Châu Á trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu

Phạm Sơn - 17:39, 07/04/2021

TheLEADERHàng triệu người đang phải đối mặt với những nguy cơ từ biến đổi khí hậu tại các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á.

Lũ quét, sạt lở đất do trận mưa lớn vào hôm chủ nhật vừa qua đã giết chết hơn 130 người tại Indonesia và khiến hàng chục người mất tích. Quốc gia nhỏ bé Đông Timor cũng ghi nhận 27 người thiệt mạng trong trận thiên tai này.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo về các hiện tượng thờ tiết cực đoan có khả năng như mưa đá, gió giật mạnh, hạn hán, xâm nhập mặn trong khoảng thời gian giao mùa (từ tháng 4 đến tháng 6).

Châu Á trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu
Lũ lụt từ hôm chủ nhật ở khiến hàng trăm người chết tại Indonesia và Đông Timor. Ảnh: Reuters.

Thực tế, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở thành “bình thường mới” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực phát triển mạnh mẽ bậc nhất, hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm sản xuất, tiêu dùng của toàn thế giới. Các hiện tượng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được nhiều tổ chức dự đoán sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng và bất thường.

Nghiên cứu của đại học Oxford cho biết, biến đổi khí hậu tại châu Á diễn ra theo chiều hướng “tập trung” mùa mưa và kéo dài mùa khô, tức là mùa mưa sẽ trở nên dữ dội, gây lũ lụt nặng nề, còn mùa khô kéo dài gây ra hạn hán, thiếu nước cho sinh hoạt, canh tác cũng như xâm nhập mặn.

Biến đổi khí hậu tác động lên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, con người, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. McKinsey ước tính, 8 – 13% GDP hàng năm sẽ là cái giá phải trả cho biến đổi khí hậu tại châu Á cho tới năm 2050, chưa kể tới những thiệt hại về văn hóa, xã hội và con người.

Theo nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature Communications, đến năm 2050, khoảng 300 triệu người sống tại những nơi có nguy cơ cao về lũ lụt, tập trung chủ yếu tại Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.

Hành động khẩn cấp

Theo Ban Thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, hầu hết các quốc gia châu Á đều đang hướng tới những mục tiêu nâng cao tham vọng đối phó với biến đổi khí hậu, thông qua giảm phát thải khí nhà kính. Điều này được thể hiện bởi cập nhật kế hoạch hành động về khí hậu theo Thỏa thuận Paris (NDC).

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đánh giá cao những nỗ lực của châu Á trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. TS. Vitor Gaspar, Giám đốc Ban tài chính IMF nhận định, các hành động chống lại sự nóng lên toàn cầu của châu Á “có thể được cảm nhận một cách rõ rệt.

IMF đưa ra 3 hướng chính sách tài khóa cho các quốc gia châu Á, bao gồm cả những quốc gia đang phát triển có thể ứng dụng để hỗ trợ hiệu quả công tác chống biến đổi khí hậu.

Đầu tiên, sử dụng công cụ thuế các bon một cách linh hoạt linh hoạt. Châu Á với dân số đông, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đang là khu vực phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới, chiếm ½ tổng lượng phát thải nhà kính toàn cầu. Vì vậy, để chống lại biến đổi khí hậu, việc cắt giảm lượng khí thải phải được đặt lên hàng đầu.

Thuế các bon là công cụ rất hiệu quả để giảm phát thải, tuy nhiên ít được sử dụng trong khu vực châu Á, đặc biệt là tại các nước chưa phát triển do những lo ngại về giá năng lượng tăng cao gây tổn thương nhóm dân cư thu nhập thấp.

Theo các chuyên gia IMF, để áp dụng công cụ thuế các bon nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho nhóm dân cư thu nhập thấp, các chính phủ có thể cân nhắc sử dụng khoản thu từ thuế các bon để đầu tư vào an sinh xã hội cũng như cắt giảm một số loại thuế, phí khác.

Thứ hai, tăng khả năng thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu, thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, cải thiện hệ thống sử dụng tài nguyên nước, khôi phục diện tích rừng và cảnh báo sớm thiên tai. Theo tính toán của IMF, trung bình mỗi quốc gia cần phải đầu tư khoảng 3% GDP để có thể chống chịu được với những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan.

Lý giải về điều này, Giám đốc Ban tài chính IMF cho biết, tốc độ nóng lên toàn cầu đang tăng cao hơn bất cứ thời điểm nào trong quá khứ và khó có thể kìm hãm ngay lập tức. Các hành động cắt giảm khí thải là cần thiết nhưng lượng khí thải từ quá khứ vẫn tích tụ trong khí quyển và gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cuối cùng, “đầu tư xanh” cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19. “Theo đuổi sự phục hồi xanh dường như khó khăn, nhưng lại là cơ hội tốt tạo thêm việc làm và tăng trưởng bền vững”, ông Gaspar nhận xét.

Về lâu dài, đầu tư xanh sẽ củng cố nền kinh tế, giúp nền kinh tế châu Á bền vững hơn, linh hoạt hơn cũng như vươn lên dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, xe điện, sản xuất hạn chế phát thải các bon.

IMF khuyến nghị các quốc gia phát triển tích cực thúc đẩy tài trợ và chuyển giao công nghệ xanh cho các nước đang phát triển để tạo hiệu quả lan tỏa.