Bất động sản ngóng tin lãi suất

Minh Anh - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERĐộng thái giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản, kích thích người mua nhà.

Bất động sản ngóng tin lãi suất
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tín hiệu tốt đối với thị trường

Ngày 7/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố giảm hàng loạt lãi suất chủ chốt, có hiệu lực từ ngày 10/7/2017. Theo đó lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng giảm 0,25%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm 0,5%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc giảm lãi suất điều hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong mục tiêu đáp ứng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất. Qua đó cũng góp phần ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Như vậy, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống còn 7,25%/năm.

Quyết định hạ lãi suất được Ngân hàng Nhà nước được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ mang lại niềm tin và động lực phát triển cho thị trường.

TS. Cấn Văn Lực

Theo TS. Cấn Văn Lực nhận định, động thái này của Ngân hàng Nhà nước không ngoài mục tiêu giảm chi phí cho các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi các tổ chức tín dụng sẽ tiếp cận được vốn rẻ hơn từ nguồn cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là với một số lĩnh vực ưu tiên.

Ông Lực phân tích, việc giảm lãi suất điều hành nói chung của Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ làm tăng cầu tín dụng. Để lãi suất có thể giảm được như mong muốn, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là người cho vay cuối cùng nên mạnh dạn không chỉ giảm lãi suất điều hành, có thể là tăng quy mô tái cấp vốn rộng hơn chút để tăng cung tín dụng. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2017, lãi suất có thể giảm được 0,25% - 0,5%/năm. Đó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, khi ngân hàng hạ lãi suất cho vay, người mua nhà sẽ có nhiều lựa chọn hơn nếu lãi suất cho vay đầu tư và mua bất động sản dễ thở hơn. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí và hạ giá bán. Người mua nhà cũng được hưởng lợi vì mua được giá tốt.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, lãi suất cho vay chỉ cần giảm xuống ở mức độ 0,5% là đã có tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Hàng loạt ngân hàng lớn hạ lãi suất là dấu hiệu rất tốt với doanh nghiệp bất động sản trong mùa kinh doanh cuối năm. Bởi phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều sử dụng vốn vay từ ngân hàng. Bên cạnh đó, giảm lãi suất cho vay sẽ kích thích người mua nhà đầu tư vào bất động sản.

Chưa thể kỳ vọng quá nhiều

Đối với động thái giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng, việc hạ lãi suất cho vay sẽ giúp cho mặt bằng lãi suất có cơ hội giảm trong thời gian tới. Đây là một bước đi đúng, từ đó, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phát triển.

TS. Nguyễn Đức Thành

“Tuy nhiên, việc tín dụng tăng trưởng ở mức cao đưa tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực và xấp xỉ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2009. Đây là một thức tế cần theo dõi chặt chẽ, vì nó hàm chứa nhiều rủi ro trên thị trường vốn. Nếu vốn ngân sách được đẩy mạnh giải ngân vào cuối năm, có thể gây sức ép mới về thanh khoản và lãi suất. Để bình ổn, Ngân hàng Nhà nước có thể phải bổ sung lượng phương tiện thanh toán về cuối năm. Điều này, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao hơn tiền gửi, có thể dẫn tới khả năng lạm phát cao hơn trong năm 2018", TS. Nguyễn Đức Thành phân tích.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng cũng cảnh báo về khả năng những rủi ro lớn có thể xuất hiện trên thị trường bất động sản khi tín dụng đang tăng nhanh một cách bất thường. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới những thay đổi không đồng đều trên thị trường này, trong khi thị trường bất động sản trong thời điểm hiện tại đang có dấu hiệu chững lại.

Mặt khác, theo TS. Cấn Văn Lực, việc điều chỉnh giảm lãi xuất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trước mắt chỉ tác động đến lãi suất cho vay của các lĩnh vực ưu tiên gồm: Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. còn với các lĩnh vực cho vay thông thường khác như bất động sản sẽ vẫn phải có độ trễ nhất định.