Biến thách thức thành cơ hội chuyển đổi số ngành giáo dục

Việt Hưng - 17:08, 30/06/2020

TheLEADERNhững năm gần đây, ngành giáo dục rất quan tâm đến việc ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy. Chuyển đổi số trong ngành giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước.

Giáo dục song hành cùng công nghệ

Theo báo cáo của Edtech UK, London & Partners, mức đầu tư cho ngành công nghệ giáo dục toàn cầu tăng gần 300% trong giai đoạn 2015 - 2020. Theo TechCrunch, đến năm 2020, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm 54% thị trường công nghệ giáo dục.

Những con số này là minh chứng cho sự lan rộng của một xu hướng giáo dục trên toàn cầu hiện nay: Vai trò của công nghệ trong sự phát triển của ngành giáo dục.

Theo mô hình truyền thống, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo bao gồm: các trường học công, trường tư, các trung tâm tiếng Anh, trung tâm đào tạo nghề, trường dạy nghề, doanh nghiệp điều hành chuỗi trung tâm,...

Khi kết hợp với công nghệ, ngành giáo dục sẽ có 3 thay đổi chính: nâng cao cơ sở vật chất lớp học, công cụ giảng dạy; áp dụng các xu hướng giáo dục công nghệ như: Lớp học thông minh, Game hóa (Gamification), Lập trình,… vào giảng dạy; Công cụ quản lý và vận hành hiệu quả cho các tổ chức giáo dục.

Một thuật ngữ cũng đang được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây là Edtech. Edtech là kết hợp giữa "giáo dục" (education) và "công nghệ" (technology), nghĩa là áp dụng công nghệ trong giáo dục. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh khác nhau của giáo dục từ việc dạy và học, quản lý giáo dục, truyền thông giáo dục,…

Hình dung đơn giản nhất là nhiều giảng đường lớn tại các trường đại học được trang bị những màn hình cảm ứng lớn và gắn tại nhiều vị trí khác nhau tạo thuận tiện cho sinh viên theo dõi bài giảng của giảng viên. Mỗi sinh viên được sử dụng máy tính với kết nối internet để thuận tiện cho việc nhận tài liệu từ thầy cô và nộp bài luận.

Nhiều thư viện tại các trường đại học thay vì có thủ thư hoặc phải tra cứu máy tính để tìm vị trí sách và đến giá lấy thì sinh viên chỉ cần truy cập hệ thống quản lý thư viện trên máy tính,tìm tên sách cần tìm, xác nhận sau đó sách sẽ tự động được xuất ra.

Công nghệ cao và tiến xa hơn nữa là trí tuệ nhân tạo sẽ được áp dụng trước hết từ những nước phát triển. Tại Đại học Washington, Mỹ, các phòng học đều được thiết kế nhằm bảo đảm các yếu tố nghe, nhìn, đọc, thảo luận. Phòng học được trang bị hệ thống màn hình cảm ứng cho đến máy tính bảng, tai nghe, công cụ tương tác trực tuyến…

Không gian học, các dụng cụ cụ và cơ sở hạ tầng phục vụ việc học càng ngày càng được chú trọng yếu tố số hóa, thông minh. Phòng học trong thế kỷ 21 có các bảng điện tử thông minh (thay vì bảng đen viết phấn), các bàn học thông minh thay cho các bàn học thông thường. Học sinh, sinh viên được trải nghiệm các chuyến tham quan thực tế ảo.

Ngoài ra những phần mềm về quản lý khóa học như Canvas giúp giảng viên có thể nắm được tiến trình học tập của sinh viên và sinh viên hoàn toàn có thể chia sẻ, thảo luận từ tài liệu, video, audio bài học.

Trên thế giới hiện có một số startup nổi bật như Kahoot!, Lumosity, Curriculet, v.v…; còn tại Việt Nam hiện mới chỉ có LIKA và Bigschool.

Biến thách thức thành cơ hội chuyển đổi số ngành giáo dục
Giáo dục cần song hành cùng công nghệ

Thực trạng chuyển đổi số của ngành giáo dục Việt Nam

Hiện tại, nhà nước Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề áp dụng công nghệ vào ngành giáo dục. Cụ thể là sự ra đời của Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến.

70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning); 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4.

Một lợi thế khác là Việt Nam có tỉ lệ cao sở hữu và sử dụng công nghệ. Theo các thống kê gần đây được Appota công bố, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối internet.

Không những thế Việt Nam là quốc gia có chỉ số kết nối di động cao: 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và theo dự báo, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (Google APAC) và 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Điều này là điểm sáng cho việc học sinh dễ dàng tiếp cận với công nghệ của giáo dục hơn.

Bên cạnh đó, nền kinh tế phát triển, người Việt đang đầu tư cho giáo dục nhiều hơn. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam hiện đang ở mức xấp xỉ 2.800 USD, nhưng nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót sẽ ở mức 3.000 USD - chỉ kém các các quốc gia có thu nhập trung bình cao khoảng 990 USD/người.

Với mức chi tiêu trung bình cho giáo dục hiện nay là 40% tổng thu nhập, người Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục đầu tư vào các chương trình giáo dục nhiều hơn nữa. Đây chính là cơ hội mà các doanh nghiệp giáo dục cần nắm bắt để đưa ra nhiều giải pháp học tập thông minh, tiện lợi nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dùng Việt.

Biến thách thức thành cơ hội chuyển đổi số ngành giáo dục 1
Việt Nam có tỉ lệ cao sở hữu và sử dụng công nghệ

Đối mặt với những rào cản

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, trình độ tin học của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường còn hạn chế và không đồng đều; các cán bộ, giáo viên lớn tuổi chỉ mới tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin, tự nghiên cứu học tập sử dụng máy tính chứ chưa được đào tạo cơ bản, nên còn hạn chế về một số những kỹ năng cơ bản như kỹ năng soạn thảo; kỹ năng tổng hợp tính toán; kỹ năng khai thác nguồn tư liệu trên mạng; kỹ năng sử dụng máy móc thiết bị…

Chính vì vậy họ thường ngại tiếp xúc với các phương tiện hiện đại, ngại đổi mới trong ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và giảng dạy, điều đó làm cho công nghệ thông tin, dù đã được đưa vào quá trình quản lý, dạy học vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Với học sinh, tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động, thói quen "đọc - chép", "ghi - chép" và tái hiện lại một cách máy móc, rập khuôn những gì giáo viên viết, trình bày trên bảng, chưa có thói quen chủ động trong việc tổng hợp kiến thức thông qua bài giảng, do vậy phần nào ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Với doanh nghiệp tư nhân, trung tâm đào tạo, ranh giới của các mô hình học tập truyền thống gần như không còn ý nghĩa chi phối khi công nghệ quản lý và hỗ trợ học tập đã vượt ra khỏi khuôn khổ trường học và tạo ra những thói quen học tập mới. Tất nhiên, trong lĩnh vực giáo dục phi chính quy, các công nghệ giáo dục cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng của các cuộc đua về chi phí và trải nghiệm người dùng.

Những thách thức lớn hiện nay chủ yếu đến từ: thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo;…

Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, khi tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến chi phí đầu tư rất lớn. Chi phí đó bao gồm chi phí cho máy móc, thay đổi cách thức hoạt động, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo. Đó là chưa kể đến việc với chuyển đổi số thì yêu cầu về năng lực con người là rất lớn.

Nhiều công cụ để giải quyết vấn đề quản lí doanh nghiệp đã xuất hiện trên thị trường, song việc giải quyết đơn lẻ từng bài toán với nhiều công cụ khác nhau sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người quản lí. Doanh nghiệp dùng quá nhiều phần mềm, khiến dữ liệu không được đồng bộ, chi phí tăng cao và khi mỗi phòng ban dùng một phần mềm khiến truyền thông nội bộ cũng trở nên hạn chế.