Chủ tịch KIDO tiết lộ nguyên nhân các doanh nghiệp bị 'lão hóa sớm'

Đặng Hoa - 08:10, 13/11/2019

TheLEADERChủ tịch KIDO Trần Kim Thành cho rằng, ở mỗi giai đoạn, doanh nghiệp phải chuyển mình mặc dù có thể phải chịu đau đớn và hy sinh, thậm chí phải hy sinh cả người đồng hành, vợ chồng, anh em.

Chủ tịch KIDO tiết lộ nguyên nhân các doanh nghiệp bị 'lão hóa sớm'
Chủ tịch KIDO Trần Kim Thành

Doanh nghiệp có thể “chết” bất kỳ lúc nào

Điều đầu tiên mà bất kỳ ai cũng cần có nếu muốn thành lập doanh nghiệp, theo Chủ tịch KIDO Trần Kim Thành là ý tưởng ban đầu. Khi khởi nghiệp, ông Thành đã xác định ý tưởng là số 1 thế giới, không ai sánh bằng, phải bảo vệ tối đa ý tưởng của mình. Nhưng ý tưởng này phải có khả năng thực hiện chứ không mang tính ảo tưởng.

Từ lúc còn bé, nhà sáng lập KIDO đã có ước mơ thành nhà khoa học chứ không phải doanh nhân. Ông rất thích Einstein và Newton bởi họ dù là những người thường nhưng lại có suy nghĩ rất khác biệt. Lớn lên ông theo ngành vật lý, sau mới nghiên cứu kinh tế. Ông Thành đọc rất nhiều sách vì đó là cách ông chuẩn bị cho những việc có thể xảy đến bất ngờ trong cuộc sống. Có lẽ điều này cũng tương tự như mong muốn được thách thức, thử tài bản thân của ông dù chưa biết chắc chắn những điều sẽ làm.

Do ảnh hưởng từ toán học, đặc biệt là hình học nên Chủ tịch KIDO còn có thói quen đặt ra các câu hỏi “tại sao”, luôn đặt ra các điều kiện cần và đủ. Vào quán ăn, ông luôn thắc mắc tại sao lại thế này mà không phải như thế kia, sau khi khảo sát xong ông tự tính toán xem điều gì sẽ giữ lại và điều gì cần sửa nếu ông là chủ cửa hàng.

Rồi ông thắc mắc liệu có thể xây các toà nhà mà vốn dĩ trước đây chỉ vua chúa mới làm. Đi qua Hải sản Hùng Vương, ông nghĩ chừng nào mình mới có nhà máy to như vậy, điều kiện gì. Ông thắc mắc chừng nào có thể có miếng đất 9.000m2 để làm nhà máy như một người họ hàng của ông, nếu muốn có thì phải làm gì. Cuối cùng, chưa đầy 5 năm, ông đã có một nhà máy lớn hơn.

“Uớc mơ của bản thân không quá xa nhưng không dễ làm, đòi hỏi phải bỏ thời gian đi tìm hiểu các yếu tố cần thiết để hiện thực hóa”, ông Thành cho biết.

Những động cơ đẩy ông liên tục đi từ ước mơ này đến ước mơ khác nhưng ông nhấn mạnh một điều là ước mơ phải gắn liền với thực tiễn. Nhớ lại thời điểm vẫn còn đi học, khi giải một bài vật lý, cả lớp chỉ có ông và một người bạn nữa có đáp án là 8 viên đạn cần bắn ra trong khi những người còn lại đều đưa ra con số 7,5. Ông lý giải, làm gì có ai bắn ra 7,5 viên đạn, phải thực tế.

Khi đã có ý tưởng rồi, khâu tiếp theo là tuyển nhân viên, tìm cổ đông và rồi chắc chắn sẽ đi kèm với những lời hứa hẹn. Chủ tịch KIDO nhấn mạnh, ra sản phẩm nhưng không như ý muốn nghĩa là thất hứa. Như vậy, câu chuyện hoàn thiện sản phẩm là một điều rất quan trọng. Khi đã bước qua thời kỳ lập doanh nghiệp, đi vào thực hiện kinh doanh mà không ra kết quả thì lời hứa cũng thành mây khói, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể phá sản ngay ở thời điểm này.

Hoặc chủ doanh nghiệp mang ý tưởng đi “chào” nhiều nơi, nhận được nhiều lời góp ý nhưng chủ doanh nghiệp không nghe, chỉ cố gắng chứng minh điều mình đang nghĩ là đúng thay vì muốn lắng nghe. Với những doanh nghiệp này, ông Thành cho rằng khả năng “chết” rất cao.

Đây cũng là một trong bốn giai đoạn startup phải trải qua, theo nhận định của Chủ tịch KIDO tại sự kiện "Hành trình từ 0 đến 1 – Những bài học trong 5 năm đầu vượt sóng" do Group Quản trị và khởi nghiệp tổ chức. Ở giai đoạn đầu tiên, vòng quay 0 - 1 được lặp đi lặp lại nhiều lần, cho đến khi ý tưởng được chuyển hóa thành sản phẩm phù hợp với thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận. 

Ở giai đoạn thứ hai, từ 1 - 10, cần tìm mọi cách phân phối sản phẩm trên các kênh trực tuyến và truyền thống. Tuy nhiên, không nên "đốt" tiền nhiều mà chỉ kiểm tra từng loại kênh để đảm bảo khi mở rộng sẽ phù hợp.

Chủ tịch KIDO Trần Kim Thành: Ước mơ phải gắn liền với thực tiễn
Bốn giai đoạn startup phải trải qua

Các startup thường mắc sai lầm ở ngay từ đầu bằng việc đốt cháy giai đoạn, từ ý tưởng đã đòi làm lớn, bỏ qua vòng quay 1 – 10 là giai đoạn kinh doanh trải nghiệm. Ông Thành cho rằng đó là điều không tưởng và khả năng thất bại cao. Như vậy phải hoàn thiện sản phẩm và bán được hàng mới hình thành mô hình kinh doanh.

Còn nhớ những ngày đầu, ông Thành tìm mọi cách xin gia đình cho ra ngoài kinh doanh. Mỗi ngày, ông đều phải làm hết công việc ở nhà rồi mới bắt đầu làm việc của mình. Cùng với "vua bánh mì" Sài Gòn Kao Siêu Lực đi bán bột mỳ nhưng sau khi bị quỵt nợ, siết nợ không được nên ông quyết định chở luôn lò làm bánh của họ về nhà và bắt đầu sự nghiệp làm bánh.

Mới đầu, mỗi ngày ông chỉ làm 9kg bánh. Ông tự nghĩ ra công thức mới, tự xây lò rồi tìm đến những người bán bánh đánh giá, góp ý. Ông thử và sửa sai liên tục trong sáu tháng, chấp nhận không mang đi bán, để hoàn thiện sản phẩm, được thị trường chấp nhận và bán được 3kg bánh đầu tiên. Sau đó ông bắt đầu đi chào hàng các tiệm bánh, cho họ ăn thử và có được những đơn hàng đầu tiên từ một số cửa hàng bán lẻ.

Khi bước vào kinh doanh rồi, ông Thành chỉ ra rằng doanh nghiệp phải đối mặt với câu chuyện quản lý, từ bán hàng đến tài chính. Bởi nếu không bán được hàng, doanh thu không đạt, không đủ để trang trải chi phí, việc quản lý tiền trở nên khó khăn, không biết sử dụng tiền, khả năng âm vốn cao, vượt quá năng lực và rồi doanh nghiệp phá sản.

Sau khi sản phẩm đã hoàn thiện, đã có được những đơn hàng đầu tiên, câu chuyện tiếp theo ông Thành tính đền là vấn đề phân phối sản phẩm. Lúc đầu, ông phân phối bánh cho bốn đại lý lớn, thân quen ở chợ Bình Tây. Tuy nhiên, sau khi một đại lý dừng đặt hàng, ông mất ngay 25% thị phần. Nhận thấy nếu tiếp tục phụ thuộc vào bốn đại lý này, con đường phía trước sẽ khó sáng sủa. Ông Thành cùng em trai là ông Trần Lệ Nguyên quyết định tìm đến những nhà phân phối khác với các thị trường tiềm năng thay vì cố thủ ở một thị trường cũ và cứ thế mở rộng khắp Việt Nam.

Nhưng lượng đại lý quá nhiều, theo ông Thành, cũng là một vấn đề với các doanh nghiệp mới sáng lập do việc quản lý sẽ trở nên khó khăn. Ông lại định ra chuẩn mới, tìm đến hợp tác với những nhà phân phối số một của các khu vực chỉ sau vài tháng và rồi trở thành doanh nghiệp bánh kẹo số 1 Việt Nam. Chủ tịch KIDO cho biết mới đầu các nhà phân phối chắc chắn có yêu sách nhưng ông vẫn phải chiều để có lợi về sau.

Như vậy, ở giai đoạn thứ ba, startup nào có thể hoàn thiện sản phẩm và được thị trường chấp nhận sẽ bước vào vòng quay từ 10 – 100, hình thành mô hình kinh doanh, sau đó phát triển, nhân rộng và thậm chí có thể gọi vốn ở giai đoạn 100 – 1000.

Tuy nhiên, một thực trạng nguy hiểm khác đối với các doanh nghiệp từng được ông Thành chỉ ra tại sự kiện “Tinh hoa tam trị” do JCI tổ chức là khuyến mãi một cách bừa bãi vì muốn có doanh thu nhưng rồi “lỗ chết”. Nhiều doanh nghiệp dù không lỗ nhưng tiền về đã xác định ngay là văn phòng phải xịn, phải cải tiến và bắt đầu phung phí.

Chủ tịch KIDO Trần Kim Thành: Ước mơ phải gắn liền với thực tiễn 1
Ông Trần Kim Thành (trái) và em trai là ông Trần Lệ Nguyên

Bước vào giai đoạn tăng trưởng sau khi đã vượt qua thua lỗ và có lời, việc xác định người đưa ra quyết định cuối cùng cũng là một điều quan trọng, đặc biệt với những doanh nghiệp có đồng sáng lập. Nếu có cổ đông thì làm thế nào để chịu lắng nghe nhau, ai sẽ là người dẫn dắt.

Chủ tịch KIDO nhấn mạnh, nhà sáng lập cần phân công trách nhiệm dựa trên năng lực của từng người, phải nắm chắc năng lực của họ thì mới không xảy ra vấn đề trong ứng xử. Còn nếu không xác định rõ ai sẽ đưa ra quyết định cuối cùng thì dễ dẫn đến hình thành phe phái giữa các cổ đông bởi lẽ ai cũng muốn nghiêng vào một bên có lợi hơn cho mình. Như vậy, nếu không có người làm lãnh đạo chính thức, doanh nghiệp có thể tan rã.

Khi đã qua được khó khăn này, công việc nhiều hơn, các phòng ban sẽ bắt đầu phải phân quyền nhưng lại trong bối cảnh không có hệ thống quy trình để làm cơ sở để phân quyền. Khi phân quyền cũng không nói rõ phân quyền để giải quyết vấn đề gì, quyền hạn tới đâu và cuối cùng dẫn đến mất kiểm soát.

“Lúc này, quản trị xuất hiện, phải có những quy trình để khi giao việc cho người khác, họ sẽ làm giống mình và doanh nghiệp tiếp tục đi lên”, ông Thành chỉ ra.

Đến giai đoạn trưởng thành, doanh số và thị trường khá hơn thì tiền bắt đầu nhiều lên. Một số nhà sáng lập chọn cách dùng tiền đi đầu tư nhiều nơi thay vì tiếp tục phát triển doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp đi từ thai nghén lên trưởng thành rồi kiêu căng, cho rằng có thể làm mọi thứ, thế giới không có gì khó, “thế là mất máu và chết”.

Chủ tịch KIDO nhìn nhận, đáng lẽ nhiều doanh nghiệp có thể đi tiếp và phát triển hưng thịnh nhưng lại rơi vào trạng thái lão hoá sớm. Ông Thành nhấn mạnh, phải quản lý về đầu tư, không thể đầu tư bừa bãi.

Sau khi trưởng thành, doanh nghiệp bước vào thời điểm ma sát giữa các thành viên cũ bắt đầu lớn dần, nhiều mâu thuẫn xuất hiện đến mức không giải quyết được, cuối cùng một trong số những người sáng lập, cổ đông “chia tay” và mở công ty cạnh tranh.

“Mỗi giai đoạn, chu kỳ sẽ có một vấn đề. Từ giai đoạn ý tưởng tới giai đoạn ổn định, từ ổn định tới gần chết, cái gì không được việc thì đừng làm. Toàn bộ công ty lớn đều bị dính”, ông Thành gửi lời khuyên đến các startup.

Chủ tịch KIDO cho rằng, ở mỗi một giai đoạn, doanh nghiệp phải chuyển mình mặc dù mỗi bước chuyển mình có thể đau đớn và hy sinh nhiều, hy sinh cả người đồng hành, thậm chí cả vợ chồng, anh em. Những lúc doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp bị "đuối", phải tìm người quản trị mới có năng lực để phát triển doanh nghiệp.