Cách khơi thông dòng vốn xanh

Hoàng Đông - 09:21, 25/08/2023

TheLEADERDoanh nghiệp cần chủ động lên kế hoạch các giải pháp phát triển bền vững, đồng thời nâng cao tính minh bạch của thông tin và dữ liệu để tiếp cận dòng vốn xanh, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có dấu hiệu suy giảm.

Cách khơi thông dòng vốn xanh
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trên con đường thực hành bền vững. Ảnh: Hoàng Anh

Đồng hành với doanh nghiệp và theo dõi diễn biến của nền kinh tế, ông Vũ Chí Công, Trưởng bộ phận ESG của quỹ VinaCapital, chỉ ra một nghịch lý là dòng vốn đầu tư có dấu hiệu suy giảm, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu vốn nhưng lại chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được những khoản đầu tư xanh đang rất “dư dả” trên toàn cầu.

Lý giải cho thực trạng này, ông Công cho biết, doanh nghiệp thường rơi vào 2 tình trạng. Thứ nhất là thiếu nhận thức về phát triển bền vững và đầu tư tạo tác động, do đó không biết doanh nghiệp đang tạo ra những tác động tích cực hay tiêu cực gì tới môi trường và xã hội.

Trường hợp thứ hai là doanh nghiệp quá tập trung vào việc tạo ra tác động tốt cho môi trường, xã hội mà quên mất khía cạnh kinh tế. Khi đó, doanh nghiệp không thể tạo ra được một mô hình kinh doanh có thể phát triển và tất nhiên là không hấp dẫn được nhà đầu tư.

Cách để khơi thông dòng vốn xanh
Ông Vũ Chí Công tại VCSF 2023.

Vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp cần phải đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh có tiềm năng, đồng thời đánh giá các tác động đến môi trường và xã hội, từ đó lên kế hoạch phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, chỉ như vậy là chưa đủ để tiếp cận dòng vốn xanh. Theo ông Công, khi đã có những thực hành hướng đến phát triển bền vững, doanh nghiệp phải tiếp tục làm tốt việc công bố thông tin và dữ liệu một cách chính xác, minh bạch.

“Các quỹ đầu tư sẽ có đội ngũ sàng lọc, tiếp cận các nguồn thông tin từ doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp nào công bố thông tin tốt hơn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn xanh hơn”, chuyên gia của VinaCapital nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCSF) 2023.

Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, PAN Group, Nestlé… đang thực hiện kiểm kê, công bố thông tin về phát triển bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ cũng có thể thực hiện việc kiểm kê và công bố thông tin ở một mức độ nhỏ hơn, đơn giản hơn.

Ông Công nhìn nhận, doanh nghiệp nhỏ không nên quá lo lắng về chi phí ban đầu vì lợi ích đạt được sẽ rất lớn so với chi phí ban đầu. Bởi lẽ, không chỉ tăng khả năng tiếp cận vốn, doanh nghiệp còn có thể làm quen dần và tích hợp các thực hành bền vững vào “DNA” của mình thông qua kiểm kê và công bố thông tin.

Đồng quan điểm với chuyên gia đến từ VinaCapital, bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Đồng sáng lập kiêm CEO Công ty CP Tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC), bổ sung một số lợi ích doanh nghiệp có thể đạt được, bao gồm nâng cao thương hiệu, tiết kiệm chi phí vận hành hay thậm chí là đổi mới công nghệ và tạo ra những dòng sản phẩm mới.

Bà Hạnh cho biết, đang có nhiều nguồn vốn từ các quỹ đầu tư hoặc từ các cam kết của Chính phủ mà doanh nghiệp có thể tiếp cận để bổ sung nguồn lực chuyển đổi sang phát triển bền vững, tiêu biểu như thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD mới đây.

Tuy nhiên, kể cả phát triển bền vững đang đặt ra rất nhiều cơ hội nhưng một số lượng không nhỏ doanh nghiệp vẫn đang tỏ ra rất lúng túng và mơ hồ. Theo bà Hạnh, đây là khái niệm rất mới, cần phải có sự tìm hiểu và hỗ trợ từ phía các bộ, ngành và cơ quan liên quan.