Ba 'chữ T' giúp doanh nghiệp thực hành ESG

Sơn Phạm - 08:06, 23/05/2024

TheLEADERTuân thủ, thông tin và tài chính là ba yếu tố cần thiết để tích hợp các tiêu chí phát triển bền vững theo chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào hoạt động của doanh nghiệp.

Ba 'chữ T' giúp doanh nghiệp thực hành ESG
Chính sách bền vững của các thị trường lớn tác động trực tiếp lên nhóm doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh

Trải qua thời kỳ nhiều biến động, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thể hiện sức chống chịu, khả năng quản trị rủi ro tương đối tốt, còn doanh nghiệp nội thường chịu tác động nặng nề hơn và phục hồi chậm.

Theo TS. Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, điều này xuất phát từ chính năng lực chuyển đổi phát triển bền vững, tích hợp ESG vào hoạt động của doanh nghiệp.

Vì vậy, theo ông Minh, việc chuyển đổi xanh không còn là câu chuyện khuyến khích mà đang trở thành điều bắt buộc, mang tính quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khó lường.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), ESG là bài toán bắt buộc trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng nâng cao các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất.

Điều đó thể hiện trong những chính sách như chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới hay đạo luật chống suy thoái rừng của châu Âu. Sắp tới, nhiều chính sách liên quan đến khí thải, chất thải nhựa, chống phá rừng sẽ tiếp tục được ban hành tại những thị trường lớn.

Tuy nhiên, sự sẵn sàng phát triển bền vững của doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Theo khảo sát của Ban IV vào tháng 12 vừa qua, 64% doanh nghiệp dù đã nhận thức được nhưng chưa có sự chuẩn bị gì để bền vững hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Ông Minh nhận định, để doanh nghiệp thực hiện một cách có hiệu quả bước chuyển đổi bền vững, cần quan tâm đến ba “chữ T”. Trong đó, đầu tiên là tâm thế của người chủ doanh nghiệp, phải sẵn sàng trước những yêu cầu đang dần trở thành bắt buộc.

Thứ hai là thông tin, làm sao doanh nghiệp phải nắm bắt được những thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát triển bền vững, chẳng hạn như thể chế, pháp lý ràng buộc.

Thứ ba là tài chính, bởi chuyển đổi sang phát triển bền vững có thể yêu cầu chi phí cao, đòi hỏi doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn tài chính dồi dào.

Để giải quyết bài toán tài chính, giải pháp tín dụng xanh là rất cần thiết đối với doanh nghiệp. Tại Tọa đàm Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững, ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc chiến lược Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết, các khoản tín dụng xanh được đơn vị này coi không khác gì như các khoản tín dụng thông thường.

Cụ thể, OCB tiếp cận dựa trên ứng xử từ phía doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phát triển bền vững thì phải xem xét doanh nghiệp đã có chuẩn bị gì, sản phẩm có giải quyết được vấn đề nào của xã hội, các yếu tố quản trị rủi ro được tiến hành ra sao.

Cùng với đó, hiệu quả của dự án cũng là yếu tố cần được xem xét, bởi một dự án bền vững phải tạo ra hiệu quả để tồn tại lâu dài. Theo ông Nguyên, kể cả đối với các khoản vay ngắn hạn, doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo hiệu quả kinh tế nhất định, bên cạnh các hiệu quả phi kinh tế.

Ông Nguyên nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay bền vững cần phải có kế hoạch cụ thể và chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn đầu. Chẳng hạn, một dự án bất động sản muốn vay tín dụng xanh thì ngay giai đoạn thiết kế, chuẩn bị phương án đấu thầu đã phải có giải pháp xem thực hành ESG ở từng khâu ra sao, đảm bảo hiệu quả ngắn và dài hạn.