Bí quyết giúp startup Việt đi nhanh trong giai đoạn Covid-19

Việt Hưng - 09:14, 20/10/2021

TheLEADERHọc hỏi từ thị trường Trung Quốc, nhiều startup Việt đã bắt đầu tận dụng chiến lược kết hợp gamification trong kinh doanh như một giải pháp để tiếp cận khách hàng mục tiêu, cũng như tăng tính hấp dẫn cho ứng dụng.

Vài năm trở lại đây, "gamification" đã trở thành một từ khóa phổ biến trong chiến dịch quảng bá của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nói một cách đơn giản, gamification là việc tích hợp các trò chơi vào các ứng dụng không phải trò chơi để giữ chân khách hàng.

Cái nôi của gamification chính là thị trường Trung Quốc, xuất phát từ các công ty TMĐT hàng đầu như: Alipay, Taobao và Pinduoduo, kết hợp các yếu tố trò chơi vào ứng dụng mua hàng, nhằm thu hút và tăng độ tương tác của các đối tượng này.

Học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc về gamification, nhiều startup tại Việt Nam đã bắt đầu tận dụng chiến lược kết hợp gamification trong kinh doanh như một giải pháp để tiếp cận khách hàng mục tiêu, cũng như tăng tính hấp dẫn cho ứng dụng.

Xu hướng gamification

Giá trị của thị trường trò chơi điện tử toàn cầu đã tăng vọt từ 4,91 tỷ USD vào năm 2016 lên 11,94 tỷ USD vào năm 2021, theo Statista.

Tại Châu Á Thái Bình Dương, lĩnh vực gamification được dự đoán sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân với tốc độ 27%, nơi Trung Quốc và Ấn Độ sẽ những tay chơi dẫn đầu.

Tại Việt Nam, MoMo là đơn vị đi đầu trong xu hướng gamification với các dịch vụ như Học viện MoMo, MoMo City, và MoMo Jump mới ra mắt gần đây, cho phép người dùng vừa chơi, vừa săn các phiếu giảm giá, khuyến mãi có trong Ví điện tử MoMo.

Tương tự, startup giao hàng trong 1 giờ của Việt Nam là Loship cũng đang tích cực nâng cao khả năng tương tác của mình với khách hàng bằng cách tung ra 2 tính năng mới có tên: Đăng ký hàng ngày và Truy tìm nhiệm vụ.

Chiến lược này được đề xuất bởi BAce Capital - đối tác của Loship tại Ant Group. Dựa trên những kinh nghiệm từ thị trường Trung Quốc, Loship kết hợp gamification vào ứng dụng của mình, giống như Pinduoduo thêm gamification vào nền tảng TMĐT của họ.

Bí quyết giúp startup Việt đi nhanh trong giai đoạn Covid-19
Bí quyết giúp startup Việt đi nhanh trong giai đoạn Covid-19

"Luôn ám ảnh bởi khách hàng là một trong những giá trị cốt lõi tại Loship. Bằng cách tích hợp gamification vào nền tảng của mình, chúng tôi muốn mang đến một trải nghiệm thú vị và mới mẻ cho khách hàng. Loship ở đây không chỉ để đáp ứng những nhu cầu mua hàng vật chất mà còn để giải trí về mặt tinh thần. Và tin rằng là cách Loship tạo ra sự khác biệt so với những đơn vị khác", CEO Nguyễn Hoàng Trung của Loship chia sẻ.

Một startup khác đã kết hợp gamification vào nền tảng của mình là Fika. Cụ thể, Fika đã phá vỡ khuôn mẫu của các ứng dụng hẹn hò truyền thống, mỗi ngày cho phép người dùng tham gia các thử thách nhỏ như "Ghép người mới hôm nay" hoặc "Nhắn tin 2 ngày liên tiếp"... và mỗi lần hoàn thành, người dùng sẽ nhận được phần thưởng Fika Coin. 

Những đồng tiền Fika này được sử dụng để mở khóa nhiều tính năng cao cấp trong ứng dụng, như xem ai đã thích bạn, tua lại, lượt thích không giới hạn...

Những con số biết nói

Pinduoduo được biết đến là công ty đi đầu trong việc ứng dụng gamification nhằm thúc đẩy người dùng mua hàng thường xuyên trên nền tảng TMĐT. Số lượng người dùng trung bình hàng tháng của Pinduoduo đã tăng hơn hai lần từ 195 triệu vào năm 2018 lên 487 triệu vào năm 2020 nhờ chiến lược tương tác này.

Loship theo đuổi chiến lược này để phát triển gamification liên quan tới các hoạt động check-in hàng ngày. Mỗi khi người dùng đăng ký, họ được cấp một số điểm Lo nhất định, có thể đổi lấy phiếu giảm giá và phiếu thưởng trong ứng dụng.

"Mặc dù mỗi lần đăng ký không tạo ra doanh thu trực tiếp cho Loship, nhưng trải nghiệm về sản phẩm sẽ tăng lên mỗi khi người dùng đổi điểm của họ. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ mang lại nhiều giá trị cho khách hàng hơn", đại diện Loship chia sẻ.

Bí quyết giúp startup Việt đi nhanh trong giai đoạn Covid-19 1
Gamification mang đến một trải nghiệm thú vị và mới mẻ cho khách hàng

Như trường hợp của Fika, mỗi lần người dùng thực hiện các thử thách nhỏ đổi lấy Fika Coins, startup sẽ có thêm thông tin chi tiết và dữ liệu khách hàng. Nhờ đó, Fika có thể áp dụng để xây dựng các thuật toán và cá nhân hóa mạnh mẽ trải nghiệm người dùng.

Tối ưu hóa gamification

Có một số điều kiện tiên quyết để áp dụng gamification như một chiến lược khuyến khích sự tương tác của người tiêu dùng. Trong đó, yêu cầu cơ bản của gamification là phải có sự hiểu biết về người dùng, động lực và nhu cầu cũng như hoàn cảnh của họ.

Tập trung vào nhu cầu của người dùng là vô cùng cần thiết. Các chuyên gia cũng đề cập đến sự cần thiết có sự tham gia của người dùng trong giai đoạn lên ý tưởng và thiết kế.

Bên cạnh đó, mục tiêu của gamification nên được xác định rõ ràng, để đánh giá sự thành công của phương pháp và để có thể đánh giá xem việc sử dụng gamification có thể giúp đạt được mục tiêu mong muốn không.

Điều quan trọng là đánh giá và kiểm tra ý tưởng gamification càng sớm càng tốt. Để có những dự án gamification thành công, thì việc kiểm thử người dùng thường xuyên thường được đề cập là điều kiện bổ sung.

Cuối cùng là giám sát và tối ưu hóa liên tục các dự án gamification sau khi triển khai. Nhìn chung, việc tạo nội dung và hoạt động cho gamification là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong một dự án.

Nội dung gamificationphải mang tính tương tác, hấp dẫn và phong phú. Gamification tuy phổ biến, nhưng không phải ứng dụng nào cũng có thể áp dụng thành công.

Thực tế chỉ ra, Gen Z hiện đang là đối tượng mục tiêu của hoạt động gamification - chiến khoảng 1/7 trong tổng số 92 triệu người Việt Nam. Với tác động của Covid-19, Gen Z có xu hướng tìm kiếm các trò chơi trực tuyến nhiều hơn, tương tự như làn sóng gamification tại nhiều quốc gia trên thế giới.