Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp thiếu văn hóa cũng như nhà thiếu cột trụ

Việt Hưng - 11:34, 04/10/2018

TheLEADERTS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, văn hóa doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt và bao dung chứ không phải chỉ là ăn theo yếu tố kinh tế, công nghệ.

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp thiếu văn hóa cũng như nhà thiếu cột trụ
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Trong một nghiên cứu của Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie Việt Nam), có đến 92% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng văn hóa có tác động lớn đến kết quả tài chính hoặc văn hóa là yếu tố rất quan trọng để đạt được mục tiêu tài chính.

Đề cập đến vai trò của văn hóa doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, nếu coi doanh nghiệp như ngôi nhà, thì văn hóa doanh nghiệp là một trong những trụ cột vững chắc. Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe, thì động cơ chắc chắn là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp.

Đồng nghĩa, thiếu văn hóa thì doanh nghiệp như ngôi nhà thiếu trụ cột, như cỗ xe không có tay lái, như hành trình thiếu ngọn đuốc soi đường.

Về định nghĩa văn hóa doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc chỉ ra một vấn đề bất cập hiện nay là nhiều doanh nghiệp đang hiểu lầm định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp là văn nghệ, thể thao.

Thực chất, văn hóa doanh nghiệp là tổ hợp những hành vi ứng xử, cách nghĩ cách cảm nhận cách giao tiếp, cách hàng động, theo đó tổng hòa các quan hệ có giá trị được tạo ra từ đạo đức, triết lý ý tưởng, mục tiêu, phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp là tinh thần, là phần hồn của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt và bao dung chứ không phải chỉ là ăn theo yếu tố kinh tế, công nghệ, theo kiểu "phú quý mới sinh lễ nghĩa".

Bản chất văn hóa doanh nghiệp cấu trúc thành 5 lớp gồm:

Triết lý quản lý và kinh doanh: Đây là lớp quan trọng nhất của văn hóa doanh nghiệp, bao gồm những triết lý quản lý và kinh doanh cốt lõi nhất, căn bản nhất. Đây là cơ sở xây dựng định hướng hoạt động của doanh nghiệp và chi phối các quyết định quản lý; là niềm tin, là giá trị bền vững không thay đổi bất chấp thời gian và ngoại cảnh. 

Vì vậy, điều kiện để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công là sự cam kết của những người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp. Bởi phần quan trọng nhất, trái tim và khối óc của doanh nghiệp nằm ở lớp trong cùng của văn hóa.

Động lực của cá nhân và tổ chức: Lớp yếu tố quan trọng thứ hai của văn hóa doanh nghiệp chính là các động lực thúc đẩy hành động của các cá nhân, và môi trường “động lực chung” của tổ chức. Các yếu tố động lực này sẽ biểu hiện ra ngoài bằng những hành vi hàng ngày của các cá nhân trong doanh nghiệp.

Quy trình quy định: Quy trình, quy định, chính sách giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, theo chuẩn. Đây cũng là cấu thành giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, góp phần tạo tính ổn định và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp với nỗ lực làm hài lòng khách hàng và xã hội.

Hệ thống trao đổi thông tin: Đây là lớp cấu thành thứ tư trong văn hoá doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý đa dạng, đa chiều, chính xác và kịp thời. Hệ thống này cần đảm bảo mọi thông tin cần thiết cho doanh nghiệp đều được thu thập, truyền đạt, lưu trữ và xử lý; đồng thời đảm bảo cho mọi thành viên doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng các thông tin cần thiết cho các hoạt động thường nhật cũng như công tác lập kế hoạch, xây dựng định hướng chiến lược.

Phong trào, nghi lễ, nghi thức: Đây là cấu thành văn hoá bề nổi, phản ánh đời sống, sinh hoạt của công ty. Tuy không trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, nhưng ảnh hưởng của nó đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng rất lớn. Nó tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của công ty, tạo ra sự khác biệt của công ty với bên ngoài, tạo hình ảnh tốt cho công ty trước cộng đồng qua đó góp phần xây dựng thương hiệu ...

Do vậy, để thực sự tạo ra “cá tính” của doanh nghiệp, tạo ra sức mạnh canh tranh cho doanh nghiệp, doanh nhân, cán bộ quản lý cấp cao, các nhà lãnh đạo và quản lý các cấp khác phải nhất thiết tham gia vào quá trình xây dựng văn hoá của tổ chức mình.

Bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp cho thấy không thể xây dựng một thương hiệu mạnh và bền vững nếu thiếu một nền tảng quản trị và văn hóa doanh nghiệp mạnh.

Chính văn hóa doanh nghiệp là hồn cốt cho sự cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi văn hóa doanh nghiệp không thể vay mượn hay sao chép.

“Văn hóa doanh nghiệp có giá trị vĩnh hằng nhưng phải luôn luôn được thăng hoa, công nghệ càng phát triển thì văn hóa càng phát triển cao hơn. Văn hóa doanh nghiệp là cái neo nhân văn của cuộc CMCN 4.0” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đặt trong bối cảnh thế giới hội nhập, công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ông lộc cho rằng, quy mô của doanh nghiệp dù lớn, vừa, hay nhỏ không còn quyết định lợi thế cạnh tranh, mà vấn đề quan trọng nhất là tốc độ.

“Thời kỳ cá bơi nhanh sẽ xơi con cá bơi chậm, khác với thời kỳ cá lớn nuốt cá bé như các năm trước đây” - TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Để có thể đạt tốc độ trong sự cạnh tranh, theo TS Vũ Tiến Lộc cần phải thay đổi công nghệ quản trị và để làm được điều đó phải thay đổi từ nền tảng văn hóa.“Đấy là vấn đề quyết định cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới” - Chủ tịch VCCI cho biết.