Các ứng dụng giao hàng mang lại hy vọng cho ngành ăn uống

Nhật Hạ - 21:01, 27/11/2020

TheLEADERCách ly toàn xã hội đã làm ngành hàng thực phẩm và đồ uống tiêu dùng bên ngoài nhà thiệt hại gần 3 triệu USD mỗi tuần ở khu vực TP.HCM.

Các ứng dụng giao hàng mang lại hy vọng cho ngành ăn uống
Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tiêu dùng ngoài nhà tại TP.HCM đã giảm 13% trong nửa đầu năm nay.

Sau đợt giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 bùng phát, mức chi tiêu giảm cho tiêu dùng ngoài nhà (out-of-home) của ngành hàng thực phẩm và đồ uống đang khiến các nền kinh tế trên toàn cầu mất trắng hàng triệu đô la doanh thu. 

Niềm tin của người tiêu dùng giảm cùng với giãn cách xã hội đã tạo ra một bối cảnh mà dịch vụ ăn uống phải phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng tận nhà để tiếp tục phát triển. 

Trong nửa đầu năm 2020, chỉ một tuần giãn cách xã hội đã khiến TP.HCM mất gần 3 triệu USD cho ngành hàng đồ ăn nhẹ và đồ uống không cồn tiêu dùng bên ngoài nhà. 

Theo đó, chi tiêu cho ngành hàng này tại TP.HCM đã giảm 13% trong nửa đầu năm nay. Sau làn sóng đóng cửa đầu tiên, việc chuyển đổi sang làm việc tại nhà đã trì hoãn sự phục hồi của chi tiêu ngoài nhà. 

Dù tình hình khả quan hơn ở Việt Nam, lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ, nhưng trong quý II/2020, TP.HCM đã có sự sụt giảm 4% so với quý đầu năm nay, phần lớn do ảnh hưởng từ lệnh giãn cách toàn xã hội được thực hiện vào tháng 4.

Sự sụt giảm trong chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tiêu dùng ngoài nhà không thể được bù đắp hoàn toàn bởi sự gia tăng chi tiêu cho tiêu dùng tại nhà trên toàn cầu. Tính chung, tại khu vực TP.HCM, tổng mức chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống cả tiêu dùng tại nhà và tiêu dùng bên ngoài đã giảm 3% trong nửa đầu năm.

Thị trường thực phẩm dùng ngoài nhà ở châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các nước châu Á và châu Mỹ. Yếu tố chính của điều này là mức thâm nhập thị trường của các ứng dụng và dịch vụ giao đồ ăn ở châu Á và châu Mỹ cao so với các thành phố châu Âu. 

Mức độ thâm nhập thị trường của dịch vụ giao đồ ăn (trong nhóm người hơn 50 tuổi) tại các thành phố ở Hàn Quốc là 99%, 84% ở Trung Quốc, 80% ở các thành phố của Brazil và 76% ở TP.HCM. Trong khi đó, con số này thấp hơn nhiều ở các thành phố châu Âu, 36% ở Anh, 37% ở Tây Ban Nha và 44% ở Pháp.

59% người tiêu dùng trên khắp thế giới cho rằng ‘sự tận hưởng’ là động lực để sử dụng ứng dụng giao hàng tận nhà. 41% còn lại cho rằng đó là ‘sự tiện lợi’. Điều đó cũng cho thấy rằng dịch vụ giao đồ ăn đang nhanh chóng trở thành một trong những cách “chiêu đãi” bản thân trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Ông Peter Christou, Giám đốc Giải pháp cao cấp của Worldpanel, Kantar cho biết: “Đại dịch Covid-19 rõ ràng đã có một tác động tiêu cực lên lĩnh vực ăn uống tiêu dùng ngoài nhà. Dịch vụ giao đồ ăn tận nhà đã phần nào làm giảm bớt ảnh hưởng này đối với một số quốc gia, tạo ra cơ hội gia tăng khi người tiêu dùng có nhu cầu “tưởng thưởng” nho nhỏ để động viên bản thân trong thời điểm khó khăn. 

Dịch vụ này đã làm rất tốt ở châu Á và châu Mỹ Latinh, và đang cho thấy con đường phục hồi ở châu Âu. Đầu tư vào việc tăng cường sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn có thể giúp lấy lại doanh thu đã mất cho các quán cà phê, cửa hàng mang đi và nhà hàng. Chúng tôi thấy rất nhiều cơ hội khác để cải tiến, đổi mới. 

Dịch vụ giao hàng tận nhà có đầy tiềm năng để mở rộng những gì họ có thể cung cấp, đặc biệt là trong thị trường đồ uống và để các thương hiệu truyền thống cho tiêu dùng ngoài nhà tìm cách tạo cơ hội cho thương hiệu của họ được tiêu thụ tại nhà”.