CEO Be Group: Malaysia có Grab, Indonesia có Go-Jek, vậy Việt Nam có gì?

Việt Hưng - 09:54, 08/04/2019

TheLEADERTrao đổi với TheLEADER, ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group - đơn vị vận hành ứng dụng gọi xe be tỏ ra lạc quan: “Vẫn luôn có chỗ cho các ứng dụng gọi xe Việt Nam”. Tuy nhiên, để nói về vị thế trên thị trường, thị phần số 1, số 2, hay số 3, thì còn phải xem quyết tâm, cũng như chiến lược của các startup tham vọng tới đâu.

Dù lĩnh vực gọi xe công nghệ mới xuất hiện tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, nhưng quy mô của thị trường này đã lên tới 500 triệu USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 41%, theo báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek. Tới năm 2025, thị trường gọi xe công nghệ sẽ đạt ngưỡng 2 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 29%/năm.

Với việc Uber rút lui khỏi Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, dư địa dành cho các ứng dụng gọi xe còn lại là rất lớn. Tuy nhiên, trong khi người Malaysia đã có Grab, Indonesia tự hào với Go-Jek, thì dường như Việt Nam lại chưa có được cái tên nào sáng giá.

Nhiều chuyên gia nghi ngại, nếu người Việt bỏ lỡ lĩnh vực gọi xe công nghệ, thì rất có thể trong cuộc chạy đua tới kỉ nguyên cách mạng 4.0, Việt Nam sẽ tiếp tục đánh mất lợi thế so với các nước trong khu vực. Đó không đơn thuần là việc Grab, Go-Jek sẽ chiếm lĩnh thị trường gọi xe Việt Nam, mà những ngành nghề khác cũng rất dễ nối đuôi nhau rơi vào tay các công ty ngoại.

Trao đổi với TheLEADER về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group – đơn vị hiện vận hành ứng dụng gọi xe be tỏ ra lạc quan: “Vẫn luôn có chỗ cho các ứng dụng gọi xe Việt Nam”. Tuy nhiên, để nói về vị thế trên thị trường, thị phần số 1, số 2, hay số 3, thì còn phải xem quyết tâm, cũng như chiến lược của các startup tham vọng tới đâu.

Được biết, trước khi đảm nhận việc dẫn dắt Be Group, ông Trần Thanh Hải từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại các công ty công nghệ hàng đầu như: VNG, Fim+, Vina Data, chudu24h.com, thành viên Ban giám đốc Sacombank, cũng như cố vấn cho rất nhiều các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại nước ta.

Chào ông Hải. Rất nhiều người từng tò mò về hoàn cảnh ra đời của ứng dụng be. Mong ông chia sẻ?

Ông Trần Thanh Hải: Để nói về ứng dụng gọi xe be, tôi nghĩ chỉ hoàn cảnh thôi là chưa đủ. Tôi cho rằng, việc be ra đời có lẽ phải bao gồm 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thú thật, kể từ khi be bắt đầu hình thành ý tưởng cho tới lúc ra mắt sản phẩm là cực kì nhanh chóng.

Cá nhân tôi khi mới biết đến lĩnh vực gọi xe công nghệ đã được truyền rất nhiều cảm hứng từ Go-Jek. Ở họ, tôi nhìn thấy niềm tự hào dân tộc cực kì lớn. Tôi được biết, ông chủ thương hiệu này vốn là con nhà binh, đồng thời gia đình họ có truyền thống yêu nước nồng nàn. Thực tế, Go-Jek đã tạo ra rất nhiều việc làm cho tầng lớp xe ôm đông đảo tại Indonesia. 70% các tài xế được hỏi đều cho biết, họ tham gia Go-Jek vì đó là công ty của Indonesia. Từ đó, tôi trộm nghĩ, Malaysia có Grab, Indonesia có Go-Jek, vậy tại sao Việt Nam không?

Vào thời điểm tháng 4/2018, đúng lúc Uber rút khỏi Việt Nam, chúng tôi bắt đầu ngồi phân tích, thị trường Việt Nam đã đủ lớn để có nhiều tay chơi cùng cạnh tranh, thay vì chỉ một thương hiệu độc quyền, thao túng và làm giá. Đặt vào hoàn cảnh này, quyết tâm đưa ứng dụng be ra mắt thị trường càng mạnh mẽ hơn.

Thời điểm đó, liệu ông đã lường trước được thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam sẽ có lúc nóng như đổ lửa hiện nay?

Ông Trần Thanh Hải: Không riêng gì lĩnh vực gọi xe công nghệ, mà ngành nghề nào cũng vậy, có cạnh tranh thì mới có phát triển. Hơn nữa, trong thị trường 100 triệu dân như Việt Nam, chắc chắn vẫn luôn có chỗ cho các ứng dụng gọi xe nội như be.

Từ thành lập tới nay, chúng tôi đã xác định, việc tập trung vào phục vụ khách hàng sẽ là phương châm chủ đạo của Be Group. Thực tế, cách làm việc của tôi vốn không lo ngó tới “hàng xóm”, mà chính là tin vào việc mình làm. Khi lập kế hoạch thì nó phải đúng đắn, tùy biến và khôn ngoan.

Dĩ nhiên, tay chơi nào cũng muốn thị phần của mình càng lớn càng tốt. Nhưng tôi nghĩ, thị trường này đủ lớn để 2 - 3 đơn vị cùng cạnh tranh. Cá nhân tôi kỳ vọng thị trường này sẽ cạnh tranh lành mạnh, lớn hơn về quy mô để ai cũng có một chỗ đứng. Cuối cùng, khung pháp lý sẽ hoàn thiện để bảo đảm quyền lợi và công bằng cho tất cả các bên tham gia.

CEO Be Group: Malaysia có Grab, Indonesia có Go-Jek, vậy Việt Nam có gì?
Ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group - đơn vị hiện vận hành ứng dụng gọi xe công nghệ "be"

Vậy theo ông, cơ hội dành cho các ứng dụng gọi xe công nghệ Việt Nam mới gia nhập thị trường như be là gì?

Ông Trần Thanh Hải: Đầu tiên, tôi khẳng định, tiềm năng về vận tải ở Việt Nam là rất lớn. Theo báo cáo của một số tổ chức uy tín, quy mô thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam hiện đạt 500 triệu USD. Tuy nhiên, 93% con số dự báo chủ yếu đến từ 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Như vậy, tất cả các tỉnh, thành phố khác chỉ chiếm khoảng 7%. Tôi tin rằng, con số thực tế lớn hơn 7% rất nhiều. Do đó, có thể nói thị trường gọi xe công nghệ vẫn chưa được khai phá hết.

Chúng ta đều biết, giao thông vận tải là điều thiết yếu của cuộc sống. Ở đâu chúng ta cũng có nhu cầu đi lại, vận chuyển. Cơ hội dành cho be chính là việc luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng trên các chuyến đi, và nhu cầu giao vận cũng vậy. Bên cạnh đó, với việc thị trường gọi xe công nghệ được dự báo tăng lên khoảng 2 tỷ USD vào năm 2025, tôi tin rằng, cơ hội của be cũng chính là cơ hội chung của toàn thị trường.

Đúng như ông chia sẻ, cuộc đua trên thị trường công nghệ tới đây sẽ rất khốc liệt. Chắc hẳn ông đã chuẩn bị cho be những chiến lược đặc biệt?

Ông Trần Thanh Hải: Ở bất kì ngành nghề nào cũng vậy, tôi tin chất lượng sẽ luôn là yếu tố quyết định việc giữ chân khách hàng. Bởi khi những chương trình khuyến mãi đi qua, khách hàng vẫn tự nguyện chi tiền để sử dụng dịch vụ của mình, thì đó mới là điều quan trọng mà be hướng tới.

Tôi không phủ nhận, be vẫn có khá mới và không tránh khỏi những bất cập trong quá trình vận hành. Mặc dù cộng đồng ít nhiều cũng ưu ái và thấu hiểu cho chúng tôi, nhưng be sẽ không vì thế mà ý lại việc “người Việt dùng hàng Việt” để kêu gọi sự cảm thông. Chúng tôi với nỗ lực không ngừng nghỉ đang từng bước nâng cao chất lượng để khiến các khách hàng hài lòng.

Một trong những chiến lược quan trọng của chúng tôi, đó là lấy tài xế làm gốc. Với quan niệm, được lòng khách là do tài xế, mà mất khách cũng do tài xế, be đã vàng đang hướng tới mô hình kinh doanh mà bản thân tài xế phải ổn định được về cuộc sống. Qua đó, chúng tôi sẽ có một lực lượng tài xế ổn định, gắn bó và đồng hành cùng be mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tôi tin, khi quyền lợi của tài xế gắn liền với sự phát triển của be, gắn liền với các tiêu chí chất lượng, thì họ cũng phải có những hành vi, ứng xử đúng mực, để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Cụ thể, be sẽ hiện thực hóa những chiến lược đó thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Trước mắt, kế hoạch của be trong năm nay là sẽ phải triển ít nhất tại 20 tỉnh thành trên cả nước. Với mong muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, đa dạng hóa dịch vụ, đồng thời đóng góp vào nguồn thu của các tỉnh, Be Group sẽ làm việc với chính quyền các địa phương, trên cơ sở đặt vấn đề tập trung phát triển mạng lưới vận tải.

Ngoài ra, be sẽ từng bước phát triển thêm các dịch vụ như giao vận hàng hóa, giao đồ ăn, thậm chí là nền tảng thanh toán, dịch vụ tài chính. Đồng thời, chúng tôi cũng mở cửa chào đón những đơn vị phù hợp cùng khai thác chứ không mang tư duy "làm tất, ăn cả". Bất kể startup Việt nào có cùng chí hướng thì công ty luôn sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Câu chuyện về be có một điểm thú vị, đó là be chọn ngành nghề là kinh doanh vận tải, mà không phải công ty công nghệ. Vậy sự khác biệt ở đây là gì, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Tôi cho rằng, trước hết chúng ta cần phải xác định đúng được bản chất ngành nghề của mô hình hoạt động này. Chúng tôi đang chứng minh be không phải là công ty công nghệ đơn thuần, mà là công ty vận tải có thể áp dụng được tất cả nền tảng tiên tiến nhất, từ đó, tối ưu hóa dịch vụ của mình.

Thực tế, nếu be chỉ là công ty công nghệ thì sẽ chuyên làm phần mềm kết nối và không được phép định giá, chế tài người tham gia. Trước khi be ra đời, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và kinh doanh thành công trong lĩnh vực này, nhưng tự nhận mình là mô hình công nghệ chứ không phải vận tải. Lý do là hiện tại luật của chúng ta chưa bắt kịp xu thế công nghệ, nên tạo ra một số điểm chưa thực sự phù hợp.

Đó là riêng về luật định, vậy nếu nói về tổng quan hoạt động gọi xe công nghệ tại Việt Nam, ông đánh giá thị trường này đã cạnh tranh lành mạnh hay chưa?

Ông Trần Thanh Hải: Quả thật, khi nhận mình là doanh nghiệp vận tải áp dụng công nghệ, be sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, có nghĩa vụ với tài xế và khách hàng nhiều hơn so với các doanh nghiệp công nghệ khác. Kể cả việc xin giấy phép, nếu muốn mở dịch vụ ở các tỉnh thành, chúng tôi đều phải xuống tận nơi xin giấy phép. Ngoài ra, giá của be còn có 10% VAT. Ban đầu, tài xế cũng phản ứng vì chưa hiểu bản chất thật sự, họ quen với cách làm chưa đúng lâu nay và nghĩ rằng chúng tôi thu chiết khấu 35%, nhưng thực tế chỉ là 26,125%.

Thực tế, nhìn vào ngành chuyên chở khách bằng xe dưới 9 chỗ trở xuống đang phát triển 30 - 40%/năm, trong khi thuế liên quan đến ngành không hề tăng trưởng 30 - 40%/năm. Nghĩa là nhà nước đang thất thu thuế từ các đối thủ của taxi, tức các anh mượn danh côngnghệ. Chính vì thế, nếu bản thân mình làm việc đúng pháp luật, vì lợi ích nước nhà, chắc chắn mình sẽ phát triển bền vững hơn.

Bằng việc kinh doanh minh bạch, tuân thủ pháp luật, giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, nhưng vẫn đảm bảo việc vận hành được tối ưu hóa nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, chúng tôi hy vọng cơ quan quản lý, những nhà làm luật tham khảo mô hình của be để có những điều chỉnh thích đáng nhằm tạo nên sự công bằng với tất cả doanh nghiệptrên thị trường này.

Xa hơn, ứng dụng gọi xe công nghệ - be sẽ có kế hoạch gì, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Nói về những kế hoạch xa hơn, chúng tôi tất nhiên luôn mơ ước be không chỉ thành công ở Việt Nam, mà còn là vươn tầm ra khu vực. Tuy nhiên, dù ước mơ có lớn tới đâu, thì trước mắt be vẫn là mục tiêu tập trung vào sản phẩm, cũng như làm tốt việc của mình tại thị trường trong nước. Với tôi, đã mơ thì phải mơ lớn, nhưng đã làm thì phải làm thực tế.

Cảm ơn ông. Chúc ông thành công với những dự định của mình!