối, xe gắn máy và cả ô tô đậu lền khên ngoài đường. 

Khác với chủ trương cứ hăm he cấm xe gắn máy của Việt Nam, dù đường sá dậm chân tại chỗ. Đài Loan ngược lại, không có những cao tốc hoành tráng hay đường nhiều tầng, giao thông ở đây chừng mực, lịch lãm. Tàu cao tốc xuyên Đài chạy như xe buýt. Các phương tiện giao thông công cộng chỉ đáp ứng hơn 60% nhu cầu đi lại.

Ba bài học từ Đài Loan 1
Bãi xe gắn máy đêm ở Đài Bắc. Ảnh Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Gần 40% còn lại, Đài Loan ưu tiên cho xe gắn máy. Lý do thật đơn giản là khi giao thông hay dừng đậu, xe gắn máy chiếm diện tích ít hơn, dùng xăng ít hơn và đương nhiên xả khí thải ít hơn. Bài toán vỡ lòng về hiệu quả kinh tế lẫn môi trường. Nhiều lòng đường được dùng một phần làm bãi đậu xe vào buổi tối. Không ai trông chừng nhưng có thu phí. Xe cứ xếp hàng trong vạch kẻ, khỏi đem vào, chật và dơ nhà. Sáng ra là giải tán.

Xét theo tỉ lệ dân số và diện tích, Đài Loan chấp cả thế giới về số lượng lẫn chất lượng chợ đêm. Phải đến mấy trăm chợ. Chợ ngày đã có các siêu thị và những cửa hàng tiện lợi đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Chợ đêm, không chỉ là chợ theo nghĩa mua bán thông thường mà còn là không gian văn hóa sống động mang đậm tính cách Đài. 

Ba bài học từ Đài Loan 2
Chợ đêm ở Đài Loan. Ảnh ST.

Như một công viên, mọi người ra chợ đêm sau một ngày làm việc để dạo chơi, xả stress, gặp gỡ bạn bè, ăn uống và mua sắm lặt vặt như một thói quen và nhu cầu tất yếu. Ban ngày, cả người bán lẫn người mua đều có những công việc khác. Phố xá vẫn khang trang tĩnh lặng. Chiều xuống là lột xác và lộng lẫy đêm về.

Ba bài học từ Đài Loan 3
Chợ đêm ở Đài Loan. Ảnh: ST

Hàng hóa ở chợ đêm cực kỳ phong phú. Nhiều nhất là thực phẩm với hải sản, tươi, ngon, giá hợp lý. Sau đó là đủ loại nước uống, phổ biến nhất là kính thưa đại gia đình trà sữa. 

Nông nghiệp hữu cơ Đài Loan cũng gây ấn tượng với những trái dưa hấu cả chục ký, trái khổ qua lớn như quả đu đủ, trái na (mảng cầu ta) nặng cả ký... Thứ gì cũng to và chất lượng. 

Chợ nào cũng lớn và tấp nập, cả người dân địa phương lẫn du khách, nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, không có nạn người bán khó chịu, đốt phong long. Đi chợ đêm là sinh hoạt không thể thiếu, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Đài.

Không ít người ngạc nhiên vì vỉa hè Đài Loan không giống nhiều nước châu Á, thường bị lấn chiếm để bán hàng rong hoặc giữ xe. Vỉa hè Đài Loan hoặc có mái che hoặc thoáng rộng. Để có được vỉa hè văn minh, lịch sự như ngày nay, Đài Loan đã chuẩn bị và quy hoạch trước mấy chục năm. 

Ở những khu phố trung tâm, nhà nước cho phép nhà xây sát mép đường. Tầng trệt dành 4 – 6 mét để trống làm lề. Tuyệt đối không được lấn chiếm. Chủ nhân có thêm diện tích mấy tầng lầu. Người đi độ có được lề đường có mái che, không sợ mưa nắng, Cả chủ nhà, cộng đồng và nhà nước đều được lợi.

Ba bài học từ Đài Loan 4
Cô bé đẹp như thiên thần nhặt những mẫu rác bé tẹo ở chợ đêm Đài Bắc. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Những lề đường lộ thiên thi thoảng được tận dụng làm chỗ để xe ban ngày, có khi một phần lòng đường nhưng được quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo không gây cản trở giao thông hoặc khó khăn cho người đi bộ. 

Giao thông an toàn, tiện lợi nên trẻ con Đài Loan, từ mẫu giáo, có thể tự đi học mà không cần cha mẹ đưa đón. Các bãi xe đạp công cộng có mặt khắp nơi, giúp người dân thoải mái trung chuyển ra trạm xe công cộng và ngược lại.

Ba bài học từ Đài Loan 5
Chợ đêm ở Đài Loan. Ảnh ST.

Ba bài học này có thể vận dụng sáng tạo vào thực tế Việt Nam bởi có nhiều nét tương đồng. Học thầy, không tày học bạn. Mong sao những chuyện thú vị này sớm trở thành hiện thực tại Việt Nam, góp phần cho du lịch cất cánh và đất nước tăng tốc phát triển.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours.