Cắt giảm chi phí logistics được không phụ thuộc vào 3 bộ

Thu Phương - 14:30, 15/12/2017

TheLEADERChỉ riêng Bộ Công thương, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chiếm hơn 70% các thủ tục liên quan đến logistics, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Thủ tục hành chính chiếm trên 50% chi phí logistics

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam diễn ra sáng nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho biết, ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15 -16%/năm.

Theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng thế giới 2014, logistics Việt Nam xếp hạng thứ 53 và 2016 xếp hạng 64/160 nước trên thế giới, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. 

Chi phí logistics Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20,8 % GDP (các nước phát triển từ 9 - 14%), đóng góp khoảng 3% vào GDP.

Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo hải quan, giám định, hun trùng hàng hóa, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế thuê lại. 

Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt.

Nguyên nhân chính so với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam là hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yếu cầu hoạt động quốc tế.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng nữa là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu (khoảng 91%) xuất FOB và nhập CIF, ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.

Do đó, việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay là một yêu cầu cấp bách, ông Hiệp nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, chi phí về rào cản phi thương mại của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với khu vực. Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác hơn hai lần, trong khi có cùng mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu rõ ràng là vấn đề rất đáng suy ngẫm. 

Chuyên gia World Bank: Hơn 50% chi phí logistics là
Ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế cấp cao World Bank

Đây chính là rào cản rất lớn cho việc tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Nếu giải quyết được điều này sẽ tạo động lực tăng trưởng rất mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Cũng theo ông Đức, trong những năm vừa qua, thành tựu của của logistics chủ yếu dựa vào việc giảm chi phí thuế quan áp dụng cho hầu hết cho các loại hàng hoá. Trong khi đó, bản chất của những rào cản logistics của Việt Nam chủ yếu là do con người tạo ra.

Theo đó, chi phí logistics bao gồm chi phí vận tải, chi phí xếp dỡ, lưu trú tại cảng, thủ tục tại cửa khẩu, Trong đó, chiếm trên 50% là các chi phí không rõ ràng liên quan đến các thủ tục hành chính cho xuất nhập khẩu của rất nhiều bộ ngành. 

Chỉ riêng 3 bộ là Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chiếm hơn 70% các thủ tục liên quan đến logistics. 

"Do đó, tôi cho rằng các biện pháp quản lý để cắt giảm chi phí logistics sẽ nằm chủ yếu ở 3 bộ này", ông Đức nhấn mạnh.

Cắt giảm kiểu gì?

Trên cơ sở đó, chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới kiến nghị các giải pháp giảm chi phí thương mại và thủ tục hành chính, kiểm soát quy định, thủ tục hành chính ban hành liên quan đến các dịch vụ logistics. 

Đồng thời, cần có cơ chế minh bạch, đánh giá tác động của chính sách đối với lĩnh vực này để có các giải pháp một cách toàn diện, hiệu quả.

Với số lượng rất lớn quy định hiện hành đang làm tăng chi phí logistics, cần rà soát tổng thể các quy định phi thuế quan, cắt giảm các điều kiện, thủ tục không cần thiệt. Cùng với đó, cần nâng cao tính minh bạch trong việc thực hiện biện pháp, tránh việc không rõ ràng của các cơ quan quản lý gây khó khăn cho doanh nghiệp,.

Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình, giám sát thực hiện đối với các cơ quan liên quan, trong việc cắt giảm các quy định nhằm giảm chi phí logistics, ông Đức nhấn mạnh.

Về những cơ sở thực tiễn để ngành dịch vụ logistics thực hiện có kết quả các mục tiêu nhiệm vụ, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Lê Duy Hiệp cho rằng, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 thông qua Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên nước ta có một kế hoạch hành động logistics quốc gia toàn diện và là nội dung, động lực cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển.

Quyết định 200 đã đề ra 60 nhiệm vụ cụ thể trên 4 nội dung của hệ thống logistics Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt từ 50 trở lên.

Bên cạnh đó, việc nền kinh tế nước ta đang có đà tăng trưởng tốt, ước tính cả năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra, chính sách và luật lệ liên quan đến các hoạt động logistics đã và đang có thay đổi theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thương mại điện tử và công nghệ thông tin- tiền đề cho e-logistics đang phát triển mạnh mẽ thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia...

Đồng thời, kết cấu hạ tầng logistics đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ với các tuyến đường cao tốc, sân bay, cảng biển đang được xây dựng hoặc chuẩn bị đi vào hoạt động. Đây là tiền đề quan trọng cho việc tăng trưởng của ngành dịch vụ logistics phát triển và đạt được những mục tiêu như kỳ vọng, ông Hiệp khẳng định.