Bà đỡ của những cánh én kiên cường

Hoa Đặng - 09:41, 08/02/2022

TheLEADERChỉ có những con người bất bình thường mới làm những điều khác thường theo tiếng gọi từ bên trong và lựa chọn bước vào một hành trình ít ai dám dấn thân để rồi trở thành người tiên phong mở đường dẫn lối.

Bà đỡ của những cánh én kiên cường
Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).

Những con người “bất bình thường”

Nhiều năm trước, không ai hiểu vì sao chị Phạm Thị Ngân lại quyết định đóng cửa công ty truyền thông Nguyencomm mà chị đã dồn tâm huyết suốt mười năm trời để tập trung nguồn lực phát triển doanh nghiệp xã hội Tòhe do chị và chồng là họa sĩ Nguyễn Đình Nguyên đồng sáng lập nhằm giúp đỡ trẻ em khuyết tật trên khắp cả nước.

Làm kinh doanh nhưng chẳng phải vì tiền - nghe thật phi lí, chắc chỉ có người không bình thường mới chọn con đường này! Nhưng quả thực, trên đời đang tồn tại rất nhiều con người không-bình-thường như vợ chồng chị Ngân.

Hơn 100 doanh nghiệp tạo tác động hội tụ trong chương trình Én Xanh 2021 với những câu chuyện vượt bão đầy cảm hứng là một con số ấn tượng khi bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) ngồi nhìn lại hành trình kéo dài suốt hai tháng qua.

Trong những thời điểm ngặt nghèo khi dòng tiền cạn kiệt, nguồn cung ứng bị đứt gãy hay thị trường bị thu hẹp… mỗi người đều bị đặt trước những lựa chọn sống còn. Trong bối cảnh đó, việc sống sót đã là một kỳ tích với các doanh nghiệp, liệu ai còn tâm trí để nghĩ đến câu chuyện kinh doanh nhân ái, tạo tác động đến cộng đồng và môi trường!

Muốn phát triển thì phải đi lên từ tinh thần tự chủ, phải sống chết với đứa con của mình cho dù là kinh doanh, hoạt động xã hội hay gì đi chăng nữa”
Bà Phạm Kiều Oanh

Thế nhưng, tinh thần kiên cường, những nỗ lực bền bỉ để tìm cách thích ứng với nghịch cảnh, tìm ra “khe cửa hẹp” trong cơn bão để sống sót và tiếp tục vươn lên của các én xanh – các doanh nghiệp xã hội đã khiến những người như bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch trường đại học Fulbright Việt Nam cũng phải thán phục.

Nguồn sức mạnh lớn nhất của các doanh nghiệp xã hội được hình thành kể từ những ngày đầu lựa chọn con đường dấn thân theo “tiếng gọi”. Vượt lên cả mục tiêu kiếm tiền cho chính bản thân, họ muốn cống hiến cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, xã hội.

Đối với các doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động, đằng sau những con số về doanh thu và lợi nhuận là số phận của hàng trăm ngàn, hàng triệu người yếu thế. Ít ai hình dung được những điều có thể xảy ra với hàng chục người lao động khuyết tật ở Kym Việt hay với hàng trăm thanh thiếu niên đang học và làm việc ở KOTO nếu các đơn vị này tạm đóng cửa hay ngừng hoạt động.

Bà đỡ của những cánh én kiên cường 1
Doanh nghiệp xã hội muốn cống hiến cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, xã hội.

Nếu vì lợi ích cá nhân, những doanh nghiệp vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách nước ngoài như Tòhe chắc chắn sẽ dừng lại nhưng số phận của hàng trăm con người dễ bị tổn thương đã trở thành động lực để họ quyết định bước tiếp dù con đường phía trước vô cùng gian truân.

Hơn 13 năm đồng hành cùng các doanh nghiệp xã hội, bà Oanh chẳng ngại thốt lên rằng họ là những con người “không bình thường”. Toát lên đằng sau cái sự khác thường đó là một vẻ đẹp trắc ẩn của lòng nhân ái chẳng thứ bạc vàng nào đổi được.

Thế nhưng, để vẻ đẹp ấy được lan toả, từng bước có cơ hội được chính danh, ghi nhận và toả sáng, họ đã phải trải qua một hành trình kiên tâm dài hơn 13 năm bước trên một con đường đầy bụi rậm và gai góc mà chính người phụ nữ nhỏ bé không kém phần “bất bình thường” như bà Oanh là người khai phá và dẫn lối.

Từ “Zero” đến “Hero”

Từ bỏ một vị trí cấp cao bao người mở ước ở Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc gần hai thập kỷ trước để đi tìm hành trình tạo giá trị đích thực cho xã hội, bà Oanh nhận được không ít ánh nhìn nghi ngại, những lời phản đối và thậm chí bị cho là “điên rồ”. Bà nhẹ nhàng đón nhận mọi thứ như một lẽ thường tình và đi theo tiếng gọi của con tim.

Sứ mệnh vì xã hội cùng với máu khởi nghiệp vẫn âm ỉ chảy trong người dường như không cho phép bà chấp nhận tính thiếu tự chủ khi phải vận hành theo một hệ thống lớn. Hơn nữa, bản thân các tổ chức xã hội ở Việt Nam lúc đó còn quá phụ thuộc vào nhà tài trợ trong khi các tổ chức lớn cũng phụ thuộc vào thiết chế.

“Muốn phát triển thì phải đi lên từ tinh thần tự chủ, phải sống chết với đứa con của mình cho dù là kinh doanh, hoạt động xã hội hay gì đi chăng nữa”, bà Oanh chia sẻ.

Và rồi luật hấp dẫn đã kết nối bà với mô hình doanh nghiệp xã hội - những tổ chức sử dụng việc kinh doanh như là công cụ để giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội và môi trường- qua cuộc gặp gỡ với triệu phú Declan Ryan, người sáng lập quỹ thiện doanh The One Foundation (Ireland).

Mô hình này quả thực mới mẻ ở Việt Nam vào thời điểm đó. Các hoạt động cộng đồng của doanh nghiệp thường chỉ mang tính từ thiện mà chưa xuất hiện mô hình giao thoa giữa kinh doanh và hoạt động vì xã hội. Năm 2008, CSIP được thành lập như một lẽ tất yếu để tìm kiếm, đưa ra “ánh sáng” và hỗ trợ những mô hình như vậy.

Luật hấp dẫn lại một lần nữa kết nối bà Oanh và CSIP với một số doanh nghiệp xã hội như KOTO ở miền Bắc, Reaching Out ở miền Trung hay Mai Handicrafts ở miền Nam. “Họ rất giỏi”, bà Oanh khẳng định, “điểm chung ở họ còn nằm ở tính tự chủ và sự nhanh nhạy với thị trường”. Ngoài ra, họ còn có cái tính hơi “bao đồng” là lòng nhân ái - điều được xem là bắt buộc phải có thay vì chỉ được xem là giá trị bổ sung đối với bất cứ doanh nghiệp xã hội nào.

Thế nhưng ở thời điểm đó, các doanh nghiệp này vẫn vô cùng đơn độc và lạc lõng trong thế giới của riêng mình mà không được ai thừa nhận, thậm chí họ cũng chẳng thể gọi tên chính mình. Một số còn bị cộng đồng hoạt động xã hội hiểu nhầm và quy kết là “lợi dụng để kiếm chác”.

Sự xuất hiện của CSIP đã đưa họ ra ánh sáng và định nghĩa họ là doanh nghiệp xã hội, để ít nhất, họ biết họ là ai, họ được chính danh và được hoạt động như cái mà họ là. Với bà Oanh, đó là một bước tiến từ khi doanh nghiệp xã hội còn chưa được biết đến, còn hoạt động một cách tự phát sang hoạt động tự giác, được định hướng bài bản, hỗ trợ nâng cao năng lực và được xã hội dần công nhận.

Một số dự án ban đầu chỉ dừng ở mức ý tưởng nhưng đã được CSIP hỗ trợ, định hướng và kiên trì theo đuổi sứ mệnh. Cũng có những doanh nghiệp đến với CSIP đơn giản vì chỉ cần một người đồng hành để họ vững tin vào bản thân và vững vàng trên con đường đã chọn vì biết rằng trong xã hội vẫn có những người nhìn nhận họ đúng với bản chất và giá trị.

Ngoài vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội, bà Oanh còn tích cực tham gia vận động chính sách để đưa doanh nghiệp xã hội vào luật mà cụ thể là Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014, chính thức công nhận mô hình doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam.

Bà đỡ của những cánh én kiên cường 2
Lòng nhân ái, nhân văn và phát triển bền vững đã được tích hợp vào chiến lược phát triển của các doanh nghiệp.

Vài chục doanh nghiệp CSIP đang hỗ trợ cộng với những đơn vị còn chưa biết đến tạo nên một cộng đồng chỉ tính bằng hàng trăm thì có vẻ quá nhỏ bé so với hàng trăm nghìn doanh nghiệp thông thường. Cũng vì vậy mà việc luật hoá doanh nghiệp xã hội, đối với các Think Tank (tổ chức nghiên cứu) của Việt Nam lúc đó, có vẻ không cần thiết vì cho rằng độ ảnh hưởng không đủ lớn.

Bà Oanh đã mời những chuyên gia như ông Nguyễn Đình Cung, ông Phan Đức Hiếu hay bà Nguyễn Minh Thảo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đến thăm các doanh nghiệp xã hội để họ thấy được nỗi vất vả của những con người đang ngày đêm nỗ lực vì cộng đồng. Dù có luật hay không thì họ vẫn tiếp tục sứ mệnh, nhưng nếu có luật, họ sẽ được chính danh và may ra mới có các chương trình hỗ trợ tập trung hơn.

CSIP cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các báo cáo về doanh nghiệp xã hội. Qua đó, các tổ chức nghiên cứu và giới làm chính sách có thể nắm bắt được xu hướng phát triển của doanh nghiệp xã hội trên thế giới để rồi họ hiểu rằng trong tiến trình hội nhập, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi.

Như một quả ngọt sau những nỗ lực bền bỉ, Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014 định nghĩa doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Các doanh nghiệp xã hội được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Từ đây, những doanh nghiệp như KOTO, Tòhe, Mai Handicrafts, Reaching Out… đã có thể tự tin giới thiệu “chúng tôi là doanh nghiệp xã hội”, “chúng tôi làm kinh doanh với sứ mệnh phụng sự cho phát triển cộng đồng”.

Nỗi trăn trở đầu năm của một “bà đỡ”

Nếu như năm 2008, doanh nghiệp xã hội mới chỉ dừng lại ở các tổ chức hoạt động kinh doanh để phục vụ cho các mục tiêu vì cộng đồng và môi trường thì đến nay, định nghĩa này đã được mở rộng hơn rất nhiều với đa dạng thành phần tham gia.

Theo xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam đã hình thành các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB). Đây là nhóm các tổ chức, doanh nghiệp thông qua hoạt động thương mại, giải pháp kinh doanh để tạo tác động tích cực lên xã hội và môi trường.

Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội hiện nay đang theo đuổi mô hình kinh doanh bao trùm, là mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội, tích hợp việc giải quyết thách thức xã hội với quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp như Drinkizz do doanh nhân Tyna Huỳnh (Huỳnh Đinh Hà Giang) sáng lập hay Vinasamex do doanh nhân Nguyễn Thị Huyền làm Tổng giám đốc.

Bà đỡ của những cánh én kiên cường 3
Hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp xã hội đang từng bước được hình thành và phát triển.

Lòng nhân ái, nhân văn và phát triển bền vững đã được tích hợp vào chiến lược phát triển của các doanh nghiệp và trở thành một năng lực cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể kiên tâm vượt qua mọi khủng hoảng và thậm chí là tìm được cơ hội trong nguy nan.

Một hình thức khác mà nhiều doanh nghiệp theo đuổi là mô hình coi việc giải quyết các vấn đề xã hội cũng là cơ hội, mục tiêu kinh doanh (creating shared value - tạo ra các giá trị chia sẻ). Đó cũng là lý do mà các doanh nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ như Grab và Gojek gọi mình là doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Như vậy, thay vì cách tiếp cận về vai trò của doanh nghiệp trong xã hội đơn thuần là hoạt động từ thiện, các doanh nghiệp đã chú trọng đến trách nhiệm xã hội (CSR) của mình thông qua việc tuân thủ các chuẩn mực của cộng đồng, là một công dân doanh nghiệp tốt, “bền vững” cho đến cách tiếp cận mới nhất hiện nay là kinh doanh bao trùm cũng như tích hợp các vấn đề và thách thức xã hội vào quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp.

Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp để đóng góp cho xã hội theo cách tiếp cận mới này, những đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người nghèo và cận nghèo, LGBT, bà mẹ đơn thân… sẽ không còn là những người yếu đuối, dễ bị tổn thương cần được bảo bọc và che chở mà chính họ sẽ góp phần quan trọng trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, chính họ sẽ góp sức làm thay đổi cuộc chơi. Họ có thể là người lao động, nhà cung ứng, đối tác kinh doanh và đặc biệt là đối tượng khách hàng rất tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác.

“Tôi kỳ vọng và tin tưởng ngày càng nhiều doanh nghiệp đi theo hướng kinh doanh bền vững và nhân văn. Én Xanh ra đời là một bước mới trên hành trình tôn vinh và lan toả tinh thần của các sáng kiến kinh doanh phục vụ cộng đồng”, bà Oanh chia sẻ.

Nhà sáng lập CSIP cũng mong trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có các chương trình, chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp xã hội, cho doanh nghiệp xã hội có cơ hội thể hiện vai trò trong việc giải quyết các vấn đề mà Nhà nước đang ưu tiên giải quyết bởi họ hoàn toàn có khả năng. Sức mạnh nội tại của họ rất lớn và họ chỉ cần một cú huých.

Hỏi bà Oanh có bao giờ cảm thấy phải “trả giá” trong suốt hơn một thập kỷ qua, bà cho rằng ai cũng phải trả giá khi đưa ra một quyết định nhưng đó là lựa chọn. Do bản chất đều là người bất thường nên thách thức đối với bà Oanh và các doanh nghiệp xã hội không hề ít, ngay cả việc tìm người đồng hành cũng không dễ dàng và phải trải qua quá trình dài vật lộn. Dù vậy, trên tâm thế của người dấn thân mở đường dẫn lối, chưa bao giờ bà cảm thấy khổ hay vất vả mà chỉ tận hưởng công việc mình làm, cố gắng vượt qua thách thức và kiên định với “tiếng gọi” của chính mình.

Đến nay, bà Oanh vẫn phải tiếp tục cố gắng để cộng đồng doanh nghiệp xã hội phát triển hơn, xã hội có cái nhìn đúng đắn và cởi mở hơn. Dẫu vậy, một điều chắc chắn là bà không còn đơn độc trên hành trình đó như hơn chục năm về trước. Hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp xã hội đang từng bước được hình thành và phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho những “cánh én” cùng nhau tạo đàn bay cao và bay xa hơn.