Bổ sung nhiều nội dung đột phá vào kế hoạch tăng trưởng xanh

17:29, 25/03/2022

TheLEADERDự thảo kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 lồng ghép nhiều nội dung mới, bao gồm tiêu dùng bền vững và tăng trưởng xanh cân nhắc tới các vấn đề xã hội.

Thứ nhất, ngành năng lượng và công nghiệp, tăng cường các hoạt động xây dựng công cụ và thực thi hiệu quả hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV). Ngành năng lượng được khuyến khích và thúc đẩy áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT), giải pháp quản lý môi trường tốt nhất (BEP) theo điều kiện và mức độ phát triển khoa học của đất nước.

Các mô hình sản xuất năng lượng giảm phát thải carbon, kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn được khuyến khích áp dụng để tạo ra những khu công nghiệp sinh thái và làng nghề bền vững.

Thứ hai, ngành giao thông vận tải, chú trọng phát triển giao thông xanh, có tính đồng bộ và kết nối cao. Trong đó, ưu tiên phát triển giao thông công cộng trong đô thị; chuyển đổi sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy chuyển đổi số giao thông vận tải.

Thứ ba, đối với ngành xây dựng, dự thảo kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn mới bổ sung nội dung về quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật số theo hướng xanh, bền vững, thông minh, có năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kinh tế tuần hoàn và các mô hình, giải pháp giảm thiểu phát thải carbon cũng là hướng đi quan trọng cho ngành xây dựng. Đây là hợp phần quan trọng để đạt được cam kết về mức phát thải ròng được đưa ra tại COP26.

Thứ tư, ngành nông nghiệp bổ sung nội dung bảo vệ môi trường và phát triển thị trường cho sản phẩm nông sản xanh. Ngành nông nghiệp cũng được đề nghị xây dựng quy định kiểm toán khí thải và khuyến khích tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Thích ứng với biến đổi khí hậu là một yêu cầu đặc biệt quan trọng cho ngành nông nghiệp. Dự thảo kế hoạch đưa ra nội dung nghiên cứu khả năng thích nghi của cây trồng cũng như xu hướng thị trường, từ đó đưa ra khuyến cáo cho các địa phương chuyển đổi giống cây trồng phù hợp.

Ngành lâm nghiệp cũng được nhấn mạnh về việc phát triển dịch vụ môi trường rừng, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là nâng cao khả năng lưu giữ carbon của rừng.

Thứ năm, ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được bổ sung định hướng đổi mới sáng tạo xanh, chuyển đổi số xanh và thúc đẩy tăng trưởng xanh dựa trên chuyển đổi số.

Thứ sáu, ngành du lịch được nhấn mạnh hoàn thiện thể chế cho phát triển du lịch bền vững, du lịch sinh thái.

Thứ bảy là ngành kinh tế biển. Các chiến lược tăng trưởng xanh cho ngành kinh tế biển được tập trung lại trong dự thảo kế hoạch mới, thay vì nằm rải rác như kế hoạch thời kỳ trước.

Thứ tám là tiêu dùng và mua sắm xanh bền vững, bao gồm ban hành quy chế mua sắm công xanh cho đầu tư công; đẩy mạnh các chương trình dán nhãn sinh thái, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường lên sản phẩm và dịch vụ.

Cuối cùng là các vấn đề về xã hội. Dự thảo kế hoạch mới nêu rõ nguy cơ một số nhóm dân cư có thể bị ảnh hưởng đến sinh kế như mất, giảm cơ hội việc làm trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Chính vì vậy, cần phải có chính sách phù hợp để hạn chế sự tổn thương gây ra với những nhóm đối tượng này.

Chính sách thúc đẩy kinh tế xanh cần được thiết kế theo hướng đảm bảo tính “kinh tế”, tức là đem lại nguồn lợi, giải quyết việc làm. Dự thảo kế hoạch nhấn mạnh yêu cầu rà soát, bổ sung những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật tham gia vào kinh tế xanh.

Mặt khác, cũng cần phải thúc đẩy xây dựng nguồn nhân lực bền vững cho những ngành nghề, lĩnh vực xanh.