‘Công thức’ để thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam thành công

Phương Anh - 10:39, 24/08/2021

TheLEADERHội đồng Điện gió toàn cầu đánh giá sự chuyển đổi sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh trong thập kỷ này, sau kế hoạch hỗ trợ ổn định, là quá trình then chốt để điện gió ngoài khơi Việt Nam thành công.

Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới dự đoán điện gió ngoài khơi có thể đáp ứng từ 5 – 12% nhu cầu cung cấp điện của quốc gia vào năm 2035, với công suất lắp đặt 11 – 25 GW. Đây là một phần trong tổng số 160GW tổng tiềm năng kỹ thuật được Bộ Công thương xác định tại Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là một thị trường điện gió ngoài khơi còn non trẻ, với nguồn tài nguyên gió dồi dào và các yếu tố cơ bản để tăng trưởng, trở thành thị trường hàng đầu ở Đông Nam Á.

Theo lộ trình phát triển hiện tại, các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên nhiều khả năng không được kết nối với lưới điện cho đến năm 2026 hoặc muộn hơn, và sự phát của các dự án này đều chưa được hỗ trợ do thiếu chính sách rõ ràng.

Nhận định này được Hội đồng Điện gió toàn cầu (GWEC) đưa ra trong báo cáo hợp tác cùng Nhóm Tham vấn năng lượng tái tạo vừa qua. 

GWEC nhấn mạnh: “Điều quan trọng là cần đảm bảo chính sách hiện nay và trong tương lai được thiết kế để cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững, để ngành công nghiệp gió ngoài khơi có đủ thời gian phát triển”.

Khởi động nhanh bằng cơ chế giá FIT

Dựa trên kết quả phân tích và tham vấn, GWEC khuyến nghị một biểu giá FIT mới cho điện gió ngoài khơi nên được áp dụng ngay từ bây giờ để hỗ trợ giai đoạn đầu với 4 – 5GW kết nối với lưới điện.

Cụ thể, FIT cần được thông báo càng sớm càng tốt để đảm bảo sự ổn định trong ngành, tránh cản trở các dự án hiện đang phát triển, và hỗ trợ giai đoạn đầu của các dự án sẽ chưa được hoàn thành trong vòng ít nhất 5 năm nữa.

Hiện nay, mức giá FIT cho điện gió ngoài khởi là 0,098 USD/KWh, dựa trên điện gió gần bờ và sẽ hết hạn vào tháng 11 tới.

Vì vậy, FIT cho dự án điện gió ngoài khơi chuẩn có thể yêu cầu cập nhật cách tính do sự khác biệt về chi phí và giai đoạn chín muồi của thị trường đối với các công nghệ này, GWEC phân tích.

Từ khóa cho thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam thành công
Việt Nam được đánh giá là một thị trường điện gió ngoài khơi còn non trẻ, với nguồn tài nguyên gió dồi dào. Ảnh: Sumitomo.

GWEC đánh giá FIT sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong việc thúc đẩy phát triển dự án, từ đó sẽ giúp hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp địa phương học hỏi và hợp tác với các nhà phát triển có kinh nghiệm, cũng như các công ty trong chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, việc chuyển đổi sớm sang hình thức đấu thầu sẽ gây áp lực lớn đối với các công ty trong việc cải tiến và cung cấp với chi phí thấp, nếu không có nguồn lực và thời gian. Áp lực quá lớn có thể dẫn đến việc không cung cấp được khối lượng hoặc theo kế hoạch mong muốn, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do chi phí vượt mức hoặc thậm chí mức giá cao hơn dự kiến khi đấu thầu sớm.

Giai đoạn chuyển tiếp cần rõ ràng và công khai

GWEC nhấn mạnh trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi hết hạn giá FIT mới cho 4 – 5GW ban đầu của các dự án điện gió ngoài khơi, một kế hoạch thu xếp việc chuyển đổi từ FIT mới sang đấu thầu cần được thực hiện rõ ràng và thông báo công khai.

Theo đó, việc công bố các hướng dẫn cho chương trình đấu thầu nên bắt đầu trong khi FIT cho điện gió ngoài khơi vẫn đang được áp dụng, để cung cấp cho các nhà phát triển tầm nhìn đầy đủ về khung pháp lý sẽ áp dụng đối với các dự án của họ.

Điều này sẽ cho phép các nhà phát triển có tầm nhìn bao quát về doanh thu dự kiến, và đưa ra quyết định sáng suốt về việc đầu tư và phát triển dự án.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thông báo đầy đủ về việc chuyển đổi sang đấu thầu để lập kế hoạch xây dựng lưới điện, đáp ứng các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, tránh rủi ro cắt giảm công suất.

GWEC lưu ý trước khi đấu thầu được áp dụng, tính khả thi cấp vốn của hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện tại cần được cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài. “Tính khả thi cấp vốn của PPA sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển của các dự án điện gió ngoài khơi do quy mô đầu tư lớn”, tổ chức này nhấn mạnh.

Nguyên nhân là bởi trong khi các dự án điện gió trên bờ quy mô nhỏ có thể được cấp vốn thông qua các ngân hàng địa phương, và các nhà đầu tư thấy PPA mẫu hiện tại là phù hợp, thì điện gió ngoài khơi quy mô lớn sẽ yêu cầu tài chính quốc tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài không tự tin triển khai với các điều khoản hiện tại.

Đơn cử, PPA hiện tại được đánh giá không tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về chậm trễ xây dựng lưới điện và các rủi ro về chạy thử nghiệm phát sinh; cơ chế cắt giảm và bồi thường; rủi ro chuyển đổi tiền tệ; bảo vệ khỏi sự thay đổi của luật pháp; trọng tài giải quyết tranh chấp quốc tế; và những vấn đề khác.

Từ khóa cho thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam thành công 1
Biểu đồ khuyến nghị quá trình chuyển đổi sang đấu thầu ở Việt Nam. Nguồn: GWEC.

Theo GWEC, Việt Nam cần phải có đủ thời gian để chuẩn bị cho chính sách đấu thầu, cần thông báo tối thiểu trước hai năm cho các bên liên quan chính trong ngành về bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong cách tiếp cận.

Việc đấu thầu với thời gian và hướng dẫn thực hiện rõ ràng cũng sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đủ thời gian để chuẩn bị hạ tầng lưới điện khi mức độ đấu nối gia tăng, và khuyến khích các dự án cấp thiết nhất trong hệ thống điện.

Chính phủ Việt Nam nên kết hợp một quá trình tham vấn có hệ thống và cởi mở khi xây dựng chính sách điện gió ngoài khơi trong tương lai, tổ chức này nhấn mạnh.

Là một phần của đối thoại mở, các nhà phát triển phải được thông báo về mọi thay đổi đối với thiết kế đấu thầu hoặc các phương án hỗ trợ đang được xem xét và được mời gửi lấy ý kiến.

Việc thiếu đối thoại và tham vấn cởi mở càng làm tăng thêm rủi ro cho các nhà đầu tư và nhà phát triển, điều này sẽ làm giảm việc tham gia vào các cuộc đấu thầu và vào thị trường gió ngoài khơi.

Các quyết định chính sách của chính phủ cũng cần được công bố công khai và truyền đạt rõ ràng cho các bên quan tâm.

Thiết kế đấu thầu

GWEC cho rằng khi được công bố, cuộc đấu thầu cần có quy mô đủ lớn, ví dụ 2 – 3 GW mỗi đợt phân bổ, để đáp ứng sự quan tâm mạnh mẽ đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy cạnh tranh nếu cung và cầu được cân bằng.

Hơn nữa, một lộ trình rõ ràng cho các vòng đấu thầu trong tương lai (sau năm 2030) cần được công bố để thể hiện tham vọng dài hạn và xây dựng một ngành công nghiệp bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển điện VIII và mục tiêu của Việt Nam là thúc đẩy một “nền kinh tế xanh”.

Thiết kế các phiên đấu thầu cần phân biệt giữa công nghệ hoàn thiện và công nghệ kém hoàn thiện, đặc biệt, cần xem xét cách các cuộc đấu thầu ngoài khơi và gần bờ có thể tương tác và kết hợp với điện gió nổi trong tương lai.

Việt Nam được khuyến nghị cần có các mức hỗ trợ khác nhau theo yêu cầu của từng công nghệ khác nhau với cùng một nguồn năng lượng tái tạo là gió, do các giai đoạn phát triển khác nhau.

“Một quy trình cấp phép hiệu quả và hợp lý là yêu cầu cần thiết để bàn giao dự án đúng thời hạn. Chính chủ cần chuẩn bị cho việc mua bán điện gió ngoài khơi với cơ quan “một cửa”, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm điều phối chung hoạt động cấp phép, hoặc phân chia trách nhiệm phê duyệt cấp phép rõ ràng hơn trong các cơ quan nhà nước”, GWEC nhấn mạnh.