Chủ tịch EuroCham: Khuôn khổ pháp lý về PPP còn quá đơn giản

Kiều Mai - 12:55, 26/10/2022

TheLEADERTheo Chủ tịch EuroCham Alain Cany, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý toàn diện hơn để các công ty FDI có thể đóng góp nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng.

Nhiều rủi ro tăng trưởng trên toàn cầu

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, nhận định “con tàu” kinh tế toàn cầu đang rẽ sang những hướng khác khó lường sau mức tăng trưởng đầy tích cực trong năm 2021.

Sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khởi phát, chiến tranh và hỗn độn đã đến tận châu Âu gõ cửa, và nền kinh tế toàn cầu bị giáng một đòn nghiêm trọng.

Hệ quả là giá năng lượng tăng đột biến, lan rộng khắp các thị trường toàn cầu, đẩy giá hàng hóa lên cao, và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Các mặt hàng tiêu dùng, dệt may, linh kiện điện tử… ngày càng trở nên đắt đỏ và khan hiếm nguồn cung hơn.

“Các nước đang phát triển chú trọng sản xuất như Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực này”, ông nhấn mạnh tại Hội nghị Triển vọng thị trường của HSBC mới đây.

Nhiều khả năng, những tác động này sẽ ngày càng nghiêm trọng và gia tăng khi xung đột kéo dài. Trong tương lai gần, các rủi ro và tình hình bất ổn sẽ vẫn ở mức cao.

Chủ tịch EuroCham: Khuôn khổ pháp lý về PPP còn quá đơn giản
Chủ tịch EuroCham Alain Cany tại Hội nghị Triển vọng thị trường của HSBC.

Tại Trung Quốc, các biện pháp giãn cách vẫn đang được tiếp tục để đối phó với những diễn biến mới của dịch bệnh.

Trong khi đó, số liệu từ Bộ Công thương cho thấy gần 55% nguyên liệu thô và phụ kiện của Việt Nam dùng trong dệt may và da giày được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Do vậy, chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi chiến lược “zero Covid”, kéo theo tình trạng tắc nghẽn nguồn cung ứng và logistics, thì Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào thiết yếu, như linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải vóc và hóa chất.

“Thực tế này đe dọa tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam”, đại diện EuroCham phân tích.

Không chỉ vậy, tình trạng thiếu hụt lao động toàn cầu lại càng kìm hãm tăng trưởng.

Năm 2022, Tổ chức Lao động quốc tế dự đoán mức thâm hụt số giờ làm việc toàn cầu tương đương với 52 triệu lao động toàn thời gian bị mất việc trên thế giới. Riêng Việt Nam lại đặc biệt gặp khó khăn trong việc có đủ nhân công cần thiết nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Tổng hòa những yếu tố này đã khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm trên thế giới, và Việt Nam không phải ngoại lệ.

Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất do EuroCham công bố cho thấy, trong quý III/2022, niềm tin của các doanh nghiệp Châu Âu về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam tiếp tục giảm xuống 62 điểm phần trăm.

Liên Hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Nhiều yếu tố hỗ trợ triển vọng lạc quan của Việt Nam

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới vẫn còn bất ổn, triển vọng của Việt Nam khá tích cực.

Mặc dù Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ suy yếu chỉ ở mức 2,8% cho năm 2022, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 7.2%.

Động lực tạo nên mức tăng trưởng này chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số.

Ông Alain Cany phân tích: “Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này”.

Sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là hai yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tính đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 19% GDP, tăng lên đáng kể so với mức dưới 1% của năm 2010. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia và Thái Lan.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 5 năm qua.

Không chỉ vậy, Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới xét về tỷ trọng với GDP.

Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam, một phần do chiến lược Trung Quốc+1 và một phần 15 FTA Việt Nam đã tham gia, thị trường xuất khẩu và FDI sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, ông đánh giá.

Đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế vững mạnh hơn

Việt Nam xếp thứ 70/190 trong báo cáo môi trường kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới. Khó khăn trong thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và nộp thuế là những nguyên nhân chính được nhắc đến.

Trong một môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh, Việt Nam cần tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ.

“Để làm được điều đó, Việt Nam cần hết sức ưu tiên cải thiện khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và ưu đãi cho doanh nghiệp”, vị chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Tiếp theo, các nhà đầu tư cả hai khối công tư cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, bởi Việt Nam là quốc gia rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tham vọng về bền vững, khi cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Sau đó, các mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2030 đã được đặt ra, bao gồm giảm mức tiêu thụ năng lượng trên GDP, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tăng cường kinh tế số và mở rộng độ bao phủ rừng. Một chiến lược toàn diện, ví dụ như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam, đã tiếp thêm động lực.

“Chắc chắn, quá trình triển khai những thay đổi lớn lao và phát triển năng lượng tái tạo đòi hỏi những khoản đầu tư không nhỏ. Chính phủ Việt Nam sẽ cần kêu gọi sự hỗ trợ để thay đổi, và khối FDI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp công nghệ, chuyên môn và nguồn vốn”, ông Alain Cany nhận định.

Ông cho biết thêm mặc dù các thành viên EuroCham sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn vốn xanh, tiềm năng vẫn bị hạn chế do những khó khăn trong pháp lý, tình trạng quan liêu, và cơ sở hạ tầng mạng lưới chưa đủ đáp ứng.

Tình trạng đó cũng diễn ra ở các cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam, dù là cơ sở hạ tầng năng lượng hay giao thông. Khảo sát BCI cho thấy một lĩnh vực quan trọng Việt Nam cần cải thiện để thu hút thêm FDI là phát triển cơ sở hạ tầng.

Khuôn khổ pháp lý của Chính phủ còn quá đơn giản, không xác định rõ quyền của nhà đầu tư, và không đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề lớn liên quan đến phương thức PPP

Vốn FDI đang sẵn có và có thể hỗ trợ. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư của chính phủ có hiệu lực vào đầu năm 2021, số lượng các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) trên thực tế đã giảm dần. Trong năm 2021 và 2022, hầu như không có nguồn vốn tư rót vào cơ sở hạ tầng công.

Đại diện EuroCham đánh giá nguyên nhân là do hiện nay, khuôn khổ pháp lý của Chính phủ còn quá đơn giản, không xác định rõ quyền của nhà đầu tư, và không đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề lớn liên quan đến phương thức PPP.

“Tôi hy vọng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục khai thông thủ tục hành chính và xây dựng khung pháp lý toàn diện để các công ty FDI có thể đóng góp nhiều hơn”, ông kiến nghị.

Ông cũng nhấn mạnh: “Để phát triển Việt Nam trong tất cả lĩnh vực quan trọng, bao gồm chuyển đổi xanh, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế số, vươn lên trên chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, hai khối công và tư phải phối hợp với nhau để nâng cao năng lực nguồn nhân lực của Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết”.

Cuối cùng, ông lưu ý rằng tất cả các sáng kiến hợp tác, khối tư nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì 96% doanh nghiệp mới trong nước là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.