Chuyên gia pháp lý Nhật Bản bật mí cách đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng

Thu Phương - 15:39, 04/03/2019

TheLEADERÔng Hirota Fushihara, chuyên gia pháp lý người Nhật Bản cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất khi đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng chính là việc dám thừa nhận sự tồn tại của tham nhũng, hối lộ và tính toán được nó.

Chuyên gia pháp lý Nhật Bản bật mí cách đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng
Tiến sĩ luật Hirota Fushihara

Theo ông Hirota Fushihara, tiến sĩ luật, chuyên gia pháp lý người Nhật Bản đang sống và làm việc ở Việt Nam, quy mô của kinh tế ngầm ở các nước có tính minh bạch thấp thường chiếm khá lớn trong nền kinh tế. Nguyên nhân của sự tồn tại khu vực kinh tế này là do quản lý nhà nước, hệ thống chính sách còn nhiều bất cập.

Trong khi đó, để có thể đo đếm, tính toán quy mô của kinh tế ngầm là không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi Việt Nam phải rất nỗ lực trong việc thống kê các hoạt động kinh tế, nhiều khu vực không dễ để đưa ra ánh sáng.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang muốn thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (trong đó có kinh tế ngầm) vào quy mô của nền kinh tế. Theo ông, việc làm này có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế?

Ông Hirota Fushihara: Khi muốn nắm bắt quy mô của nền kinh tế, tình hình phát triển kinh tế của một quốc gia, thường quốc gia đó sẽ dựa theo tổng sản lượng quốc nội (GDP). Tuy nhiên, trong bất cứ một nền kinh tế nào đều có những hoạt động kinh tế không được kiểm soát bởi thống kê thường được gọi là kinh tế ngầm. 

Việc đánh giá về quy mô hoat động của kinh tế ngầm trước hết nhằm đánh giá chính xác hơn quy mô nền kinh tế, qua đó giúp nhà nước thực hiện chính sách phát triển kinh tế vĩ mô một cách hiệu quả hơn. 

Thứ hai, quy mô cũng như tồn tại cũa kinh tế ngầm là thước đo cho sự tin cậy của những chủ thể tham gia hoạt động kinh tế với chế độ chính sách của nhà nước về quản lý kinh tế. Trong đó có thể bao gồm về chế độ thuế, quản lý ngân hàng, hối đoái hay chế độ phúc lợi xã hội. 

Như vậy, việc nắm bắt quy mô cũng như thành phần, nguyên nhân phát sinh của kinh tế ngầm sẽ có thể góp phần sửa đổi, kiện toàn lại các chế định, chế độ quản lý nhà nước về các chính sách. Qua đó, tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế ngầm sẵn sàng tham gia vào kinh tế chính thức. 

Thứ ba, việc đưa kinh tế ngầm vào quy mô kinh tế quốc gia sẽ góp phần làm gia tăng tổng sản lượng quốc nội. Trong khi đó, khi đánh giá về tài chính quốc gia, thường đánh giá mức độ thâm hụt tài chính dựa theo tỷ lệ trên tổng sản lượng quốc nội danh nghĩa. Điều này có nghĩa, khi tổng sản lượng quốc nội danh nghĩa được tăng bởi kinh tế ngầm sẽ giúp cho việc điều tiết tài chính quốc gia được thoải mái hơn.

Nhìn chung, nội dung của kinh tế ngầm có thể khác nhau tùy theo mỗi nền kinh tế nhưng thường bao gồm các hoạt động như mua bán hàng hóa và dịch vụ bị cấm, giao dịch trái pháp luật, các hành vi chống thuế và những trao đổi tiền bạc qua những lý do bất chính hoặc không lành mạnh như tiền môi giới, hối lộ, tham nhũng.

Tuy nhiên, những hoạt động kinh tế như hoạt động của các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ, kinh tế hộ gia đình hay tự sản tự tiêu có nên đưa vào khái niệm kinh tế ngầm hay không là một câu hỏi. 

Sở dĩ, hoạt động của các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ hay của hộ gia đình không được kiểm soát bởi thống kê là vì hệ thống quản lý thuế chưa thu thập được dữ liệu để đánh thuế.

Việc Việt Nam chưa thống kế được hoạt động kinh tế ngầm qua đó cũng phản ánh những bất cấp về cơ chế và chế độ thuế nói chung. Bên cạnh đó, không ít nhiều doanh nghiệp hiện nay thường tạo ra hai, ba sổ sách để chống thuế các loại. Liệu cơ chế quản lý thuế hiện nay có thể kiểm soát tốt thực trạng trên để tính thuế đối với những hoạt động kinh tế này.

Một vấn đề lớn hơn đối với kinh tế ngầm là hối lộ, tham nhũng. Dù đó là trái pháp luật, hay có thể cho là phạm vi tình cảm nhưng rõ ràng phải thừa nhận rằng, chuyện này không phải ngoại lệ đối với nền kinh tế Việt Nam. 

Theo thông tin thấy được qua những cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ, có thể thấy hối lộ và tham nhũng được phổ biến khá rộng rãi. Trong đó, những số tiền được lưu thông và chuyển giao qua hình thức tham nhũng, hối lộ liên quan đến cán bộ nhà nước là một thực tế góp phần cho hoạt động kinh tế ngầm. 

Tôi không rõ là Chính phủ Việt Nam sẽ đưa phần này vào thành phần của kinh tế ngầm hay không? Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nắm bắt chính xác quy mô hoạt động kinh tế của đất nước thì không thể lờ đi yếu tố này bởi quy mô của thành phần này chắc chắn là không nhỏ trong toàn bộ khu vực kinh tế ngầm. 

Tôi cho rằng, thừa nhận tham nhũng và hối lộ có đóng góp nhất định vào nền kinh tế là cần thiết vì đó là khách quan. Song về mặt đạo đức cũng như theo tinh thần tuân thủ pháp lý, liệu các cơ quan quản lý có dám nhận diện sự tồn tại này và thống kê nó hay không vẫn đang là một câu hỏi.

Như vậy, có vẻ sẽ rất khó khăn nếu muốn thống kê khu vực kinh tế này, thưa ông?

Ông Hirota Fushihara: Việc tính thêm kinh tế ngầm vào GDP có ý nghĩa như đã trình bày ở trên, Việt Nam sẽ nắm bắt được quy mô thực tế của nền kinh tế. 

Tuy nhiên, những "mặt được" nhiều khi sẽ là "con dao hai lưỡi". Bởi sự tồn tại của kinh tế ngầm nhiều khi thể hiện những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước hiện tại, bộc lộ những mặt tồn tại, bất cập, chưa đầy đủ về mặt chính sách hiện nay. Theo nghiên cứu cho thấy, quy mô kinh tế ngầm thường cao hơn ở các nước có tính minh bạch thấp. 

Trong khi đó, việc đo đếm tính toán quy mô của hoạt động kinh tế ngầm đòi hỏi Việt Nam phải điều tra và lượng hóa những giao dịch phi pháp như giao dịch ma túy hay mại dâm bằng cách lấy thống kế các phạm tội diễn ra để suy luận số lượng. 

Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải ước tính số lượng doanh nghiệp tạo ra nhiều sổ sách kế toán, hay ước lượng được số cán bộ nhà nước thu lợi bất chính, nhận hối lộ, tham nhũng. 

Khi làm rõ những câu chuyện này, chắc chắn sẽ gặp phải những sự tranh luận lớn trong xã hội. Nhưng ngược lại, nếu nhà nước và xã hội nhận diện được những vấn đề tồn tại trong kinh tế ngầm và xem xét một cách chính trực thì điều đó sẽ góp phần to lớn cho xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp.

Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc kiểm soát khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế?

Ông Hirota Fushihara: Theo báo cáo nghiên cứu của IMF, tỷ lệ kinh tế ngầm trên GDP danh nghĩa của Nhật Bản theo bình quân của năm 2015 là 8,19% và theo nghiên cứu mới đây thì tỷ lệ đó năm 2016 là 4,9%. 

Tỷ lệ này của Nhật Bản thấp như vậy được cho là vì thuế suất nói chung của Nhật Bản và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Đồng thời, việc kiểm soát của nhà nước Nhật Bản với những hoạt động kinh tế ngầm được áp dụng khá nghiêm khắc so với các nước khác. 

Những biện pháp Nhật Bản thực hiện bao gồm: quy chế pháp luật, hành chính để phòng chống, xử lý những hành vi phạm tội; tăng cường chức năng của cơ quan quản lý thuế đối với các chủ thể kinh doanh; tăng cường chính sách phúc lợi cho những người khó khăn về kinh tế, cuộc sống; tăng cường chức năng giới thiệu việc làm cho những người thất nghiệp.

Xin cảm ơn ông!