Cởi trói cho các dự án bất động sản

Hứa Phương - 13:55, 29/10/2022

TheLEADERVới thực trạng thị trường bất động sản hiện nay thì ngoài giải pháp căn cơ là sửa luật cũng cần các làm mang tính ngắn hạn để tháo gỡ.

Ách tắc hồ sơ pháp lý khiến hàng trăm dự án bất động sản ở TP. HCM rơi vào bế tắc, khiến thị trường khan hiếm nguồn cung, giao dịch ảm đạm khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và phát triển DKRA Group, cho biết nguồn cung và lượng căn hộ tiêu thụ mới hiện chỉ bằng 40% - 60% của giai đoạn năm 2019 trở về trước. Trong khi nguồn cung hạng A chiếm 77% thì hạng C lại không ghi nhận nguồn cung mở bán.

Nhà phố, biệt thự nguồn cung tăng nhưng chủ yếu là những dự án có quy mô nhỏ. Còn thị trường đất nền không ghi nhận nguồn cung mới mà chủ yếu là phân lô hộ lẻ, quy mô nhỏ, tập trung ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè.

Để tăng cung, tại diễn đàn “Nguồn cung thị trường bất động sản TP.HCM: Những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường nêu hai giải pháp về pháp lý và vốn.

Trong đó, giải pháp pháp lý cần nhiều thời gian để thực hiện. Đơn cử như việc sửa đổi Luật Đất đai, theo dự tính của Quốc hội thì luật này sẽ được thảo luận trong ba kỳ họp, tức là phải đến kỳ họp thứ hai năm 2023 thì mới có thể ban hành và đến ngày 1/7/2024 mới có hiệu lực thi hành.

Nếu chỉ trông cậy vào Luật Đất đai sửa đổi thì nhà đầu tư, doanh nghiệp, thị trường phải chờ đợi quá lâu. Do đó, ông Võ đề xuất Chính phủ cần thống kê lại các dự án đang chờ phê duyệt, từ đó phân loại xem nhóm nào có thể phê duyệt được nhưng còn vướng mắc một số thủ tục của luật này, luật kia thì làm tờ trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cơ quan này cho phép vì Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan duy nhất giải thích luật.

Đây là những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu chính quyền không phê duyệt thì chủ đầu tư phải chờ đợi trong thời gian dài. Điều này không có lợi cho cả nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Với giải pháp vốn, ông Võ nhận định việc siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là đúng nhưng không nên đánh đồng với tất cả các dự án vì có dự án mới bắt đầu triển khai nhưng có dự án chỉ cần thời gian ngắn nữa là hoàn thành đưa nguồn cung ra thị trường.

Cho nên với những dự án đang nằm ở các khâu cuối thì không nên siết mà cần bổ sung thêm tín dụng để nhà đầu tư thực hiện nhanh hơn vì thị trường đang rơi vào tình trạng thiếu cung.

Với góc nhìn quản lý, ông Võ cũng cho rằng phải lập danh sách các dự án cần siết tín dụng, dự án không cần siết. Cụ thể, đối với những dự án không có khả năng hoàn thành, chậm tiến độ, năng lực nhà đầu tư kém…thì nên siết. Còn với những dự án có khả năng hoàn thành, thời gian tính được theo tháng thì nên cấp tín dụng bình thường.

Nếu thực hiện theo cách này thì tín dụng siết được mà vẫn đảm bảo cho thị trường không gặp rủi do và không gây thiếu cung, từ đó đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bình thường, mặt khác ngăn chặn được những rủi do có thể tạo ra tác động xấu lên nền kinh tế mà bắt nguồn từ bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) bổ sung thêm, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội khoá XIV đã cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất với nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng thì người nhận chuyển nhượng chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này.

Đối với 64 dự án có nguồn gốc đất công, do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm ở TP.HCM đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương, cần xem xét có kết luận dứt điểm.

Trong quá trình xử lý thực hiện chủ trương thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực và các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung nếu có, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Ông Châu cũng kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ xem xét chỉ đạo cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh trên phần đất thương mại, dịch vụ của dự án như công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề.